Gian nan nghề khảo sát
Trước khi nghiên cứu vị trí xây dựng nhà máy thủy điện tại thị trấn Ít Ong (Mường La), các kỹ sư địa chất đã mất mấy chục năm khảo sát ngược dòng sông Đà, nhằm xác định khả năng trị thủy trên dòng sông hung hãn nhưng đầy tiềm năng này.
Chị Hiển vốn là cán bộ địa chất, công việc của chị gắn liền với các mẫu đất đá ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Từ công trình Thủy điện Ialy, Sông Hinh tới Hòa Bình, Sơn La, nơi đâu các chị cũng là những người tiên phong. Trong đó, thời gian khảo sát ở Thủy điện Sơn La là quãng thời gian đáng nhớ nhất của chị.
Vào đầu những năm 2000, giao thông ở Mường La vẫn còn rất khủng khiếp. Để đi từ Hà Nội lên đến Mường La phải mất trọn 3 ngày. Kỹ sư địa chất đi đến đâu là cả một phòng thí nghiệm theo đến đấy. Vô vàn những thứ máy móc, thiết bị nặng trịch. Hãi hùng nhất là những chiếc máy khoan SKB của Liên Xô nặng đến 5 tấn. Các loại máy khoan hạng nhẹ khác cũng nặng trên dưới một tấn. Đường sá không có, họ phải tháo rời máy vận chuyển dần. Công việc của các kỹ sư địa chất là khoan vào lòng núi, khoan xuống lòng sông để phân tích địa tầng, đất đá, rồi phân tích, lập bản đồ địa chất. Để cắm được mốc, họ phải xem xét từng hòn đá, khe núi, con suối, phải chui vào từng hang động để tính toán mức độ thất thoát, lưu trữ nước. Họ phải khoan thủng từng ngọn núi xác định hang ngầm, vết nứt để tìm biện pháp xử lý. Nơi trú ngụ chỉ là những chiếc lán nhỏ, báo chí đến muộn, ti vi không có. Thôi thì muỗi, vắt, bọ chó, rắn rết... chẳng có gì không gặp. Ăn ở có thể tạm bợ, nhưng công việc phải rất chỉn chu. Chỉ cần bỏ sót vài hang ngầm, nhầm lẫn một số chỉ tiêu kỹ thuật là có thể ảnh hưởng tới cả một công trình.
Còn chị Nguyễn Thị Mai, khi đó là Trưởng ban Nữ công, đã từng gửi con 12 tháng tuổi ở nhà cho bà để đi công tác 3 tháng liền, khi về con không nhận mẹ nữa, chị vừa tủi thân vừa thương con đến thắt ruột. Trên công trường Thủy điện Sơn La có 9 chị của Xí nghiệp phải thường xuyên đi theo công trường với những công việc khác nhau như: Theo dõi kỹ thuật, mô tả đất đá, lấy số liệu địa chất hố khoan, quan trắc mực nước, kể cả y tá cấp dưỡng. Dù đã được ưu tiên hơn nam giới, nhưng công việc của các chị vẫn vô cùng vất vả. Theo đánh giá của ông Nhâm Văn Tuân, khi đó là Giám đốc Xí nghiệp thì “tất cả các chị đều hoàn thành xuất sắc công việc của mình”.
“Gái ngành Điện phải biết liều”
Trong Xí nghiệp còn một lĩnh vực nữa là xây lắp điện. Chị Phạm Thị Mai, cán bộ kỹ thuật xây lắp của Xí nghiệp cho biết: Đường dây đi đến đâu, cán bộ kỹ thuật phải theo đến đấy, vừa theo dõi kỹ thuật, vừa tham gia thi công. Có lần xây lắp đường điện ở Sơn La, 20 người phải kéo từ sáng đến tối mới đưa được cột điện lên đỉnh đèo. Xi măng phải chia vào ba lô gùi lên đèo để chôn cột điện. Chị khoe: “Tôi đã từng trèo một mạch 936 bậc lên đỉnh Phan Xi Phăng, từng buộc quần áo lên đầu để bơi qua suối vào bản mua thực phẩm, từng hoảng hốt vì đang đi giữa rừng có một con rắn to tướng rơi bộp trước mặt. Thế nhưng kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là lần đi từ Phong Thổ (Lai Châu) sang Sa Pa. Xuống ga tàu đã gần 12 giờ đêm, thuê xe ôm đi gần 100 cây số đường rừng về nơi tập kết để kịp dự lễ đóng điện. Đường rừng vắng vẻ, thân gái dặm trường, tôi chuẩn bị sẵn một túi “bảo bối” gồm tro bếp, cát đá, bu lông và một con dao nhọn, phòng khi bất trắc sẽ tung những thứ đó vào mặt đối phương rồi... “ù té quyền”. Cũng may không xảy ra chuyện gì phải dùng đến túi vũ khí đó, nhưng tôi bị công an đuổi theo vì tưởng buôn thuốc phiện. Đến khi kiểm tra túi bảo bối của tôi với lý do về kịp dự lễ đóng điện thì họ tròn mắt nhìn tôi như nhìn người từ hành tinh khác rơi xuống. Sau chuyến đi ấy, hai hàm răng của tôi đau ê ẩm hàng tuần vì đường xóc và vì... căng thẳng. Sau này ai cũng bảo tôi liều, mà tôi nghĩ lại cũng thấy mình liều thật”. Không chỉ liều đâu, chị còn rất dũng cảm và có trách nhiệm với công việc. Nghe tôi nói, chị cười: Nói cho cùng, làm nghề này mà không có máu liều thì sao vượt qua được những tình huống như thế.
