Anh công nhân điện lấy được vợ nhờ “ga lăng”
Gia đình chị Bùi Thị Thùy Linh.
|
Gần 2 năm yêu nhau, hơn 6 năm trong cuộc hôn nhân viên mãn với một bé trai xinh xắn, chị Bùi Thị Thùy Linh, nhân viên Phòng Kinh doanh, Điện lực Lăk, Công ty Điện lực Đăk Lăk vẫn nhớ như in lần gặp anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Quản lý vận hành đường dây & trạm biến áp cùng Công ty.
“Năm 2009, anh Hùng chuyển từ Điện lực CưM’ga về Điện lực Lăk, lúc đó chúng tôi chưa có tình cảm với nhau, nhưng có vài tháng cơ quan thiếu người đi ghi chỉ số công tơ điện nên huy động chị em trong văn phòng đi ghi số. Trưởng phòng giao tôi và anh Hùng đi cùng nhau, chúng tôi được giao ghi số trong xã cách Điện lực gần 50km, đi mất hơn một giờ đồng hồ mới đến nơi” - chị Linh nhớ lại và hào hứng kể giọng đầy hạnh phúc: “Vì số lượng khách hàng nhiều, nên chúng tôi tranh thủ cố gắng làm thật khẩn trương. Lúc đầu, đi đến trụ điện nào, anh cũng nhận phần trèo lên cột để đọc chỉ số công tơ còn tôi theo sau ghi chỉ số vào sổ. Đến lúc quá trưa, trời nắng chang chang, theo sau anh mà bụng tôi kêu ọp ẹp, sôi lên suốt đường đi, người cũng hơi lả đi vì đói và mệt. Thấy vậy, anh bảo tôi cứ ngồi yên trên xe để mình anh vừa đọc, vừa ghi. Trời mỗi lúc một nắng hơn, tới lúc hoàn thành công việc thì lưng áo anh đã ướt đẫm mồ hôi. Nhìn anh nhễ nhãi mồ hôi chạy lại phía tôi với chai nước suối trên tay, miệng nở nụ cười tươi rói, tôi thấy trân trọng. Anh không như những chàng trai chải chuốt, trọng hình thức khác tôi từng gặp…”.
Kể từ đó, một tình cảm đối với anh công nhân điện hiền lành, chăm chỉ đã hé nở trong lòng chị. Để ý anh nhiều hơn, chị Linh phát hiện anh Hùng là một người rất nhiệt tình, hay giúp đỡ đồng nghiệp và từ sự cảm mến chuyển thành tình yêu lúc nào không hay.
Sau gần 2 năm yêu nhau, cả hai tổ chức đám cưới vào tháng 6/2011. Đôi vợ chồng trẻ đón nhận tin vui có em bé. Ngày chị mang bầu, công việc tuy bận rộn, nhưng anh Hùng vẫn dành thời gian chăm sóc vợ. Hễ rảnh, anh lên hẳn một danh sách các đồ ăn kiêng cho vợ, nấu bất cứ món ăn nào chị Linh thích. Thậm chí, những lúc ngồi nghỉ với anh em công nhân, anh thợ điện áo cam cũng tranh thủ nhập hội với "các ông chồng bỉm sữa" để lấy kinh nghiệm chăm vợ.
Bù lại, do cùng ngành Điện nên chị Linh rất hiểu công việc của anh Hùng, luôn chia sẻ và đồng cảm khi anh phải tăng ca, ăn dở bữa cơm cũng phải chạy đi khắc phục sự cố điện. Chỉ hiềm mỗi khi cơ quan huy động làm thêm thứ 7, chủ nhật, cả 2 đều phải đi làm, không ở nhà chăm con. Hoặc nếu gia đình có việc cả 2 đều phải nghỉ, nên khó sắp xếp công việc. Bí quyết giữ hạnh phúc của chị chỉ đơn giản là những lúc rảnh, chị Linh thích vào bếp, tìm hiểu và nấu cho chồng những món ngon. Ngày nào chị cũng dậy sớm nấu ăn, sắp cơm vào hộp cho anh mang theo. “Chúng tôi luôn tâm niệm hạnh phúc chỉ cần vợ chồng yêu thương nhau là đủ" – Chị Linh tâm sự.
