Một thông tin thú vị từ Công ty Tư vấn Price Waterhouse Cooper cho biết 60% nhân viên được hỏi nói rằng muốn nhận phản hồi từ cấp trên mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Thú vị hơn thế, đối với nhân viên dưới 30 tuổi, mong muốn này còn tăng lên 72%.
Tuy nhiên, nhiều nhân viên thường nghĩ rằng lãnh đạo là những người khó tiếp cận hoặc không cởi mở với cấp dưới, chỉ một số ít nhân viên mới hoặc kỳ cựu biết cách yêu cầu phản hồi từ cấp trên và sử dụng điều đó để cải thiện năng suất cũng như chất lượng công việc.
Những nhân viên tiếp thu nhận xét từ quản lý một cách có hiệu quả, áp dụng chúng một cách khôn ngoan chắc chắn sẽ trở thành những người đứng đầu trong lĩnh vực của họ. Dưới đây là các nguyên tắc để xin phản hồi và sử dụng chúng để mở đường cho một tương lai tươi sáng hơn cho bạn.
1. Chọn thời điểm và địa điểm thích hợp
Bạn nên xem xét các yếu tố như tâm trạng và mức độ bận rộn của sếp để xin lời góp ý. Nên tránh lúc sếp đang "đầu tắt mặt tối" vì lúc đó sếp sẽ phớt lờ bạn ngay. Cách tốt nhất là chủ động sắp xếp thời gian với họ và cho họ biết mục đích của cuộc nói chuyện. Gửi email cho sếp, giải thích rằng bạn muốn đảm bảo rằng mình đang đáp ứng được kỳ vọng và cải thiện hiệu suất công việc của mình. Một cuộc hẹn kéo dài 15 phút là khoảng thời gian lý tưởng.
Đừng hỏi sếp một cách đột ngột như khi bất chợt gặp ở nơi công cộng, sẽ vô tình làm gián đoạn công việc của họ. Nên nhớ không thảo luận việc này với sếp khi có sự có mặt của người thứ ba. Nếu sếp không trả lời email trước đó của bạn, đừng lo lắng vì những người bận rộn như vậy luôn nhận được hàng trăm email mỗi ngày và dễ dàng bỏ sót nó, hãy gửi lại một email khác để đảm bảo sếp nhận được yêu cầu của bạn.
2. Chuẩn bị câu hỏi cụ thể và ghi chép lại lời nhận xét
Thời điểm diễn ra cuộc hẹn, hãy giới hạn cuộc thảo luận này với khoảng ba hoặc bốn nội dung chính. Đây có thể là lời phê bình về năng lực của bạn, năng suất làm việc trong các dự án gần đây hoặc lời khuyên để bạn áp dụng và nâng cao kỹ năng. Hãy giữ mọi thứ thật đơn giản. Đừng "phủ đầu" sếp bằng danh sách dài dằng dặc với 20 đề mục, tập trung vào một số mối quan tâm chính nhất của bạn mà thôi.
Đừng quên ghi chép nhận xét của sếp trong suốt cuộc nói chuyện. Sau cuộc gặp, hãy chủ động phác thảo những kế hoạch mà bạn sẽ thực hiện để nâng cao hiệu quả công việc
3. Biến mục tiêu thành hành động
Nhiều người sau khi nhận được nhận xét tích cực mang tính xây dựng từ cấp trên không biết làm thế nào để áp dụng nó vào thực tế công việc của mình. Điều đó cho thấy vì sao việc thiết lập thời gian áp dụng lý thuyết vào thực tế là rất quan trọng để bắt đầu theo dõi sự tiến bộ của bạn.
Hãy đặt ra một mục tiêu, thực hiện nó trong 30 ngày, đảm bảo rằng bạn có một khung thời gian hợp lý. Áp dụng những lời khuyên hoặc chỉ dẫn của cấp trên trong buổi nhận xét vừa qua, ghi lại những điều phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Sau đó, hãy gửi cho sếp một email phác thảo tiến trình của bạn, bao gồm những ví dụ cụ thể khi bạn áp dụng lời khuyên của sếp vào quá trình làm việc và kết quả của nó.
Buổi thảo luận xin ý kiến nhận xét không chỉ đơn thuần là nghe phản hồi, mà bạn còn phải thể hiện cho sếp thấy bạn có khả năng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn và góp phần tích cực đưa công ty phát triển mạnh mẽ hơn.
4. Thường xuyên xin ý kiến nhận xét từ cấp trên
Những lời góp ý đôi khi là điều gì đó khá đáng sợ nhưng hãy làm điều này để ngăn chặn thói quen xấu trong công việc trước khi chúng hình thành, dù nó là lời khen ngợi hay phê phán đi nữa.
Vì vậy, dù công ty bạn có chế độ đánh giá nhân viên định kỳ hay không, hãy chủ động xây dựng thói quen này không chỉ từ quản lý mà còn từ đồng nghiệp và khách hàng của bạn. Hãy biến nó trở thành một quá trình thường xuyên và liên tục, định hình hiệu suất công việc dựa trên lời nhận xét mang tính xây dựng từ cấp trên.