Nặng lòng đón tết xa nhà
Với những người phụ nữ mỗi năm phải hơn 300 ngày bám công trường thì có lẽ dịp Tết là niềm ao ước lớn nhất. Thế nhưng, vì tiến độ công việc, rất nhiều chị phải ăn Tết xa nhà. Không khí Tết đã nhộn nhịp ở công trường từ hôm 25 tháng chạp, vì hôm đó là buổi chia tay những người được về xuôi. Thôi thì những lời nhắn nhủ, những lá thư viết vội, những món quà gửi về cho người thân, cả sự bịn rịn của người đi, kẻ ở. Xe chạy rồi, tình cảm đã gửi theo, mọi người trở lại công việc với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Quà về thì táo mèo, me chua cho các cháu; mật ong, măng khô cho ông bà; quà lên thì bánh kẹo, thuốc lá, nhất là bánh mì gối là thứ mà bà con dân tộc rất thích.
Đêm giao thừa, bánh được bày lên bàn thờ. Bà con dân bản rất thích ra lán của cán bộ cùng nhau múa xoè, uống rượu cần, hát thi, xem truyền hình có ăng ten parabon của bác Võ Văn Kiệt tặng. Mùng 1 tết, mọi người kéo nhau vào bản chúc tết dân làng. Bà con cứ hỏi nhà có mấy anh em là họ sẽ chúc bằng ấy bát rượu. Ai không có kinh nghiệm, cứ thật thà khai báo là gay go. Riêng chị Mai uống tới 12 bát rượu chúc Tết mà vẫn hát “anh đầu sông em cuối sông” không ngọng chữ nào, trưởng bản cũng phải lắc đầu chịu thua. Mùng 2 tết, đội khoan tranh thủ đi khai xuân động thổ, các chị cũng phải theo ra lấy mẫu. Ba ngày Tết nhờ vậy trôi đi rất nhanh. Các chị bớt đi nỗi cô đơn.
Theo các chị, thực ra ăn Tết ở công trường rất vui và đầm ấm nhưng vẫn không nguôi được nỗi nhớ nhà. Có chị khóc hu hu khi nhận được thư con gái: “Con vẫn để dành chiếc bánh cóc, chờ mẹ về ăn chung”. Anh Lăng - Chủ tịch Công đoàn chia sẻ: Chúng tôi là đàn ông còn đỡ, thương nhất là mấy chị bên đội kỹ thuật phải ở lại trực. Biết là các chị rất tủi thân, nhớ chồng, nhớ con nên mọi người rất thông cảm. Nếu có thể được thì cánh đàn ông sẵn sàng nhường suất về Tết cho các chị ngay. Ăn tết xa nhà, gia đình nào có ông bà còn đỡ, nhiều nhà cả bố mẹ cùng đi công trường, con cái phải “tự tác chiến”. Chị Quế - một kỹ sư địa chất đã về công tác ở Xí nghiệp từ năm 1974 cho biết: Do điều kiện luôn xa nhà nên chúng tôi phải tạo cho con cái thói quen tự lập từ nhỏ. Mọi khoản chi tiêu các cháu đều ghi chép lại. Cứ đến tháng là bác trưởng phòng sẽ ứng lương cho. Nếu bị ốm đau hay khó khăn gì cũng gặp bác trưởng phòng hoặc bác giám đốc. Tết không về được, chúng tôi phải gửi thư dặn các cháu mua đồ Tết ra sao, đặt lên bàn thờ như thế nào, lúc nào thì thắp nhang. Các cháu không biết khấn nên đành chép những bài khấn đặt lên bàn thờ, tới khi hoá vàng thì đốt luôn cả bài khấn. Một năm ở công trường trên 300 ngày, khổ thì chúng tôi không sợ, nhưng nỗi lo lắng nhất là con cái ở nhà học hành ra sao, có ốm đau không, có bị ảnh hưởng của tệ nạn xã hội không. Những đêm thanh vắng, trằn trọc không ngủ được, nằm nghe tiếng chim kêu vượn hót mà nhớ con đến cồn cào, cứ nghĩ khôn nghĩ dại nhỡ xảy ra chuyện gì lúc mẹ vắng nhà. Rất may là các cháu ở khu tập thể đều ngoan, học hành tốt cả.
Đến nay, hầu hết các chị đều đã hoặc sắp nghỉ hưu, công việc nay đã đỡ hơn nhiều, nhắc lại những kỷ niệm xưa, chị nào cũng cười: Vất vả thật nhưng không phải ai cũng có được những kỷ niệm ngày xưa đâu. Con cái vì thế cũng tự lập hơn, thương bố mẹ hơn.
Khi Thủy điện Sơn La chính thức khởi công, họ lại lặng lẽ rút quân đi nơi khác, nhường lại địa bàn cho những công việc rầm rộ hơn. Ngày khánh thành công trình, các chị không có mặt vì đang đi khảo sát ở những công trình khác xa xôi hơn, hẻo lánh hơn. Ít ai biết đến tên các chị, song những dấu chân nhỏ bé, âm thầm của các chị để lại từ những ngày đầu tiên luôn là bước khởi đầu cho những quyết định trọng đại của ngày sau.