Khi con tôi chuẩn bị vào lớp 1, tôi đã gửi cháu học hè 1 cô giáo được quảng cáo dạy giỏi của trường. Cháu suốt ngày bị cô chê dốt làm cháu không muốn đi học. Chính những câu nói của cô giáo đã dần làm cho cháu tự ti. Vì vậy, tôi đã không cho con học lớp cô giáo nữa.
Thật may, khi cháu vào lớp 1, được vào lớp của 1 cô giáo tốt. Cô coi tất cả các con đến lớp đều chưa biết gì. Vì vậy, cháu rất ham học và đạt học sinh giỏi. Qua trao đổi với vài bậc phụ huynh trong lớp, mới biết các con cũng từng học cô giáo kia và các phụ huynh cũng hoảng vì cách xử sự của cô giáo.
Qua 2 năm học, những học trò bị cô giáo chê đều đạt thành tích trong các cuộc thi viết chữ đẹp hoặc đạt điểm rất cao trong các cuộc thi khảo sát học sinh giỏi của trường. Tôi kể ra điều này để các cô giáo và mọi người hiểu rằng, các cháu còn bỡ ngỡ, cần có sự tận tâm và phương pháp dạy phù hợp, nên cần khuyến khích các cháu. Đừng chê các cháu, nhất là những lời chê như "dốt quá", "Kém quá"..., sẽ làm cho các cháu nảy sinh tâm lý tự ti, không thích học, rất nguy hiểm.
Còn bản thân các phụ huynh cũng cần có sự chỉ bảo, hướng dẫn các con tại nhà, để có thể theo kịp lớp (nhất là đối với trường hợp các cô dạy theo quan điểm các con đều phải biết chút ít ở mẫu giáo). Kinh nghiệm của tôi là mua một số sách tham khảo dạy học. Chẳng hạn, ở lớp 1 các con chủ yếu là tập viết, phụ huynh có thể tham khảo sách Dạy học và tập viết ở tiểu học. Trong sách này có hướng dẫn dạy viết, luyện các nét... theo sát cách dạy của các cô giáo ở lớp, nhờ đó mà ta có thể hướng dẫn con nắm bắt được những điều cô dạy tốt hơn.
Đối với học Toán thì đơn giản, có thể cho con làm bài trong các sách tham khảo. Còn việc con không chép kịp bài thì gia đình cần kiên nhẫn kèm cặp thêm, Có thể thời gian đầu con không theo kịp do cô quan niệm các con đều biết cả. Phụ huynh cứ yên tâm, chương trình học lớp 1 cũng nhẹ nhàng, các kỳ thi cũng bám sát chương trình, yêu cầu chung cũng chỉ là viết đúng cỡ chữ, đúng chính tả...
Vì vậy đừng quá lo lắng hoặc mắng con khi con bị điểm kém. Hãy động viên, an ủi và hướng dẫn con những chỗ con chưa hiểu. Còn với những lời phê của cô giáo làm cho con tự ti thì cần giải thích nhẹ nhàng, động viên con cố gắng hơn.
Trên đây là kinh nghiệm của tôi khi con vào lớp 1. Cháu đã từ một cậu bé nhút nhát, học dốt (như cô giáo dạy lớp chọn nói) trở thành đứa trẻ mạnh dạn, nhanh nhẹn, học giỏi. Kết quả có được là nhờ có cô giáo tận tậm, khuyến khích các con trong học tập và mẹ kiên nhẫn kèm cặp thêm. Rất tiếc là hiện nay có ít những cô giáo tận tình, không chạy theo thành tích như cô giáo chủ nhiệm lớp 1 của con tôi. Vì vậy, các phụ huynh và các con sẽ phải vất vả hơn ở nhà vì cần học nhiều hơn.
Thuy Nga