Nguyên tắc tuyển dụng "lạ đời" của người đồng sáng lập Setter: Bắt buộc phải từng vấp ngã!

Trong một buổi phỏng vấn xin việc, bạn luôn mong đợi được thể hiện những gì tốt nhất của bản thân và chắc chắn sẽ giấu đi những thất bại trước đây với nhà tuyển dụng. Nhưng khi đến với Setter, những vấp ngã đó mới là những điều cần thiết mà bạn nên chia sẻ để nhận được cái gật đầu.

Trả lời phỏng vấn Business Insider, đồng sáng lập của Setter - một công ty ra đời năm 2015 - cung cấp tất cả các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng và trang trí nhà ở, David Steckel đã chia sẻ nguyên tắc tuyển dụng của mình rằng nếu một ứng cử viên chưa bao giờ thất bại, thì sẽ không nhận được bất cứ một công việc tại công ty của ông.

Đây là nguyên tắc mà Steckel đã rút ra từ kinh nghiệm cá nhân khi thành lập công ty. Ông cũng mong muốn dựa vào nguyên tắc này sẽ tìm kiếm được những ứng cử viên có thể chia sẻ thẳng thắn về thất bại của mình và ông có thể học hỏi điều gì đó từ họ.

David Steckel viết trên LinkedIn: "Nếu tôi phỏng vấn một người nào đó và họ nói với tôi rằng họ luôn có những sự lựa chọn đúng và cảm thấy an toàn trong cuộc sống, từ trước tới nay chưa bao giờ họ phải gặp bất cứ khó khăn nào, họ cũng không có kinh nghiệm đối mặt với áp lực, thì lập tức tôi sẽ dừng cuộc phỏng vấn đó lại. Đó chính là một dấu hiệu nguy hiểm".

Giải thích về nguyên tắc này, ông cho rằng điều đó nghĩa là họ chưa bao giờ bước ra khỏi khu vực an toàn, tìm kiếm những điều mới lạ, luôn sợ hãi trốn tránh. Hoặc không bao giờ thử sức với những công việc ngoài chuyên môn hay nằm ở mục sở đoản. Thậm chí, đây sẽ là những người không thể chịu đựng được áp lực công việc, áp lực văn hóa công ty, sẵn sàng nhảy việc khi gặp khó khăn.

Hiện nay, Steckel luôn khuyến khích những người nộp đơn xin việc có thể nói thẳng thắn về những sai lầm mà họ đã phải gánh chịu trong suốt thời gian tạo dựng sự nghiệp.

Ông nói thêm :"Ngoài ra, bản tính khiêm tốn, trung thực cũng là một phần văn hóa của chúng tôi. Nếu một người có thái độ không thành thật, làm việc thiếu trung thực thì chắc chắn sẽ khó gắn bó với doanh nghiệp lâu dài. Tại Setter, nhân viên luôn phải đề cao nó, thay vì đổ lỗi cho bất kì ai, hãy tự giác nhận sai, sửa chữa và học hỏi từ những sai lầm. Những gì tôi đang tìm kiếm là người tiếp tục cố gắng chứ không phải những người chỉ biết khoe thành tích nổi bật của bản thân và chưa bao giờ biết "nếm mùi đắng cay".

Ngoài ra, trên thế giới, một số nhà lãnh đạo khác cũng có những quy tắc riêng trong quá trình tìm kiếm nhân tài cho công ty, dưới đây là các ví dụ điển hình:

Người sáng lập, CEO của Amazon, Jeff Bezos

Ông yêu cầu bộ phận tuyển dụng phải tự hỏi 3 câu hỏi:

1. Bạn có hâm mộ ứng viên bạn chọn không?

2. Ứng viên này có thể hỗ trợ cho phòng ban của họ làm việc hiệu quả hơn không?

3. Ứng viên này có tiềm năng tỏa sáng trong công việc hay không?

Ba câu hỏi này là nền tảng cơ bản mà một nhân viên cần có để gắn bó lâu dài với công ty - tính cách phù hợp với văn hóa công ty, khả năng thử thách và hỗ trợ đồng nghiệp cùng tiến bộ, và tiềm năng lãnh đạo.

Cựu CEO của Yahoo, Marissa Mayer

Bà được biết đến là người đọc từng hồ sơ ứng viên để đảm bảo rằng họ đáp ứng được yêu cầu cao của Yahoo dành cho nhân viên. Đây chỉ là một trong nhiều bước lọc hồ sơ, nhưng đã giúp một người lãnh đạo theo dõi sát sao quá trình tuyển dụng và hiểu được những khó khăn mà phòng nhân sự phải đối mặt, từ đó có thể dành nhiều thời gian để cùng khắc phục những điểm chưa tốt.

CEO của Apple, Tim Cook

CEO của Appple tìm kiếm những ứng viên có tư duy và phong cách đa dạng. Ông trả lời phỏng vấn trang Inc. rằng: "Chúng tôi luôn tìm kiếm ứng viên có tư duy khác nhau. Nhiều phong cách khác nhau. Ứng viên phải là chính mình. Đó là điều tuyệt vời nhất tại Apple. Bạn không cần phải là ai khác. Bạn không cần "đeo mặt nạ" khi đi làm và trở thành con người khác. Chính các giá trị cốt lõi của công ty là điều gắn kết các nhân viên có tính cách khác nhau hòa hợp được cùng nhau".

Cựu CEO của PepsiCo, Indra Nooyi

Indra Nooyi nói rằng tuyển người thì dễ còn phát triển nhân viên và giữ chân nhân viên thường là việc khó nhất. Vì thế, công ty luôn luôn phải đầu tư vào các ứng viên cả về mặt cá nhân lẫn chuyên môn sau khi họ trở thành nhân viên chính thức.

Bà nói: "Cách duy nhất chúng tôi giữ được chân nhân viên giỏi và thông minh là bắt kịp theo suy nghĩ và cảm xúc của họ để không ai có cảm giác lạc lõng trong công ty. Bản thân công ty phải khám phá được năng lực tiềm ẩn của nhân viên và họ phải được làm việc trong một môi trường mà họ có thể phát triển sự nghiệp, chăm sóc gia đình và đề cao tinh thần nhân văn, và thực sự tin tưởng vào những gì họ quan tâm".


  • 07/01/2019 03:01
  • Nguồn: thoidai.com.vn
  • 1205