Ông Phan Ngọc Đào – Phó trưởng ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc: Và những câu chuyện “gỡ khó”

Ở bất kỳ vị trí nào ông cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm, cộng với sự nhanh nhạy và đầy bản lĩnh, kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh. Ông trở thành một trong những người trực tiếp “gỡ khó” cho cả tập thể khi gặp những trục trặc trong quá trình thực hiện các dự án..

Ban AMB được Nhà nước trao tặng Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam (ông Đào - người cầm cúp).

Trong những năm gần đây, Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (Ban AMB) đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng như đóng điện đường dây 500  kV Hà Tĩnh - Thường Tín; Thường Tín – Quảng Ninh; Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan, Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh. Trong quá trình lao động đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, có đóng góp lớn vào thành quả chung của đơn vị. Một trong những hạt nhân của phong trào là Th.s Phan Ngọc Đào - Phó trưởng Ban AMB  phụ trách các dự án đường dây và trạm từ Hà Nội đến Hà Tĩnh.

 

Th.s Phan Ngọc Đào về công tác tại Ban AMB từ năm 1995, sau một thời gian dài làm việc tại Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 1 (nay là Công ty Xây lắp điện 1). Sẵn có chuyên môn vững vàng, ngay từ khi còn làm việc tại Công ty Xây lắp đường dây và Trạm, ông đã là Phó phòng phụ trách Phòng Tổ chức lao động. Khi chuyển về Ban AMB ông được đề bạt Trưởng phòng Tổng hợp. Ở đây có môi trường điều kiện làm việc khá thuận lợi đối với Th.s Phan Ngọc Đào, vì Phòng Tổng hợp là đầu mối quan trọng thu thập và đánh giá thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến đầu tư trong các dự án lớn của Ban. Tháng 7 năm 2001, ông được đề bạt Phó trưởng Ban AMB, trực tiếp phụ trách các vấn đề đầu tư, triển khai các dự án đường dây và trạm trong phạm vi do lãnh đạo Ban AMB phân công. Đây cũng đúng vào  thời điểm có nhiều chuyển biến mạnh trong chiến lược phát triển ngành Điện, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.

 

Từ áp lực thiếu điện, ngành Điện phải tăng cường đầu tư nguồn điện sao cho nhanh và hiệu quả hơn. Mỗi dự án điện muốn thực hiện một cách hiệu quả đòi hỏi người quản lý phải giải quyết  bài toán cân đối vốn, chất lượng kỹ thuật công trình, tiến độ thi công, bên cạnh những khó khăn về giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, giám sát chất lượng... Th.s Phan Ngọc Đào đã phải giải quyết những vấn đề nan giải ấy suốt nhiều năm ròng rã.

 

Ông đã tham gia điều hành nhiều dự án như đường dây 500 kV Hà Tĩnh – Thường Tín; mở rộng trạm biến áp 500 kV Hà Tĩnh; xây dựng mới trạm biến áp 500 kV Nho Quan và Thường Tín. Các công trình này đều đảm bảo đúng tiến độ, được cấp trên đánh giá cao. 

 

Mới đây, ông đã điều hành dự án đường dây 500 kV Sơn la – Hoà Bình – Nho Quan, mở rông 2 trạm biến áp 500 kV Hòa Bình và Nho Quan đóng điện công trình đúng tiến độ. Bên cạnh đó ông cũng là hạt nhân tham gia thực hiện thành công dự án đường dây nhánh rẽ 500 kV 2 mạch vào trạm 500 kV Nho Quan và từ Nho Quan đi Hòa Bình; đóng điện đường dây 220 kV Vinh – Bản Lả kịp hòa nguồn điện từ Nhà máy điện Bản Vẽ vào lưới điện quốc gia; triển khai trạm 110 kV Hoằng Hóa, cải thiện tình hình cấp điện cho tỉnh Thanh Hóa, các trạm 220 kV mở rộng Thái Bình, Nghi Sơn…góp phần đưa điện từ phía Nam ra và Tây Bắc xuống.

 

Ở bất kỳ vị trí nào ông cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm, cộng với sự nhanh nhạy và đầy bản lĩnh, kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh, góp phần thúc đẩy tiến độ thi công. Rất tự nhiên, ông trở thành một trong những người trực tiếp “gỡ khó” cho cả tập thể khi gặp những trục trặc trong quá trình thực hiện các dự án...

 

Về kinh nghiệm kỹ thuật, Phan Ngọc Đào cũng luôn mạnh dạn đảm nhận trọng trách đưa ra “sáng kiến” khi tổ chức thực thi các dự án hay hạng mục công trình liên quan. Có thể nói, điểm mạnh của ông là kinh nghiệm tích lũy lâu năm cộng với sự nhạy bén, sáng tạo, phát hiện, giải quyết kịp thời mọi vấn đề một cách linh hoạt. Dự án đường dây 500 kV Hà Tĩnh – Thường Tín, khi thi công đoạn đường dây đi qua địa phận Chùa Hương (Mỹ Đức) lực lượng thi công gặp địa hình dốc cao hiểm trở phức tạp, không thể vận chuyển các thanh cột trụ dài. Sau khi quan sát, Th.s Phan Ngọc Đào kiến nghị, đối với 21 vị trí thi công, cần cắt ngắn và gia công lại các thanh cột chính song vẫn bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Nhờ đó, việc thi công trở nên rất thuận lợi.

 

Tiếp đó, công trình lại bị ách tắc bởi thiếu vật tư linh kiện khi thi công 2 tụ bù được điều động từ trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng và Pleiku ra Hà Tĩnh. Ban AMB đã kêu gọi các đơn vị liên quan tham gia giúp đỡ, nhưng hiệu quả không được như mong muốn, Phan Ngọc Đào lại đề xuất phương án tận dụng tụ còn lại từ công trình Hòa Bình, mua thêm 1 số thiết bị khác và tổ chức lại lực lượng thi công, tranh thủ nhờ các chuyên viên kỹ thuật giỏi giám sát chất lượng thi công. Kết quả, 2 tụ bù đã được lắp đặt thành công, tiết kiệm được hàng tỷ đồng cho EVN...

 

Nhiệt huyết và lòng yêu nghề  kết hợp với bản lĩnh, tinh thần người lính được tôi luyện trong chiến tranh đã giúp cho Th.s. Phan Ngọc Đào trở thành tấm gương điển hình trong phong trào thi đua vượt khó, sáng tạo, đóng góp nhiều sáng kiến có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Năm 2006, ông Phan Ngọc Đào đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông còn được Bộ Công Thương và Tập đoàn EVN tặng nhiều Bằng khen.


  • 25/04/2011 12:38
  • TCĐL (tháng 4/2011)
  • 3502