- Con mới được 1 tháng tôi đã phải làm việc ở nhà, 3 tháng lên cơ quan đi làm, mà ngày nào cũng về muộn… Biết làm sao được, cơ quan thiếu người, ai cũng quá tải!
- Chạnh lòng ư? Làm sao tránh được, nhất là những lúc đang đi công tác, nhận điện thoại ở nhà báo con bị sốt cao… Vẫn phải gác lại, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ…
- Rất nhiều cái Tết tôi đón giao thừa tại cơ quan, dự xong sự kiện, làm xong tin bài thì đã 2-3h sáng. Đành làm người “xông đất” bất đắc dĩ của gia đình!
- Nhiều người trêu tôi, rằng: “Ế là đúng rồi, con gái gì mà suốt ngày đi công tác. Hôm nào ở cơ quan thì 7h – 8h tối mới về, đêm lại tiếp tục ôm … máy tính, yêu đương vào giờ nào?”
Đó tâm sự của một số chị em tại một đơn vị rất “đặc biệt” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam – Trung tâm Thông tin Điện lực (EVNEIC).
Đi sớm, về khuya, quanh năm “chinh chiến”
Một điều đặc biệt rất phổ biến ở EVNEIC, đó là chuyện “đi sớm, về khuya”. Do tính chất công việc điểm báo nên nhiều chị em phải đến cơ quan từ 6 giờ sáng. Nghĩa là họ phải dậy từ 5 giờ, thậm chí là 4 giờ sáng, với những ai nhà xa.
“Chuyện làm bữa sáng cho chồng con, đưa con đến lớp là điều... không tưởng!”, Chị Nhữ Thị Hạnh – Phòng Quản lý thông tin và Cơ sở dữ liệu cho biết. Hay có những chị em thường xuyên về muộn, 9-10 giờ đêm, thậm chí là 11–12 giờ đêm, do đặc thù làm bản tin hình, bắt buộc phải hoàn thiện trong ngày để sáng hôm sau lên sóng.
“Hôm nào thấy con dâu về nhà lúc 7 giờ tối, là mẹ chồng mình rất ngạc nhiên, hỏi sao về…sớm thế?”, chị Bùi Vân Anh - BTV bản tin EVNnews tâm sự. Việc các phòng của EVNEIC bị bảo vệ tòa nhà “hỏi thăm”: Sao giờ này (8-9h tối) điện vẫn chưa tắt, không còn là chuyện lạ.
Và, dù về nhà rất muộn, nhiều đêm, chị em vẫn miệt mài viết tin bài, biên tập nội dung, trực vận hành fanpage.
“Có hôm đi làm về mệt quá, ngủ quên mất, tỉnh dậy thì đã nửa đêm…Ăn vội xong, lại ôm máy tính viết bài đến 2h sáng” (chị Thanh Huyền – phòng Sản xuất nội dung).
Còn chị Thu Giang, Phòng Truyền thông đa phương tiện, cho biết “Nhiều hôm vừa ngồi vào mâm cơm, điện thoạị báo có comment trên fanpage thế là lại vội vàng bỏ bát đũa trả lời bạn đọc. Xử lý xong thì cơm canh cũng đã… nguội ngắt”. Thậm chí, với rất nhiều chị em đã có gia đình, con nhỏ, thì chuyện đêm đêm “1 tay ôm con, 1 tay gõ máy tính”, là hết sức bình thường.
Đặc biệt hơn, các phóng viên nữ ở đây luôn xông pha, có mặt trên mọi nẻo đường, mọi công trình điện. Để có được những bài viết, hình ảnh chân thực, sống động nhất về công việc và cuộc sống của người làm điện trên mọi miền đất nước, các nữ phóng viên không quản ngại mưa gió hay bão giông, mùa nắng cháy cũng như giá rét, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào; thậm chí là xông pha vào tuyến đầu chống dịch COVID-19.
EVNEIC là đơn vị duy nhất trong EVN có tỷ lệ nữ chiếm tới 70% trong đó, 100% lãnh đạo Trung tâm đều là… nữ
|
“Khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 1, được lãnh đạo phân công đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương-nơi điều trị các bệnh nhân nặng mắc COVID-19 để phản ánh công tác đảm bảo điện cho tuyến đấu chống dịch, tôi đã lên đường ngay mà không ngần ngại. Đến khi xong việc, nhớ đến nhà còn con nhỏ, tôi có chút lo sợ, có phải mình đã liều quá không?”, phóng viên Minh Hạnh - Phòng Tổ chức sản xuất chia sẻ.
Thậm chí, đang bầu bí rất mệt, vẫn sẵn sàng xông pha hiện trường, để lấy tin, phỏng vấn, và “luôn cố cười tươi, giữ nguyên thần thái của một MC…”, đó là BTV Vương Thủy- Bản tin EVNnews.
Những câu chuyện của chị em phóng viên, biên tập viên ở EVNEIC, nếu kể, sẽ còn dài bất tận. Guồng quay công việc khiến họ sẵn sàng hy sinh mọi quỹ thời gian riêng tư, niềm vui cá nhân, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong bối cảnh nhiệm vụ EVN giao cho Trung tâm hằng năm đều tăng cao, cùng với yêu cầu tối ưu hóa, nâng cao năng suất lao động, khối lượng nhân lực mỏng, chị em đều nhận thức rõ, mỗi một cá nhân đều phải nỗ lực gấp 5 – gấp 10 lần bình thường, để san sẻ gánh nặng cho tập thể, hoàn thành nhiệm vụ với tất cả đam mê, sáng tạo, nhiệt huyết.
