Kinh nghiệm “khởi động” lại công việc hiện tại

Mỗi người một ngày có 8 tiếng làm việc tại cơ quan và một đời người sẽ có từ 30 năm trở lên để làm việc như thế. Không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy hài lòng với công việc của mình, thậm chí, nhiều lúc còn rơi vào sự nhàm chán hoặc bế tắc. Những kinh nghiệm sau đây sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng này.

Bạn nên cân nhắc kỹ với các tình huống sau:

Có nên tiếp tục với công việc?

Bạn cảm thấy ngày càng không hài lòng về công việc của mình tại cơ quan, không còn có những ước mơ, khát vọng trong công việc tại nơi làm việc. Thậm chí, bạn sợ đến cơ quan vào mỗi buổi sáng thứ 2 với ý nghĩ tiêu cực trong đầu: Bạn đang làm gì ở đây, hoặc vì sao bạn phải gắn bó với nơi này?

Chán nản, không khởi động được công việc (ảnh minh họa)

Khi đó, xảy ra 2 trường hợp, một là, bạn sẽ "đầu hàng" từ bỏ công việc hiện tại; hai là, bạn làm việc một cách chịu đựng, đối phó với thái độ vô cảm, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút.

Trước khi quyết định từ bỏ hay không, bạn hãy tham khảo những lý do thường gặp ở những người đã rời bỏ công việc của họ. Điều này sẽ giúp bạn nhìn lại mình một cách nghiêm túc, cả mặt mạnh và yếu, xem thật sự là bạn không phù hợp công việc, không đáp ứng được hay chưa biết cách thích nghi để giải quyết công việc được dễ dàng, từ đó, xác định đúng con đường đi của mình, cũng như thái độ và trách nhiệm đối với công việc trong tương lai.

Tại sao không hài lòng với công việc?

Bạn không thích những hoạt động hằng ngày trong công việc được giao, nó không phù hợp chuyên môn của bạn? Hoặc, có những vấn đề khác ảnh hưởng đến cách suy nghĩ về công việc của bạn như vấn đề văn hóa doanh nghiệp, thu nhập cá nhân... Nếu bạn thực sự thích công việc và xác định được các vấn đề bạn đang phải đối mặt, hãy xem có thể giải quyết được những vấn đề này một cách độc lập, hay tìm kiếm sự trợ giúp từ những yếu tố khác.

Đặc biệt, không nên tự mình quyết định bỏ việc một cách nhanh chóng, nếu một mình bạn không nghĩ ra cách giải quyết vấn đề, bạn có thể tham khảo ý kiển của những người bạn tốt, có thiện chí với bạn, hoặc tìm kiếm cho mình một dịch vụ tư vấn, hoặc hỏi ý kiến những người thân trong gia đình.

Bế tắc trong công việc

Bạn có cảm thấy bị "mắc kẹt" ở vị trí và công việc hiện tại, bạn không có hướng triển khai công việc cụ thể, thậm chí thấy chán nản và không muốn “khởi động” để có giải pháp cho tình trạng này. Bạn hãy suy nghĩ tích cực hơn bằng cách nói chuyện trực tiếp với cấp trên của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ, cũng là cách để thẩm định lại tình trạng mà mình đang mắc phải; đồng thời, bạn cũng có thể hỏi về các vị trí làm việc khác, thậm chí là các khóa học phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực đáp ứng nhu cầu công việc. Với những chia sẻ này, chính sếp của bạn cũng sẽ đánh giá cao ý chí muốn tiếp tục học hỏi và tinh thần cầu tiến của bạn.

Nói chuyện trực tiếp với sếp để có thể tìm được đồng thuận (ảnh minh họa)

Một phương án khác, bạn cũng có thể trao đổi với một đồng nghiệp để có thể tìm ra hướng giải quyết mới, biết đâu nhờ đó bạn cũng có thể lấy lại được cảm hứng cho công việc.

Không được đánh giá cao trong công việc

Bạn làm việc chăm chỉ mỗi ngày, nhưng bạn không được cấp trên và đồng nghiệp ghi nhận nỗ lực của mình. Bạn không có khái niệm lần cuối cùng bất cứ ai trong cơ quan cảm ơn bạn vì thiện ý hay sự giúp đỡ của bạn đối với họ.

Bạn có thể bày tỏ nguyện vọng muốn được trao đổi về hiệu quả công việc thường xuyên hơn với cấp trên, để có được những thông tin phản hồi, cả tốt và xấu, nhờ đó bạn có thể cải thiện được hiệu suất lao động của bản thân.

Đề xuất những công việc khó khăn hơn mà bạn có thể đảm đương được như phụ trách nhóm nhân viên triển khai những hoạt động quan trọng, để có cơ hội thể hiện rõ hơn khả năng dẫn dắt và hoàn thành công việc của mình đối với cấp trên, cũng như các đồng nghiệp trong nhóm để mọi người có thể thay đổi cách nhìn về bạn.


  • 27/07/2012 09:44
  • Diệu Thảo
  • 1593


Gửi nhận xét