Ông Bùi Văn Lưu, Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 2: Dành trọn cuộc đời cho nguồn sáng phương Nam

Cuộc đời ông Bùi Văn Lưu - Hai Lưu(*) - luôn gắn liền với sự thăng trầm của ngành Điện miền Nam, đặc biệt là thời kỳ sau khi đất nước thống nhất. Ông đã dành trọn cuộc đời mình cho cuộc “hành trình” vì nguồn sáng phương Nam.

Bộn bề công việc sau ngày giải phóng

Ông Bùi Văn Lưu

Sinh năm: 1926

Giám đốc Công ty Điện lực 2: Từ 5/1981 - 4/1995.

Một số danh hiệu được Đảng và Nhà nước khen tặng:

Huân chương chiến thắng hạng Ba

Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất

Huân chương Lao động hạng Nhì

Huân chương Độc lập hạng Ba

Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc

Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Sau năm 1975, tại các tỉnh phía Nam mới giải phóng, Tổng cục Điện lực được thành lập, trên cơ sở tập hợp các trung tâm điện lực địa phương vào một đầu mối. Tổng cục thực hiện thống nhất quản lý, duy trì và mở rộng hệ thống điện phục vụ sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, đồng thời tổ chức sắp xếp lại các đơn vị điện lực với sự chi viện lực lượng cán bộ kỹ thuật và quản lý từ miền Bắc. Lúc ấy, kỹ sư Bùi Văn Lưu, sau hơn 20 năm học tập, làm việc ở miền Bắc đã trở về đảm nhận cương vị tổ chức, quản lý ngành Điện phía Nam với những bộn bề khó khăn, thiếu thốn sau ngày giải phóng.

Đến hôm nay, tất cả ký ức những năm đầu giải phóng dường như vẫn còn in đậm trong ông Bùi Văn Lưu. Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: “Ngày đó, chúng tôi phải tìm mọi giải pháp khắc phục sự cố các tổ máy, vì thiết bị cũ, hư hỏng, không có phụ tùng thay thế. Các nhà máy điện Chợ Quán, Cần Thơ…, các cụm diezel cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đặc biệt là tình trạng thiếu dầu chạy máy xảy ra thường xuyên, nhiều lúc phải cân đối lượng dầu chạy máy cho từng ngày. Tiền mua dầu không đủ, hàng tuần, phải vay ngân hàng và huy động tiền từ các địa phương”.

Đây quả thực là thời kỳ hết sức căng thẳng. Ông Lưu cũng như những CBCNV Công ty Điện lực 2 ngày ấy không thể quên được những buổi họp điều độ liên tục hàng tuần mà chủ đề chỉ xoay quanh việc vận hành và khắc phục sự cố của các nhà máy điện hay tìm nguồn kinh phí mua dầu, lên kế hoạch phân bổ công suất, sản lượng cho từng tỉnh, lên lịch cắt điện luân phiên… Từ năm 1981, ông Bùi Văn Lưu được bổ nhiệm là Giám đốc Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam). Là người đứng đầu đơn vị, ông càng phải đối mặt với thêm nhiều sức ép và thử thách. Nhưng khi ấy, ông dường như quên hết mỏi mệt, chỉ có quyết tâm và sự trăn trở khôn nguôi cho một mục tiêu duy nhất là: “Làm sao đủ điện cho miền Nam phát triển”.

Năm 1988, khi Nhà máy Thủy điện Trị An hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia, kỹ sư Bùi Văn Lưu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu điện khí hóa nông thôn. Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, ông Hai Lưu đã đề xuất thực hiện điện khí hóa xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - là xã ngoại thành đầu tiên được Công ty Điện lực 2 chọn làm thí điểm mô hình đưa điện lưới quốc gia về nông thôn. Đến tháng 5/1990, sau những nỗ lực không mệt mỏi, chắt chiu từng đồng vốn cho các dự án phát triển nguồn và lưới điện, điện lưới quốc gia đã vượt sông Sài Gòn về thắp sáng huyện đảo Cần Giờ, là địa bàn chỉ cách TP. Hồ Chí Minh gần 1 giờ đồng hồ giao thông bằng đường sông. Ngày có điện đã trở thành ngày hội của người dân Cần Giờ. Người dân ở đây như sống trong mơ khi giấc mơ hàng thế kỷ trở thành hiện thực.