Đâu là động lực “tiếp lửa” đam mê?
Có thể khẳng định, nguồn năng lượng của EVNEIC nói chung, nguồn cảm hứng nói riêng với chị em, trước hết, đến từ những người đứng mũi chịu sào. Họ là những “bóng hồng” hết sức đặc biệt, không hề “mong manh, yếu mềm”. Đó là Giám đốc Trung tâm – Đinh Thị Bảo Ngọc. Chị vừa là “nữ vương” của EVNEIC nhưng cũng như là người chị, người bạn của tất cả chị em trong Trung tâm. Chị mạnh mẽ, quyết đoán, sẵn sàng đổi mới, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Người phụ nữ ấy lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho toàn thể nữ CBNV. Không chỉ thông minh, quyết liệt trong chỉ đạo công việc, chị cũng hết sức tình cảm, chan hòa, gần gũi trong cuộc sống với nhân viên. Ngoài công việc, chị còn là hình mẫu, là “thần tượng” của chị em về việc chăm chỉ tập luyện thể thao, sống khoa học, giữ gìn nhan sắc “không tuổi” trước thời gian…
Phó Giám đốc Nghiêm Anh Tú cũng “truyền lửa” cho chị em bằng chính đam mê, nhiệt huyết của bản thân. Chị là một phụ nữ hết sức nhẹ nhàng, tình cảm. Đặc biệt, dù đảm nhận trên vai khối lượng công việc khổng lồ của các phòng chuyên môn, nhưng không bao giờ chị than thở. Ngược lại, chị làm việc với tất cả đam mê, sáng tạo. Có cảm giác như nguồn năng lượng trong chị không bao giờ vơi cạn!
Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý nữ ở các phòng, cũng là những “con ong chăm chỉ”, đi sớm về khuya, đảm nhận khối lượng công việc rất lớn. Từ chị Thu Trà – Trưởng phòng Phòng Quản lý thông tin và Cơ sở dữ liệu, chị Thu Hà - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, chị Thu Hằng - phụ trách kế toán, chị Hoàng Tuyết - Phó phòng Truyền thông đa phương tiện, chị Vĩnh Long- Phó phòng sản xuất nội dung. Những tấm gương “người thực việc thực” gần gũi đó đã tiếp lửa đam mê cho toàn thể các chị em nữ ở EVNEIC nỗ lực mỗi ngày.
Đặc biệt, ở EVNEIC, lãnh đạo luôn duy trì những giá trị của văn hóa quản trị “mềm” - vốn là thế mạnh của nữ giới, để khơi gợi tư duy và tình cảm của mỗi cá nhân, để họ gắn bó nhiều hơn với tập thể. Một EVNEIC đoàn kết, chia sẻ và thấu hiểu đã là niềm tự hào của mỗi người đang làm việc tại Trung tâm.
Một nhân viên của chúng tôi đã chia sẻ vào ngày EVNEIC tròn 25 tuổi rằng: Khi mới vào Trung tâm, em đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng và được Giám đốc gọi sang phòng để nhắc nhở. Lúc ấy, cảm giác ân hận và sợ đến nỗi thấy….thở cũng khó khăn. Thế nhưng, sau khi phân tích đúng, sai, Giám đốc đã nói: “Chị cảm nhận em không phải cố ý gây chuyện, chị không giận em. Nhưng em còn trẻ, cần phải học hỏi để thích nghi với môi trường và văn hóa cơ quan. Chị tin là em làm được”… Có những khi sự bao dung, mềm mại lại có sức giáo hóa hơn bất cứ bài học hay hình phạt nào.
Ở EVNEIC, lãnh đạo cũng luôn chú tâm xây dựng văn hóa cơ quan gắn liền với văn hóa gia đình. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức 2 lần gặp gỡ, giao lưu với người thân trong các gia đình. Qua đó, gia đình hiểu và cảm thông chia sẻ - nhất là với các chị em, giúp họ có có thêm động lực, sức mạnh tiếp tục theo đuổi đam mê công việc.
Vẫn còn đó, những suy tư, trăn trở, vì nhiều thời điểm trong năm chị em EVNEIC tự thấy mình chưa làm tốt vai trò của một người nguời vợ, người mẹ, người con đối với gia đình. Nhưng phía sau công việc, họ lại hết lòng để chăm sóc cho chồng con, báo hiếu với bố mẹ...
Nếu có thể, hãy một lần đến thăm “vương quốc” EVNEIC, bạn sẽ được khám phá rất nhiều câu chuyện thú vị mà trên các bài báo, bức ảnh, video clip… không thể có; để thấy được nỗ lực sáng tạo của các chị em nơi đây không chỉ thể hiện ở chất lượng tin, bài, hình ảnh… mà còn là cách vun đắp, cân bằng hạnh phúc gia đình. Bởi, vẻ đẹp của người phụ nữ thường được bộc lộ rõ nhất khi đảm việc nhà, giỏi việc cơ quan.
Tác phẩm Những điều đặc biệt ở “Vương quốc” nữ giới của tác giả Hồng Hoa đã đạt giải Nhì tại cuộc thi viết Vẻ đẹp phụ nữ EVN năm 2020. |