Đến Khoa điều trị Thalassemia (Bệnh tan máu bẩm sinh) tầng 6, Tòa nhà H, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), chúng tôi đã gặp những gương mặt trẻ thơ có số phận éo le. Bên cạnh hai đứa con, một nằm, một ngồi trên giường bệnh, người mẹ với khuôn mặt khắc khổ sau bao ngày theo con chữa bệnh đã kể trong nước mắt, con gái Nguyễn Thị Phương (SN 2009) năm nay vào lớp 1 và em trai là Nguyễn Duy Phòng (SN 2011) đều mắc phải căn bệnh Thalassemia. Lẽ ra, Phương được tới trường như bao bạn nhỏ khác, nhưng em phải nằm trên giường bệnh, với gương mặt xanh xao, thể trạng ốm yếu.
Các bác sĩ kết luận, cả hai chị em bị bệnh tan máu bẩm sinh là nhóm bệnh máu di truyền, gây tan máu thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính, Phương và Phòng phải nhập viện điều trị. Dù có bảo hiểm hỗ trợ việc chữa bệnh và truyền máu nhưng gia đình vẫn không thể điều trị tích cực cho các con vì không có tiền mua thuốc hỗ trợ các cơ quan bị suy yếu như gan, tim, nội tiết… Những loại thuốc này nằm ngoài danh mục được bảo hiểm. Nhiều khi hết tiền sinh hoạt phí buộc phải đưa con về và không tiếp tục điều trị hết liệu trình mà bác sĩ yêu cầu.
“Hai vợ chồng làm ruộng cũng chỉ đủ sống qua ngày. Từ ngày hai cháu nằm Viện, chúng tôi phải xuống Hà Nội, chi tiêu mấy ngày hết hàng triệu đồng, bằng cả một vụ lúa, còn tiền đâu mua thuốc men... Vì vậy, điều trị ở Viện một thời gian, chúng tôi lại phải đưa cháu về, được 20 ngày lại đưa đi Viện vì con đau, kêu khóc suốt ngày đêm”, bố của các cháu rầu rĩ nói.
CBCNV ngành Điện tích cực tham gia hiến máu trong "Tuần lễ hồng EVN"
|
Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân Thalassemia như Phương và Phòng nếu được truyền máu đầy đủ vẫn có thể phát triển bình thường, nhưng do hoàn cảnh gia đình, hai em không được truyền máu kịp thời và đúng liệu trình. Nguồn máu cho các em chủ yếu lấy từ nguồn hiến máu được hiến tặng. Tuy nhiên, những dịp cuối năm, các bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu máu trầm trọng, những trẻ tan máu bẩm sinh phải chờ 5 ngày đến 1 tuần mới được truyền máu, cơ hội sống sẽ không nhiều, vì phải ưu tiên lượng máu cho những ca cấp cứu như xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu bẩm sinh, sinh mổ, tai nạn giao thông...
Chính trong thời điểm các bệnh viện thiếu nguồn máu cứu chữa bệnh nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kịp thời phát động “Tuần lễ hồng EVN” hiến máu nhân đạo với thông điệp “Món quà ý nghĩa cho cộng đồng”. Chủ tịch Hội đồng Thành viên đã gửi thư Kêu gọi Hưởng ứng Tuần lễ hiến máu tình nguyện toàn Tập đoàn. Ngay sau Lễ phát động vào ngày 04/01/2016, Tổng Giám đốc cùng các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn là những người đầu tiên hiến máu nhân đạo trong Tuần lễ hồng EVN. Tiếp theo đó, lần lượt các đơn vị Điện lực trực thuộc EVN trên toàn quốc đã cùng tổ chức hưởng ứng hiến máu theo hướng dẫn của Tập đoàn. Tổng số đơn vị máu mà Tuần lễ hồng EVN đã đóng góp cho “ngân hàng” máu trên Toàn quốc là 4.586 đơn vị. Bên cạnh đó, EVN cũng đã trao tặng 23 phần quà hỗ trợ ăn Tết cho các em bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Viện huyết học – Truyền máu trung ương.
Đại diện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Nếu nhiều doanh nghiệp có những hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc như EVN thì sẽ đảm bảo được ngân hàng máu luôn an toàn. Những giọt máu hồng của CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ cứu được rất nhiều người bệnh, trong đó có những hoàn cảnh đáng thương như hai chị em cháu Phương và Phòng”.
“Tuần lễ hồng EVN” đã đi qua, nhưng ý nghĩa mà hoạt động này để lại vẫn rất sâu sắc, như một món quà vô giá gửi tới cộng đồng. Mỗi giọt máu hồng của CBNV ngành Điện cho đi với mong muốn “Thắp sáng niềm tin”, mang tới niềm hy vọng cho biết bao bệnh nhân nghèo và những trẻ thơ đang rất cần máu điều trị, đem tới mùa xuân ấm áp để các em và gia đình có thêm động lực, niềm tin chiến thắng bệnh tật.