Cuộc sống nơi đầu sóng
Huyện Trường Sa: Có ba đơn vị hành chính trực thuộc là Thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn và xã Song Tử Tây.
- Thị Trấn Trường Sa gồm đảo Trường Sa và phụ cận
- Xã Song Tử Tây gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận
- Xã Sinh Tồn gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận
|
Đây là điểm đến thứ 11 trong hải trình kéo dài 10 ngày của đoàn công tác Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do ông Phạm Mạnh Thắng – thành viên HĐTV Tập đoàn dẫn đầu, đi thăm, tặng quà và động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, song hành cùng với việc khảo sát hệ thống điện ở các điểm trên đảo.
Từ xa đã có thể nhìn thấy cổng chào “Đảo Trường Sa” với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, bên cạnh là những công trình mái ngói đỏ tươi ẩn hiện giữa hàng hàng lớp lớp những cây tra, cây phong ba, bàng vuông vươn lên xanh ngắt một mầu, bất chấp sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết trên biển.
Ở thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa), bên cạnh các lực lượng vũ trang, còn có người dân sinh sống cùng nhiều công trình dân sự khác như chùa chiền, trạm xá, lớp học, trạm khí tượng thủy văn, trạm hải đăng…
Thầy giáo trẻ Phạm Trung Việt, sinh năm 1984, quê ở Khánh Hòa đã dạy học tại Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa được 3 năm. Trước khi tình nguyện đến Trường Sa “gieo chữ”, thầy Việt cũng đã có 4 năm dạy học tại xã đảo Vạn Thạnh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nơi có điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn như thiếu nước ngọt, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến tàu từ đất liền chở thực phẩm ra đảo.
Anh cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biển, nên biển cũng là một phần máu thịt của tôi.” Khi được hỏi tại sao chọn việc “gieo chữ” ở những vùng biển, đảo xa xôi nhất, Thày Việt đã trả lời không chút đắn đo: “Tôi muốn những đứa trẻ ở đảo cũng được thụ hưởng chương trình giáo dục trọn vẹn như trong đất liền. Tôi mong được góp phần xây dựng hành trang vững chắc cho các con, để khi lớn lên, các con sẽ trở thành những người có ích cho đất nước, biết yêu biển và làm cho đất nước giàu mạnh hơn từ biển”.
Ở đảo Trường Sa, thầy Việt và người đồng nghiệp của mình dạy học cho 12 học sinh từ lứa tuổi mẫu giáo đến lớp 3. Sang năm học tới, Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa sẽ mở thêm lớp 4. “Các con ngoan ngoãn, chăm học và biết vâng lời lắm” – thầy giáo trẻ hào hứng “khoe” về những “đứa con” của mình.
Chị Lê Thị Trúc – một trong những hộ dân sinh sống trên đảo Trường Sa cho biết, dù cuộc sống trên đảo không sôi động, náo nhiệt như trong đất liền, nhưng gia đình chị hài lòng với cuộc sống ở đây. Điều chị Trúc tâm đắc nhất là tình cảm gắn bó keo sơn giữa quân và dân trên đảo, chị cho biết: “ở đây, tất cả chúng tôi giống như người một nhà”.
Nếp sống của người dân đảo Trường Sa đều giống nhau. Hằng ngày, đàn ông dong buồm ra khơi, còn phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái và tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, nuôi thêm con gà, con vịt. “Cá đánh bắt được, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau. Hôm nào đánh bắt được nhiều thì biếu nhiều, có ít thì biếu ít. Quân – dân trên đảo đều chia ngọt, sẻ bùi với nhau. Còn khi chúng tôi gặp khó khăn thì các anh ấy (bộ đội – PV) hết sức giúp đỡ. Cuộc sống trên đảo gắn bó với nhau là vậy” - chị Trúc chia sẻ.
Đảo Trường Sa nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số người dân địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi đi đánh bắt xa bờ, nếu bất ngờ có bão, giông, hoặc đau ốm, bệnh tật, đều đến đây tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh…
Trung tá Đỗ Đức Tuyến – Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa cho biết, ngư dân được tạo mọi điều kiện thuận lợi để yên tâm ra khơi, bám biển, được bảo vệ an toàn, được cung cấp nước ngọt, dầu mỡ, lương thực thực phẩm khi họ đi biển dài ngày gặp giông tố.
