Thụy Điển: "God Jul"
Hầu hết mọi người ở các nước Scandinavia tôn vinh Thánh Lucia vào ngày 13/12 hàng năm. Lễ ngày Thánh Lucia bắt đầu ở Thụy Điển nhưng lan sang Đan Mạch và Phần Lan vào giữa thế kỷ 19.
Ở các nước này, lễ này được xem là mở đầu mùa Giáng sinh. Theo truyền thống, người con gái lớn nhất trong mỗi gia đình sẽ dậy sớm và đánh thức các thành viên còn lại, diện một chiếc áo dài trắng và quàng khăn màu đỏ, đội một mũ miện gắn nến. Trong ngày, cô gái này sẽ được gọi là "Lussi" hoặc "Lussibruden" (Lucy cô dâu). Sau đó, cả nhà ăn sáng trong một phòng có thắp nến.
Phần Lan: "Hyvää Joulua!"
Nhiều người Phần Lan thường đi tắm hơi vào đêm trước Giáng sinh. Các gia đình tụ tập và nghe chương trình "Hòa bình Giáng sinh" trên đài phát thanh quốc gia. Theo phong tục thông thường, họ đi viếng mộ các thành viên gia đình đã khuất.
Na Uy: "Gledelig Jul!"
Na Uy là nôi của bánh khúc cây Giáng sinh. Người Na Uy xưa thường dùng bánh này trong lễ mừng sự trở lại của Mặt trời vào ngày Đông Chí. "Yule" xuất phát từ tiếng Hweol của Na Uy, có nghĩa là bánh xe. Người Na Uy tin rằng mặt trời là một bánh xe lửa khổng lồ lăn tới và lui khỏi Trái đất.
Đức: "Froehliche Weihnachten!"
Trang trí cây thông Noel luôn là một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Giáng sinh (ảnh minh họa)
|
Trang trí cây xanh luôn là một phần của truyền thống Giáng sinh Đức.
"Những cây thông Giáng sinh" đầu tiên được trang trí và đặt tên theo ngày lễ này xuất hiện ở Strasbourg, ở Alsace hồi đầu thế kỷ 17. Sau năm 1750, các cây Giáng sinh bắt đầu xuất hiện ở các khu vực khác của Đức, thậm chí nhiều hơn vào sau năm 1771, khi Johann Wolfgang von Goethe thăm Strasbourg và đưa một cây Giáng sinh vào tiểu thuyết mang tên The Suffering of Young Werther của ông.
Vào những năm 1820, những người nhập cư gốc Đức đầu tiên trang trí cây thông Noel ở Pennsylvania. Sau khi Hoàng tử Đức Albert cưới Nữ hoàng Victoria, ông giới thiệu truyền thống cây Giáng sinh này tới Anh. Năm 1848, tờ báo Mỹ đầu tiên đăng ảnh một cây thông Noel và phong tục này lan tới từng nhà chỉ trong vài năm.
Mexico: "Feliz Navidad!"
Năm 1828, Đại sứ Mỹ tại Mexico Joel R. Poinsett đã mang một cây trạng nguyên từ Mexico về Mỹ và loài cây này được đặt tên theo tên ông Poinsett. Vì màu sắc của cây dường như là hoàn hảo cho dịp Giáng sinh nên chúng bắt đầu xuất hiện trong các nhà kính ngay từ những năm 1830. Năm 1879, các cửa hiệu New York bắt đầu bán loại cây này vào dịp Giáng sinh. Năm 1900, chúng trở thành một biểu tượng cho kỳ lễ này trên toàn cầu.
Anh: "Merry Christmas!"
Một người đàn ông Anh có tên John Calcott Horsley đã góp phần phổ thông hóa truyền thống gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh khi ông bắt đầu sản xuất ra các tấm thiệp nhỏ in các hình ảnh dịp lễ kèm theo một lời chúc mừng hồi những năm 1830.
Chúng nhanh chóng trở nên phổ biến ở Anh trong nhiều năm kể từ khi chính phủ thông qua đạo luật năm 1846 cho phép người dân gửi thư đi bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và 30 năm sau nữa thì được người Mỹ chấp nhận.
Người dân Anh tin rằng bánh pudding phải được làm vào ngày Chủ nhật thứ 25 sau ngày Chúa Ba Ngôi. Bánh được chia làm 13 thành phần, đại diện cho Chúa Giê-su và 12 tông đồ của Chúa.
Trước khi làm bánh, bếp trưởng thả một đồng xu bạc vào hỗn hợp làm bánh với mong muốn điều này sẽ mang lại giàu sang và hạnh phúc cho ai ăn phần bánh có đồng xu đó. Ngoài ra, trang trí cây thông Noel trở thành phong tục truyền thống ở Anh ít nhất từ năm 1841, khi Hoàng tử Albert trang trí cây thông Noel trong cung điện Windsor. Cùng với đó, những chiếc tất cũng được treo lên trong đêm Giáng sinh để ông già Noel cho quà vào.
Pháp: "Joyeux Noël!"
Ở Pháp, Giáng sinh được gọi là Noel, bắt nguồn từ cụm từ tiếng Pháp "les bonnes nouvelles", có nghĩa là "tin tốt lành".
Ở miền nam nước Pháp, một số người đốt một khúc gỗ ở nhà của họ từ đêm trước Giáng sinh cho đến ngày đầu năm mới. Truyền thống này có từ xa xưa, khi các nông dân dùng một phần khúc gỗ để bảo đảm sự may mắn cho mùa vụ năm sau.
Italy: "Buon Natale!"
Người Italia gọi Giáng sinh là Il Natale, có nghĩa là "sinh nhật".
Theo truyền thuyết, một bà già tên là Strega Buffana bay quanh Italia trên một cây chổi và tặng đồ chơi, kẹo, trái cây cho những trẻ em ngoan, đồng thời phạt những đứa trẻ chưa ngoan.
Australia: Ở Australia, dịp lễ vào giữa mùa hè và không phải là bất thường đối với một số khu vực của Australia khi nhiệt độ lên tới 37-38 độ C vào Giáng sinh.
Do thời tiết nắng ấm, nhiều người thường đi biển hoặc tổ chức tiệc tùng ngoài trời. Các thành viên gia đình thường đoàn tụ vào dịp này và tặng quà cho nhau.
Ukraine: "Srozhdestvom Kristovym!"
Người Ukraine thường chuẩn bị một bữa ăn Giáng sinh 12 món. Người con út trong gia đình theo dõi qua cửa sổ xem sao hôm xuất hiện, một dấu hiệu để bắt đầu bữa tiệc.
Canada: Hầu hết các truyền thống Giáng sinh ở Canada giống như ở Mỹ. Tại vùng cực bắc của đất nước này, người Eskimos tổ chức một lễ hội mùa đông có tên gọi Sinck tuck, bao gồm tiệc tùng, nhảy múa và tặng quà cho nhau.