Trần Xuân Viễn
|
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường điện Hội An (Quảng Nam), Trần Xuân Viễn được tuyển dụng vào Tổ đại tu của Phân xưởng lưới, rồi sau đó chuyển qua Tổ lưới của Điện lực Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Với tinh thần cầu tiến, cùng với sự chỉ bảo nhiệt tình của các bậc đàn anh đi trước, chỉ trong thời gian ngắn, Viễn nhanh chóng tiếp cận công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đánh giá là công nhân trẻ có nhiều triển vọng.
Năm 1997, Điện lực Quảng Nam được thành lập, trụ sở tại thị xã Tam Kỳ, cách Đà Nẵng hơn sáu chục cây số. Lúc này, dù đã quen với công việc và nếp sống tại thành phố Đà Nẵng, nhưng đang ở trong độ tuổi thanh niên tràn đầy sức sống và nhiệt huyết với công việc, Trần Xuân Viễn xung phong tình nguyện vào công tác tại Quảng Nam.
Ban đầu, anh công tác tại Tổ quản lý lưới, thuộc Phân xưởng Lưới (Điện lực Tam Kỳ). Tình hình điện lưới thị xã Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Tiên Phước, Trà My lúc bấy giờ rất "phập phù". Việc kinh doanh điện do các tổ chức điện nông thôn thực hiện, đi đến đâu cũng nghe khách hàng than vãn, nào là điện yếu, tiền điện cao, nào là an toàn điện không đảm bảo, thường xuyên bị cắt… Lúc này, với cương vị là Tổ phó, hằng ngày Viễn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cố gắng tìm cách tháo gỡ dần những vướng mắc nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng.
Năm 2002, dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện thị xã Tam Kỳ bằng nguồn vốn vay ADB được triển khai. Nhiệm vụ của Tổ quản lý lưới càng nặng nề hơn do phải phối hợp với đơn vị thi công triển khai Dự án. Cuối năm 2005, sau khi dự án hoàn thành, Trần Xuân Viễn chuyển về công tác tại Điện lực Hội An và đến năm 2009, khi Điện lực Điện Bàn thành lập, anh được phân công công tác tại đây.
Khi mới "chân ướt, chân ráo" tại Điện lực Điện Bàn, Viễn đã nhanh chóng cho "trình làng" 5 sáng kiến, trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. Sáng kiến của anh đã góp phần giảm nhẹ cường độ lao động ở một số khâu công việc, làm lợi cho đơn vị gần 100 triệu đồng. Các sáng kiến của anh xuất phát từ những khó khăn, trở ngại trong thực tiễn, từ đó hình thành ý tưởng và đăng ký xin thực hiện sáng kiến, tiêu biểu như: Sáng kiến khắc phục chốt giữ mâm tiếp địa trung thế; tự gia công dụng cụ sử dụng mâm tiếp địa và bút thử hai trong một; khắc phục mỏ sào tiếp địa trung áp; kẹp cách điện sử dụng trong thay thế định kỳ công tơ. Quý 3/2011, Hội đồng xét sáng kiến Công ty đã xét công nhận sáng kiến “Khắc phục khớp nối cho sào thao tác 2 đoạn, 3 đoạn”.
Trước thắc mắc, vì sao chỉ trong 2 năm trở lại đây mới tập trung cho các sáng kiến, Trần Xuân Viễn cho rằng, phải có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, phải xuất phát từ khó khăn của công việc thì mới nảy sinh ý tưởng. Anh bộc bạch: “Từ khi về công tác tại Điện lực Điện Bàn, tôi may mắn được làm việc với những đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm. Tôi luôn được lãnh đạo đơn vị khích lệ và tạo điều kiện để thực hiện các sáng kiến của mình". Năm 2011, Điện lực Điện Bàn đã có 9 giải pháp “trình làng’, trong đó có 6 sáng kiến được Công ty công nhận, khen thưởng, cho phép vận dụng vào thực tế.
Trong suốt hai mươi năm "tiếp cận" với lưới điện, anh luôn sát cánh cùng anh em công nhân đối mặt với môi trường làm việc khắc nghiệt, nặng nhọc, hiểm nguy. Nhiều khi phải vận chuyển trụ bằng xe bò, kéo dây bằng tay lên đồi cao hoặc băng qua ruộng lầy, sông sâu. Với tinh thần vượt khó, lao động sáng tạo, anh vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ Tổ phó Tổ quản lý lưới, rồi Tổ trưởng Tổ xử lý sự cố.