Người thợ điện quên đi sự vất vả khi nhận tình cảm và sự quý trọng của khách hàng dùng điện - Ảnh: T.Huyền.
|
Đi lại 6 lần vì… một “trò đùa”
Mới 9 giờ sáng, không khí oi bức đã bao trùm con phố Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Những người thợ điện Đội Quản lý Điện số 7, Công ty Điện lực Long Biên, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội vẫn miệt mài làm việc với mong muốn thay công tơ điện tử mới cho khách hàng một cách nhanh nhất. Đứng dưới chân cột điện, bà Tăng Thị Ngỏi, một người dân ở ngõ 232 Thạch Bàn vừa mang ly trà đá ra mời nhóm thợ điện vừa tranh thủ kể vài chuyện “điện đóm” khó tin mà có thật.
“Tôi sợ nhất là mất điện.Thế mà đều đặn 22h đêm mỗi ngày, cứ gần tới giờ đi ngủ là nhà tôi lại mất điện!” Bà Ngỏi bắt đầu câu chuyện như thế - “Ban đầu, gia đình tôi gọi lên Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHANOI và được mấy anh thợ điện đến tận nơi sửa. Sau khi kiểm tra chỉ cần gạt lại cầu dao, điện lập tức lại sáng trở lại. Thế nhưng đúng 22h ngày hôm sau, cầu dao lại tiếp tục bị “sập” một cách bất ngờ. Mấy anh thợ điện lại khẩn trương tới kiểm tra, vẫn chỉ gạt cầu dao lên là nhà tôi lại có điện”.
Bà Ngỏi lúc ấy đã “đau đầu” vì không tìm ra nguyên nhân, nhưng rất cảm ơn sự nhiệt tình của các anh thợ điện khi 6 ngày liên tục vất vả, thậm chí đã nhiệt tình thay cho bà Ngỏi cầu dao mới, nhưng sự việc vẫn cứ lặp đi, lặp lại. Chỉ tới khi Đội trưởng Đội quản lý điện số 7 Trần Đức Quang phát hiện đám trẻ con hàng xóm nhà bà Ngỏi thì vụ sập cầu dao “bí ẩn” mới sáng tỏ, đó là trò nghịch của bọn trẻ.
“Trước đây cầu dao để xa tầm tay với của trẻ, nhưng tháng trước, do nâng đường lên 2m, bọn nhỏ mới với tới được” – Bà Ngỏi tâm sự và cho biết thêm: “Ngay sau khi phát hiện, mấy anh thợ điện đã đi kiểm tra xung quanh khu vực được nâng đường và đưa cầu dao lên vị trí an toàn. Từ đó, nhà tôi không còn mất điện vì cầu dao bị sập nữa!”
Cũng từ trò đùa sập cầu dao ấy, anh Quang đã xin tham dự một buổi họp tổ dân phố, lắng nghe ý kiến người dân và cho anh em xử lý những tình huống tương tự. Ngoài ra, anh Quang còn tranh thủ hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; giải đáp thắc mắc của người dân về dịch vụ điện và những gì liên quan đến điện.
Công việc của thợ điện được ví như "Làm dâu trăm họ" - Ảnh: ĐVCC.
|
Kiên nhẫn trong …1001 tình huống với khách hàng
Làm thợ điện tính kỷ luật và tuân thủ quy trình luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, đôi khi, người dân cũng lầm tưởng những phần việc mà thợ điện làm theo quy trình, quy định là việc cố tình “làm khó” cho khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Đồng một 62 tuổi, trú tại phường Ngọc Lâm kể lại: “Lần trước, mấy chú ấy đến thay công tơ định kỳ. Theo quy trình, phải mời khách hàng có mặt tại thời điểm treo - tháo công tơ để chứng kiến và xác nhận. Tôi đã lớn tuổi, khi được yêu cầu ra làm việc, tôi không đồng ý vì nghĩ mình có nhà cửa đàng hoàng, sao bắt tôi ra cột điện? Muốn ký tá gì thì vào nhà ký”.
"Lúc ấy tôi đã nổi nóng, vậy mà mấy chú thợ điện vẫn nhẹ nhàng giải thích. Cuối cùng tôi “cũng phải vui vẻ” ra cột ký xác nhận. Thật tình mà nói, các chú ấy làm tôi thay đổi rất nhiều cách nhìn về thợ điện. Trước đây tôi cũng có những định kiến, cho rằng thợ điện độc quyền nên ít quan tâm tới khách hàng, nhưng giờ thấy các chú ấy gần gũi như người nhà. Mỗi lần thấy các chú đu mình trên cột mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ gay bà con ai cũng thương lắm!” - Ông Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.
Còn với bà Vương An Bích, thiện cảm của bà với thợ điện bắt đầu từ công nhân trẻ Nguyễn Phúc. Anh Phúc là hàng xóm của bà Bích. Mỗi lần nhà bà hỏng đồ điện nào là lại “ới” anh Phúc xách đồ nghề sang sửa hộ. Với nụ cười hiền lành, bà Bích cho biết, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chưa khi nào chú ấy nhận tiền sửa điện mỗi khi hàng xóm nhờ. Bất kể thời gian bận rộn, chú Phúc vẫn giúp tận tình từ sửa cái quạt cóc đến cái máy bơm, nồi cơm điện... “Trách nhiệm với công việc, gần gũi với bà con nên mấy anh thợ điện ở Đội 7 được lòng bà con lắm!”- Bà Bích chốt lại như vậy.