Ông Bùi Văn Lưu - Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 2, Trưởng ban liên lạc hưu trí EVN SPC

Khi đất phương Nam bừng sáng!

Tuy đã thu được những thành công ban đầu, nhưng trăn trở về một dải đất phương Nam với 21 tỉnh, thành bừng sáng ánh điện luôn canh cánh trong lòng ông Bùi Văn Lưu. Mùng 5 Tết Nguyên đán Nhâm Thân 1992, tại phòng họp Công ty Điện lực 2, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các nhà khoa học, trí thức lớn và lãnh đạo chủ chốt ngành Năng lượng, bàn về xây dựng đường dây tải điện siêu cao áp Bắc – Nam 500 kV. Ông Lưu lắng nghe, tổng hợp từng ý kiến và là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho chủ trương này.  

Ròng rã từ năm 1992-1994,với  chiều dài gần 1.500 km, công trình lịch sử đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam đã được hoàn thành và đưa vào vận hành với một kỷ lục về thời gian vừa thiết kế, vừa thi công trong 2 năm. Niềm ao ước bấy lâu đã thành hiện thực, nhưng không cho phép mình nghỉ ngơi, ngay khi công trình đường đây 500 kV Bắc – Nam đi vào vận hành, kỹ sư Bùi Văn Lưu đã cùng lãnh đạo Công ty Điện lực 2 triển khai chương trình điện khí hóa nông thôn, đưa điện lưới quốc gia về 4 huyện vùng sâu, vùng sông nước của Đất Mũi Cà Mau là các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và Thới Bình. Những ngày thực hiện dự án này, kỹ sư Bùi Văn Lưu liên tục bám sát công trình để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Không ít lần, ông đã ngồi trên chiếc “võ lãi” (chiếc đò máy, phương tiện đi lại trên sông nước các tỉnh miền Tây, Nam Bộ) suốt 3 - 4 giờ đồng hồ, vào làm việc tận nơi thi công. Bởi ông thấu hiểu rằng, với người dân nhiều thế hệ sống ở bưng biền, cả đời hiu hắt với ngọn đèn dầu mù u, dầu chai, thì niềm vui chỉ thực sự vỡ òa khi thấy bóng đèn điện bật sáng trên quê hương mình.

Nếu năm 1975 khi đất nước thống nhất, tổng sản lượng điện miền Nam chỉ có 1,61 tỷ kWh thì đến năm 2015, 21 tỉnh thành phía Nam (trừ TP Hồ Chí Minh) đã đạt 49,38 tỷ kWh. Và năm 1975 số hộ dân có điện ở miền Nam chỉ đạt 2,5%, thì đến nay 100% số huyện, xã có điện, 99% hộ dân có điện, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt tỷ lệ 98,77%. Thành quả đó là sự lao động, cống hiến tâm huyết và trí tuệ của tập thể lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam qua nhiều thời kỳ, trong đó in đậm dấu ấn của kỹ sư Bùi Văn Lưu – một người đã dành trọn cuộc đời mình cho cuộc “hành trình” vì nguồn sáng phương Nam.

 (*) Hai Lưu: Tên gọi thân mật của ông Bùi Văn Lưu

Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (trích phát biểu trong phim tư liệu “Ông Bùi Văn Lưu – Người dành trọn cuộc đời cho nguồn sáng phương Nam” xuất bản năm 2014, khi đó ông giữ chức vụ Phó Thủ Tướng Chính Phủ): “Tôi đã học được ở đồng chí Bùi Văn Lưu rất nhiều điều. Mặc dù chỉ đáng tuổi con anh Hai Lưu, thế nhưng khi làm việc với đồng chí, bao giờ đồng chí cũng rất trân trọng, góp ý chân thành, ngay cả khi đồng chí đã nghỉ hưu. Đồng chí Hai Lưu là một người có kinh nghiệm về tổ chức, cán bộ, đồng thời cũng là người có công rất lớn trong việc đào tạo cán bộ kế cận cho ngành Điện miền Nam, để ngành Điện phát triển bền vững.”

 


  • 27/05/2016 02:55
  • Nguồn:Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3296