Từ thợ may đến… vận hành đường dây
“Ngành Điện không dành cho nữ giới, nhưng lại là niềm đam mê đối với tôi. Và để có thể theo đuổi, chinh phục ước mơ của mình, tôi đã phải đi theo đường vòng” - Chị Tâm chia sẻ và cho biết đó cũng chính là lý do vì sao năm nay đã 46 tuổi, nhưng chị mới có hơn 14 năm trong nghề điện.
Không đỗ đại học, nhưng lại đam mê mãnh liệt khoa học công nghệ, chị Tâm quyết định theo học nghề điện tại Trường Trung cấp điện 1 - Sóc Sơn, Hà Nội. Năm 1988, khi tốt nghiệp, điện lưới quốc gia chưa về với huyện Sông Mã, với tấm bằng trung cấp điện, chị Tâm không thể tìm được việc làm đúng nghề. Vì vậy, chị phải chuyển sang làm thợ may để duy trì cuộc sống.
Tuy nhiên, với ước mơ luôn cháy bỏng, đến tháng 01/2002, chị may mắn được nhận vào làm công nhân quản lý vận hành đường dây và TBA tại Chi nhánh điện Sông Mã. “Lúc ấy, dân cư trên địa bàn thưa thớt lắm, tuyến đường dây trung thế 35 kV và hạ thế 0,4 kV trải dài từ Sơn La vào đến huyện và các xã” – chị Tâm bồi hồi nhớ lại và bổ sung: “Hơn nữa, 14 năm không làm công việc mình được đào tạo, nên ngay từ những ngày đầu thử việc, tôi rất bỡ ngỡ. Tôi cố gắng sắp xếp mọi việc gia đình, tranh thủ tham khảo tài liệu, học hỏi đồng nghiệp trong đơn vị, qua đó nắm vững được quy trình, quy phạm trong lĩnh vực quản lý đường dây và trạm”.
Lúc vào ngành, chị đã 33 tuổi. Làm công nhân kỹ thuật điện đối với một phụ nữ trẻ đã khó, ở tuổi 33 với một nữ thợ điện vùng cao lại càng khó khăn hơn nhiều. Đôi lúc chị từng có suy nghĩ: “Phụ nữ không thể làm tốt công việc kỹ thuật điện như nam giới”. Nhưng chị lại tự động viên: “Dù không có sự nhanh nhẹn, tháo vát, sức khỏe như nam giới, thì mình sẽ bù lại bằng sự cần cù, chăm chỉ”. Đó chính là động lực để chị vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thu được những thành quả đầu tiên với nghề điện.
Chị nhớ lại, cách đây hơn chục năm, khi mới bắt đầu làm việc tại hiện trường, “Khi ấy, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ nâng cột điện 35 kV tại vị trí 232 đường dây 35 kV E17.2 lộ 382 bản Mo, xã Chiềng Khương, nâng cao khoảng cách pha đất. Hôm ấy, cả đoàn có 7 công nhân, trong đó có 2 nữ. Vị trí làm việc ở trên triền đồi trơn dốc, phải đi qua mấy quả đồi mới sang tới nơi và phải đến gần 11 giờ đêm, anh em mới làm xong công việc. Lúc này, tôi và một cô công nhân đã ngoài 45 tuổi nhận đi tháo tiếp địa. Trời tối, đường rừng sâu hun hút, lại không có đèn pin, chúng tôi ra vị trí tháo tiếp địa thì đi lạc đến một gốc cây gạo rất to. Dù sợ hãi và không xác định được lối đi, tôi vẫn tự nhủ, phải cố gắng. Vì khi ấy, các anh nam giới đã rất mệt, nếu hai cô cháu chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ, anh em sẽ phải leo lên và làm thay. Nghĩ vậy, không ai bảo ai, hai cô cháu quyết tâm làm bằng được. May thay, chỉ sau vài phút loay hoay, chúng tôi đã tìm thấy vị trí tiếp địa. Trên đường quay về đơn vị, được anh em đùa vui là “hai cô cháu can đảm không khác gì đấng mày râu” khiến tôi vui và tự hào lắm”.