Nên duyên từ một chuyến thiện nguyện
Tình cảm của Thu Hiền, Khắc Trung được "vun đắp" từ tình yêu ngành Điện.
|
Chuyến xe thiện nguyện mùa hè năm 2012 đã đưa chị Trần Thu Hiền, chuyên viên Ban Quan hệ Cộng đồng EVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và anh Vũ Khắc Trung, chuyên viên phòng Kế hoạch, Trung tâm Viễn thông Công nghệ thông tin, nay là Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin tìm được một nửa của đời mình.
Lúc đó, chàng trai là Phó Bí thư Đoàn thanh niên Trung tâm, còn cô gái là cán bộ chuyên trách Văn phòng Đoàn thanh niên EVN vô tình “va vào nhau” trong 1 chuyến thiện nguyện mang yêu thương đến cho trẻ em ba huyện nghèo tỉnh Lào Cai. "Hôm ấy, thấy Hiền tất bật suốt chuyến đi, hết chuyển các gói quà lên, xuống các địa điểm đoàn ghé thăm đến gói ghém từng chiếc áo ấm cho trẻ em vùng cao, nên tôi lấy hết dũng khí lại gần giúp đỡ và trò chuyện. Tiếp xúc với cô ấy, hình ảnh một cô gái cá tính và có phần hơi... khó tính, lại đam mê các hoạt động vì cộng đồng ngấm ngầm lọt vào trái tim tôi lúc nào không hay" – anh Vũ Khắc Trung nhớ lại.
Còn đối với Thu Hiền, hình ảnh chàng trai lúc đó có chút gì đó hài hước, nhưng cũng không kém phần duyên dáng. "Anh Trung hơi khác người, là giai IT, nhất là IT cho ngành Điện nên có nhiều điều thú vị muốn tìm hiểu", Thu Hiền chia sẻ.
Trở về thành phố, anh Trung bắt đầu tìm kiếm thông tin về chị Hiền. Chàng trai sinh năm 1986 lang thang trên Facebook của bạn bè và đồng nghiệp, nhằm dò hỏi trang cá nhân của cô gái sinh năm 1988 này. Từ những câu chuyện về hoạt động xã hội, chương trình của Đoàn thanh niên, họ trở nên cởi mở và chủ động bắt chuyện với nhau nhiều hơn. Từ đó, anh Trung và chị Hiền trở thành đôi bạn thân thiết, đồng hành trong nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Lấy hết dũng khí để tỏ tình với cô nàng, anh Trung kể lại kết quả: “Tôi run lắm vì sợ người ta từ chối. Cô ấy xinh đẹp lại có nhiều vệ tinh xung quanh, còn tôi thì quê mùa, chẳng có gì cuốn hút...”. Nhưng bất ngờ thay, Thu Hiền lại nhận lời yêu. Sau những chuyến sát cánh bên nhau đi từ thiện, một buổi tối khi đang chở chị Hiền đi dạo lòng vòng, anh Trung hùng hồn tuyên bố: “Anh yêu là phải cưới, nên em đồng ý làm vợ anh nhé!”. Chị Hiền hạnh phúc gật đầu "theo chàng về dinh". Tháng 4/2016, họ nên duyên vợ chồng bằng một đám cưới với sự chung vui của bạn bè, đồng nghiệp. Trong buổi lễ trọng đại, chú rể không quên chia sẻ: “Có được mối nhân duyên này cũng là nhờ nhịp cầu từ thiện đã kết nối chúng tôi”.