Trung bình, mỗi năm, đảo Trường Sa cấp cứu hơn 1.000 ngư dân trong những trường hợp khẩn cấp như vậy, qua đó tạo niềm tin vững chắc cho ngư dân, đồng thời xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Vì vậy, đội tàu đánh cá của ngư dân ở vùng biển này tăng mạnh, lý do rất đơn giản, ở đây bà con đang có một hậu phương vững chắc để yên tâm bám biển, giữ gìn biển đảo quê hương.
Chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam canh giữ vùng biển, vùng trời
|
Đẩm bảo điện cho Trường Sa
Cũng theo Trung tá Đỗ Đức Tuyến, hiện nay đảo Trường Sa đang được cấp điện từ giàn pin năng lượng mặt trời và điện gió, phục vụ chiếu sáng và sinh hoạt. “Điều này đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo của thị trấn Trường Sa” - Trung tá Tuyến cho hay.
Tuy nhiên, do nguồn năng lượng sạch hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thời tiết nên cũng còn nhiều khó khăn. Những ngày trời lặng gió, quạt không quay được thì không có điện hoặc những ngày không có nắng thì pin năng lượng mặt trời cũng không hoạt động được.
Cũng theo Trung tá Tuyến, do ảnh hưởng của nước biển và hơi nước mặn từ biển, hệ thống điện cũng như các thiết bị rất nhanh bị xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống năng lượng sạch trên đảo cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có nhân lực tại chỗ đủ trình độ chuyên môn, tay nghề.
Theo đại úy Trương Đức Cường – Bệnh xá Trưởng trên đảo Trường Sa, do nguồn điện còn hạn chế nên khi có một ca cấp cứu thì toàn bộ điện trên đảo sẽ phải ưu tiên cho bệnh xá cứu chữa người bệnh. Vì vậy, việc nâng cấp hệ thống điện trên đảo để đáp ứng được nhu cầu điện cho mọi hoạt động của quân và dân là rất cần thiết.
Đoàn công tác số 15 gồm hơn 200 đại biểu, trong đó:
EVN có trên 120 thành viên.
Còn lại là đại biểu đại diện của các tỉnh: Bình Thuận, Sóc Trăng, huyện Diễn Châu – tỉnh Nghệ An và các cơ quan, đơn vị: Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang, Cơ quan Bộ Y tế.
Thời gian: 10 ngày đêm (Từ 24/5 đến 4/6)
Đoàn đã đến thăm, kiểm tra tại 9 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và 1 nhà giàn.
|
Trong chuyến công tác này, Tổ khảo sát của EVN đã hoàn thành mục tiêu khảo sát thực tế tại 9 đảo, 1 nhà giàn để đánh giá tình hình cung cấp điện hiện tại cũng như hiểu rõ hơn về thực trạng hệ thống điện trên các đảo.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng - thành viên HĐTV EVN, tài nguyên nắng, gió ở Trường Sa có thể đảm bảo nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế, dân sinh, đồng thời giữ gìn môi trường biển ở huyện đảo Trường Sa.
Qua đợt khảo sát này, EVN sẽ có một số đề xuất, phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải Quân lên phương án tiếp nhận và xây dựng cơ chế phối hợp vận hành hệ thống điện tại các đảo khi được Chính phủ chấp thuận chủ trương để EVN tiếp nhận hệ thống điện tại huyện đảo Trường Sa.
Lãnh đạo EVN khẳng định, Tập đoàn phát triển bền vững như ngày hôm nay là nhờ có tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh đảm bảo. Do vậy, việc tài trợ cho Trường Sa nói riêng và đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp điện cho vùng sâu vùng xa, vùng biên giới và hải đảo nói chung là trách nhiệm và cũng là nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
“Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Trường Sa, chia sẻ bớt những khó khăn, vất vả thiếu thốn về vật chất và tinh thần của các chiến sỹ.” – ông Thắng khẳng định.
Tạm biệt “pháo đài” kiên trung giữa Biển Đông, tạm biệt những chiến sĩ và những người dân đang ngày đêm bám biển, vượt qua mọi khó khăn, gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành, góp sức của EVN, trong một ngày không xa, những nơi đầu sóng, ngọn gió như Trường Sa, sẽ luôn bừng sáng ánh điện…