Nữ phó giám đốc leo cột điện
Những năm 2005, 2006, ngành Điện ứng dụng nhiều giải pháp KHCN mới vào SXKD, chị thấy mình còn non kém, chưa biết cách sử dụng, khai thác các tính năng của chiếc công tơ điện tử hay sử dụng máy vi tính. Chị nghĩ: “Nếu mình không chủ động tiếp cận sẽ không thể làm được việc, như thế sẽ ảnh hưởng đến cả Chi nhánh”. Vậy là, chị bắt đầu tập gõ những chữ cái đầu tiên trên máy tính. “Gặp ai biết về công nghệ thông tin, tôi đều chủ động hỏi ngay những điều mình vướng mắc, có các lớp tập huấn của Điện lực Sơn La tổ chức tôi đều tích cực tham gia. Dù chưa được học qua trường lớp nào, chưa có văn bằng chứng chỉ về tin học, nhưng đến nay, tôi đã sử dụng thành thạo máy vi tính phục vụ công việc chuyên môn” – Chị Tâm chia sẻ.
Theo năm tháng, chị đã trải qua nhiều công việc, từ công nhân treo tháo công tơ, nhân viên thu ngân đến tất cả các công việc kinh doanh khác ở Chi nhánh Điện Sông Mã. Với những nỗ lực cố gắng của bản thân và sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, tháng 10/2007, chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Điện lực Sông Mã và trở thành một trong số rất ít nữ cán bộ làm công tác quản lý kỹ thuật trong ngành Điện.
Đến nay, khi đã trở thành Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, chị lại càng ý thức được rằng, đây là khâu cuối cùng rất quan trọng trong đơn vị. Để công việc đạt hiệu quả, chị Tâm vẫn bố trí thời gian đi hiện trường, đi thu ngân, đi phát tờ rơi cùng anh em. Chị Tâm nói: “Có vậy mới kiểm tra thực tế công nhân của mình ứng xử với khách hàng ra sao, qua thực tế có tình huống phát sinh mình mới biết cách giúp anh em vượt qua”. Thậm chí, hình ảnh một nữ phó giám đốc đi ủng, leo cột điện, kiểm tra công việc vận hành lưới điện đã trở thành “hình ảnh độc quyền” gắn liền với chị Tâm. Bởi theo chị: “nếu lãnh đạo không sâu sát công việc, không lăn lộn thực tế, thì làm sao hiểu được công việc của anh em và làm sao biết được anh em công nhân làm đúng hay sai mà kịp thời điều chỉnh”. Và phương châm lãnh đạo của nữ quản lý “gần công nhân” này cũng đúng như quá trình phấn đấu mà chị đã trải qua: “Trong công việc, không phân biệt nam hay nữ, mà quan trọng là hiệu quả”.
Chị Nguyễn Thị Tâm:
- Sinh ngày: 30/03/1968
- Năm 1988: Tốt nghiệp chuyên ngành Điện xí nghiệp, Trường Trung cấp điện 1 - Sóc Sơn Hà Nội .
- Từ 11/2001 - 12/2001: Thử việc tại Tổ kinh doanh Chi nhánh điện Sông Mã.
- Từ 01/2002 - 08/2004: Công nhân quản lý, vận hành đường dây và TBA Chi nhánh điện Sông Mã.
- Từ 09/2004 - 10/2007: Tổ trưởng Tổ kinh doanh Chi nhánh điện Sông Mã.
- Từ 11/2007 - 07/2012: Phó Giám đốc Điện lực Sông Mã.
- Từ 08/2012 đến nay: Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Điện lực Sông Mã, Công ty Điện lực Sơn La.
- Một số danh hiệu được tặng:
- Bằng khen của Bộ Công Thương năm 2009.
- Đạt danh hiệu Lao động xuất sắc cấp cơ sở năm từ năm 2007 - 2013.
|