Nhớ hết các thông số kỹ thuật, nhưng không nhớ nổi số đo của vợ
Chị Trang và anh Bình luôn đồng cảm, chia sẻ với nhau trong công việc và cuộc sống.
|
Anh Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1983, chuyên viên phòng Điều hành Thị trường điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vốn được bạn bè, đồng nghiệp đặt cho biệt danh là “bộ não computer” khi anh có thể nhớ hơn 500 dữ liệu lịch sử thế giới.
Thời đại học, với sở thích nghiên cứu kỹ thuật, anh thường đọc rất nhiều sách. Mỗi lần đi thư viện, anh phải khệ nệ ôm cả chồng sách về nghiền ngẫm. Đặc biệt, trong một diễn đàn trao đổi về chuyên môn hệ thống điện của trường, anh Bình đã có bài phát biểu rất ấn tượng. Anh không biết được rằng, dưới phía khán giả lúc ấy có một cô gái đang thầm ngưỡng mộ anh. Cô ấy chính là hoa khôi của khoa Hệ thống điện Dương Thanh Trang và sau này trở thành nữ trưởng ca duy nhất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Hà Nội – đồng nghiệp cùng ngành và chính là "một nửa" của anh.
Yêu nhau suốt những năm tháng đại học, chị Trang luôn ngưỡng mộ và thông cảm với anh Bình vì anh chỉ am tường những kiến thức "trên trời" mà lại không nhớ được những điều nhỏ nhặt "dưới đất". Anh thường xuyên quên rút chìa khoá, để lạc đồ. Đáng nói nhất, chàng trai đam mê kỹ thuật này lại không phân biệt được 3 vòng trên cơ thể phụ nữ hay số điện thoại và sinh nhật bạn gái. Lần đầu tiên mua chiếc áo tặng chị Trang, anh Bình đã mua nhầm size và “tật xấu” này chẳng mất đi ngay kể cả khi hai người đã về chung một nhà.
Có thể nhiều người nghĩ không nhớ số điện thoại, sinh nhật, số đo người yêu, chứng tỏ tình yêu chưa đủ sâu nặng. Nhưng đối với chị Trang, điều này không đúng. “Anh ấy dành bộ óc của mình để nhớ những thông số của thị trường điện, để tập trung 100% cho công việc, tính toán, lập kế hoạch vận hành thị trường điện năm - tháng - tuần, tính toán giá công suất thị trường... Còn ngoài công việc ra, anh ấy cũng là một người chồng làm tốt những điều hiếm đàn ông nào có thể” - Bà xã anh Bình chia sẻ.
Trong cuộc sống vợ chồng, anh Bình rất tinh tế. "Nhiều lần lưới điện Thủ đô xảy ra sự cố, là một trưởng ca điều độ, mình phải luôn tập trung cao độ cho công việc nên khó hoàn thành được công việc chăm lo cho các con. Thậm chí, những ngày ấy, bữa ăn giữa ca thường bị “bỏ qua”. Khi đó, chồng mình thay mình làm công việc của một người mẹ, người vợ trong gia đình. Có lần về đến nhà đêm đã khuya, con đã ngủ, chồng đã vào ca trực đêm, nhưng trên bàn vẫn để lại cho mình mâm cơm do anh tự tay nấu các món vợ thích, kèm mẩu giấy nhắn “Vợ nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!”.
“Bất kể niềm vui, nỗi buồn hay những khó khăn trong công việc tôi đều có được sự sẻ chia từ anh. Nhiều người nói, phụ nữ là hậu phương vững chắc của gia đình. Nhưng với riêng vợ chồng mình, cả hai đều xác định sẽ là hậu phương cho người còn lại” – Chị Trang bộc bạch và cho biết thêm: “Có lẽ đó cũng là động lực lớn nhất để người phụ nữ ngành Điện như mình thêm yêu và gắn bó với nghề”. Động lực ấy cũng từng ngày giúp anh chị chuẩn vị tâm thế sẵn sàng cho một ca trực mới, tiếp tục công việc thầm lặng của mình để giữ vững nguồn sáng cho Tổ quốc thân yêu.