Những người ngồi “ghế nóng”

Chuông điện thoại réo liên hồi, người kỹ sư dán mắt vào màn hình máy tính, vừa ôm máy bộ đàm, vừa liên tục chỉ đạo cắt điện ở khu vực này, nối mạch ở khu vực khác… Đó là công việc diễn ra bất kể ngày đêm của điều độ viên lưới điện phân phối – vị trí vẫn được xem là “ghế nóng” ở các Tổng công ty/công ty điện lực.

Luôn căng như dây đàn

“Các kỹ sư của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP. Hà Nội (thuộc EVNHANOI) được chia làm 3 ca, 5 kíp trực 1 ngày. Mỗi kíp 4 kỹ sư, 3 kỹ sư trực chính, 1 phụ trực. Thế nhưng, những hôm rã lưới điện (sập mạng điện) thì gần như huy động cả phòng, thậm chí cả Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm cũng có mặt trong phòng trực điều hành lưới điện” - Nguyễn Anh Minh, điều độ viên kiêm Trưởng kíp Trung tâm điều khiển, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP. Hà Nội cho biết.  

Cũng theo anh Minh, nhiệm vụ chính của một điều độ viên lưới điện phân phối đó là trực chỉ huy vận hành hệ thống điện phân phối, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong lưới điện phân phối thực hiện đúng phương thức đã được duyệt. Khi xảy ra sự cố và hiện tượng bất thường, anh và các đồng nghiệp phải tập trung cao độ, phân tích, phán đoán xử lý thật nhanh. Một ca trực 8 tiếng của các anh vì thế cũng không hề nhàn hạ, đặc biệt là khi áp dụng các trạm không người trực, công việc của các điều độ viên càng đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn.

 “Bài toán chia điện” luôn không đơn giản với các điều độ viên lưới điện TP. Hà Nội vì đây là trung tâm kinh tế chính trị của cả nước. Hà Nội có quá nhiều điểm cần ưu tiên, trong khi nguồn điện được cung cấp liên tục thay đổi” - Chị Dương Thanh Trang, nữ trưởng ca điều độ của Trung tâm chia sẻ và cho biết thêm: “Trong cao điểm mùa nắng nóng lại đúng đợt đảm bảo điện cho mùa thi, các điều độ viên đã phải làm việc hết sức vất vả để điều chỉnh phân bổ công suất phù hợp với tình hình thực tế. Hay như vừa mới đây, khi cơn bão số 3 - Wipha gây mưa lớn khiến nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội gặp sự cố điện, các kỹ sư điều độ luôn làm việc khẩn trương, khoanh vùng chỉ huy khắc phục và cấp điện trở lại một cách nhanh nhất, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thời gian ngừng cung cấp điện”.

Một ca trực điều độ tăng cường tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP. Hà Nội

Để tập trung xử lý những sự cố do mưa bão gây ra, anh em ca trực có lúc phải thức trắng đêm, ôm máy điện thoại để tiếp nhận thông tin và điều tiết lưới điện các khu vực. Có người cùng lúc ôm hai, ba máy, liên tục “bắn lệnh”: "Lưới điện ở Hoàng Mai đã khôi phục sau sự cố mưa to ngày 3/8, đề nghị khôi phục", hoặc "Đề nghị thay đổi lịch cắt ở khu vực Thanh Oai". Cũng theo chị Trang, vào thời điểm nắng nóng hay mưa bão, việc điều hành lưới điện luôn căng như dây đàn, dẫu thức cả đêm nhưng các cán bộ, kỹ sư trực điều độ luôn phải cố gắng tỉnh táo, tập trung cao độ, vì chỉ sơ sẩy một chút là có thể xảy ra những sự cố khó lường.

Luôn “nâng cấp” chính mình

Để triển khai xây dựng lưới điện thông minh, tháng 2/2019, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đã nâng cấp Phòng điều độ lên thành Trung tâm Điều khiển xa. Tại trung tâm, đơn vị lắp đặt hệ thống máy chủ có cài đặt phần mềm điều khiển riêng, kết nối với Trung tâm Điều độ miền Bắc. Đồng thời, trang bị các máy kết nối với máy chủ và làm việc song song với nhau, có nhiệm vụ chính thu thập các tín hiệu giám sát, cảnh báo, đo lường từ các trạm 110 kV chuyển về trung tâm để xử lý...

“Điều này cũng đòi hỏi các kỹ sư điều độ phải tự “nâng cấp” bản thân, làm chủ công nghệ để đáp ứng đòi hỏi của công việc” - Anh Vũ Hoàng Tùng, kỹ sư điều độ của Trung tâm Điều khiển xa PC Hải Dương chia sẻ.

Được biết, khi đưa Trung tâm Điều khiển xa vào hoạt động, cùng với việc nâng cấp hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu SCADA, đã góp phần giúp phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn, bởi trên màn hình hiển thị 3 mức cảnh báo thiết bị tại các TBA, trên lưới trung áp hay mọi biểu hiện bất thường của lưới điện. Nhưng cũng vì thế, độ tập trung của mỗi điều độ viên lại đòi hỏi phải cao hơn trước gấp 2-3 lần. Bên cạnh việc được đào tạo sát sao hơn về lưới điện thông minh, về tự động hóa, bản thân mỗi kỹ sư điều độ cũng phải nỗ lực làm chủ công nghệ, đảm bảo các thao tác chính xác - không có chỗ cho sai sót. “Chúng tôi cũng là những người phát hiện hệ thống điện đang có vấn đề gì, ở đâu nên có thể “mách” để anh em quản lý vận hành sớm khắc phục, xử lý sự cố. Việc này không chỉ giúp nâng cao độ ổn định cung cấp điện, giảm thời gian mất điện của khách hàng đồng thời anh em quản lý vận hành cũng đỡ vất vả hơn”- Anh Vũ Hoàng Tùng cho biết. 

Không chỉ vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, tin cậy và kinh tế, các điều độ viên còn mạnh dạn nghiên cứu, đưa ra ý tưởng sáng tạo. Cụ thể, kỹ sư điều độ của PC Phú Yên - Ngô Việt Tú đã đưa ra giải pháp sử dụng bộ mô phỏng trạng thái máy cắt tự đóng lại (recloser) nhằm rút ngắn thời gian và rủi ro khi các thiết bị máy cắt trên lưới xảy ra hỏng hóc. Anh Tú chia sẻ: “Chúng tôi đã nghiên cứu suốt một tuần liền, có nhiều đêm đến ba giờ sáng mới về đến nhà. Thử nghiệm và chỉnh sửa bộ mô phỏng đến lần thứ ba mới thành công và được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2016.”

Công việc luôn bận rộn, đòi hỏi sự tập trung cao độ, nên những kỹ sư điều độ hệ thống lưới điện phân phối không tránh khỏi những lúc căng thẳng với chính mình. Với gia đình, cũng không ít lần họ cảm thấy có lỗi với vợ con vì chưa dành được nhiều thời gian chăm sóc. Vượt qua mọi khó khăn thử thách, những người làm công tác điều độ vẫn ngày đêm âm thầm lặng lẽ, cống hiến nhiệt huyết, trí tuệ để điều hành lưới điện an toàn, tin cậy và có chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. 


  • 02/10/2019 10:27
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 995