Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt (ảnh: Ngọc Cảnh)
|
Sự "liều lĩnh” không tưởng
Gặp bà giữa tiết xuân lành lạnh, nhưng những câu chuyện đầy nhiệt huyết của bà khiến người nghe cảm thấy ấm áp trong lòng.
Năm 2011, Việt Nam đã chế tạo thành công và đưa vào hoạt động máy biến áp 500 kV đầu tiên. Ít ai ngờ, người ghi tên Việt Nam vào bản đồ 12 quốc gia trên thế giới có thể chế tạo máy biến áp 500 kV lại là một phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn - Anh hùng Lao động, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt - công tác tại Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh - Hà Nội.
Cái duyên gắn bó với việc chế tạo máy biến áp đến với bà từ khi tốt nghiệp chuyên ngành điện Đại học Bách Khoa năm 1975. Mới ra trường, cô sinh viên trẻ đã được bàn giao lại một công trình nghiên cứu cấp Bộ thiết kế máy biến áp 16.000 kVA - 110 kV. Tiếp đó, đến năm 1992, bà nhận đề tài nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy biến áp 25.000 kVA - 110 kV điều chỉnh dưới tải đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2002, khi các kỹ sư Việt Nam còn chưa ai nhìn thấy cấu hình máy biến áp 220 kV, bà lại được giao nghiên cứu để rồi chế tạo thành công cấu hình máy biến áp này. Những giọt nước mắt đã lăn vì hạnh phúc ngập tràn, bởi bà và đồng nghiệp đã mất hàng năm trời mày mò nghiên cứu công nghệ, trong điều kiện thiếu thốn kinh phí và cả những hy sinh thời gian dành cho gia đình.
"Thực ra, từ xưa đến nay, việc tiếp cận với các loại máy biến áp công suất lớn đối với các kỹ sư trong nước đã là điều khó khăn, chứ chưa nói gì đến việc chế tạo”, bà tâm sự.
Thành công của máy biến áp 220 kV là một niềm tự hào của ngành Điện, bởi loại máy này chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống điện quốc gia và trước đó, Việt Nam phải nhập khẩu với chi phí lớn.
Sau những thành công đó, với tinh thần nhiệt huyết tràn đầy, kỹ sư Nguyệt lại hăm hở lao vào một dự án không tưởng, đó là chế tạo máy biến áp 500kV.
Giáo sư Trần Đình Long (Viện sĩ Viện Hàn lâm KHKT Điện quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam): Hiện nay trên thế giới chỉ mới có 20 quốc gia có thể chế tạo máy biến áp 220 kV, 12 quốc gia có thể chế tạo máy biến áp 500 kV. Việt Nam đã ghi tên mình trong số đó bằng chính sáng tạo, đam mê và sự kiên trì đáng nể của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt. Về chất lượng, các loại máy biến áp mang thương hiệu "Made in VietNam” không hề thua kém các nước bạn. |
Phút trải lòng sau những thành công
Tại Liên Xô cũ, khi chế tạo máy biến áp 500 kV, đích thân Thủ tướng đã gọi điện để theo dõi, chỉ đạo và cũng phải thất bại tới 4 lần. Tại nhiều nước, khi nghiên cứu thiết kế máy biến áp 500 kV cần tới 8 chuyên gia hàng đầu cùng trên 30 kỹ sư hỗ trợ, thực hiện cả năm trời mới thành công. "Vậy ra mình cũng quá liều”, bà Nguyệt cười hiền.
Sau nhiều tháng trời miệt mài với gần 1.000 bản vẽ, thực hiện hàng trăm thí nghiệm, chiếc máy biến áp 500 kV cũng đã ra đời đúng dịp Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kết thúc những chuỗi ngày vùi đầu vào dự án, bà gần như kiệt sức. Nhớ lại buổi thử nghiệm hạng mục thử Cao áp, bà đã không dám nhìn vào hệ thống máy liên tục kêu rào rào do nâng áp, tia lửa điện đánh xèo xèo, cột lửa xanh cao hơn tầm tay với phóng ra như luồng ga (do ion hóa không khí). Sự hồi hộp khiến ai cũng nín thở, thót tim. Rồi có tiếng reo lên "Thành công rồi”, tất cả chợt như vỡ òa, một niềm vui không tả xiết.
Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ có vóc người nhỏ bé, nhưng nghị lực và niềm đam mê nghiên cứu khoa học không hề nhỏ. Bà trăn trở, "tôi luôn có một mong muốn phải làm sao để mọi người cái nhìn khác về hàng Việt, để người Việt dùng hàng Việt sẽ không chỉ là khẩu hiệu. Thị trường Việt Nam không thể cứ mãi tiêu thụ các sản phẩm cơ khí, điện tử của nước ngoài, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất, đẩy mạnh chất lượng cạnh tranh”.
Thành công trong nghiên cứu khoa học, đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, bà vẫn giản dị là người phụ nữ thuần hậu, nhân ái. Bà kể, có lần con ốm, nhưng phải vào xưởng để giải quyết gấp sự cố hệ thống điện, khi trở về, con gái đã sốt cao, li bì. Bà lặng người hối hận và khóc mãi. "May chưa xảy ra điều gì đáng tiếc, nhưng nếu phải chọn sự nghiệp và con, tôi sẽ chấp nhận từ bỏ sự nghiệp”, bà nói đầy ưu tư.
Tôi tin, bà sẽ làm như vậy, vì trước khi là một Anh hùng Lao động, bà là một người vợ, người mẹ.