Nữ trực trạm người H'Mong

Ở vị trí trực chính trong trạm, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một thao tác sai là có thể gây sự cố khó lường. Nhưng nữ kỹ sư người dân tộc thiểu số mới 30 tuổi Giàng Thị Dung (Truyền tải điện Tây Bắc) đã đảm nhận tốt vị trí khó khăn này, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào, cả cho người và thiết bị.

Chị Giàng Thị Dung

Sinh năm 1980 tại một xã nghèo của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, chị Giàng Thị Dung là con út trong một gia đình người H’Mông có 2 chị em gái. Năm 1999, chị Dung thi đỗ trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Trong điều kiện gia đình khó khăn, chị Dung đã phải nỗ lực hết mình để học tập. Sau 5 năm đèn sách, tháng 8/2004, chị đã tốt nghiệp với tấm bằng loại khá.

Sau khi trúng tuyển vào làm việc cho Công ty Truyền tải điện 1, chị được phân về làm việc tại Trạm biến áp 220 kV Yên Bái. Vui mừng xen lẫn bỡ ngỡ, lo âu khi bước chân vào Trạm, bởi lý thuyết đến thực tế là cả một khoảng cách, nhưng nhờ được các anh chị trong Trạm giúp đỡ chỉ bảo nhiệt tình, cộng với niềm say mê học tập, tìm hiểu, chị Dung nhanh chóng bắt nhịp với guồng máy làm việc của Trạm.

Sau chưa đầy một năm làm công tác sửa chữa, chị Dung được lãnh đạo Truyền tải điện Tây Bắc và Trạm Yên Bái cho thi chuyển chức danh trực phụ. Với những kiến thức tích luỹ được sau một thời gian nỗ lực học hỏi, Dung đã thi đạt và chính thức đảm nhận chức danh trực phụ từ tháng 5/2005. Đảm nhận vị trí công việc mới, xác định phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu công việc, chị đã không ngừng học tập nghiên cứu, trau dồi kiến thức, nhanh chóng làm chủ thiết bị, thực hiện nghiêm kỷ luật vận hành. Vì vậy Dung luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau hơn 2 năm đảm nhận chức danh trực phụ, tiếp tục trải qua kỳ thi, đến tháng 4/2008, Dung chính thức đảm nhận chức danh trực chính tại Trạm biến áp 220 kV Yên Bái. Đây là bước tiến mới, cũng là một thách thức mới đối với chị. Bởi trực chính trong một trạm biến áp 220 kV, nghĩa là vị trí chịu trách nhiệm cao nhất về sự vận hành an toàn của một kíp trong ca trực trạm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, một thao tác sai là có thể gây sự cố trạm. Nhưng nữ kỹ sư người dân tộc thiểu số mới 30 tuổi Giàng Thị Dung đã đảm nhận tốt vị trí khó khăn này, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào, cả cho người và thiết bị.

Không những tích cực trong công tác chuyên môn, chị Dung còn là một trong những đoàn viên đi đầu trong các phong trào hoạt động của trạm và của Truyền tải điện Tây Bắc. chị Dung đã cùng đoàn viên thanh niên trong trạm tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, chăm sóc hệ thống vườn hoa cây cảnh trong trạm, tích cực xây dựng trạm biến áp kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp.

Năm 2009, Công ty Truyền tải điện 1 tổ chức Hội thi Thợ vận hành giỏi trạm biến áp, chị Giàng Thị Dung đã được Truyền tải điện Tây Bắc tin tưởng chọn đi tham gia dự thi. Chị đã xuất sắc vượt qua 50 đối thủ trong toàn Công ty, đạt giải Nhì, trước sự nể phục của những người tham gia cuộc thi. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của một nữ kỹ sư làm công tác khoa học kỹ thuật, đồng thời tạo động lực, niềm tin không chỉ cho chị Dung mà cho tất cả chị em phụ nữ phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ cuộc sống, không ngừng lao động sáng tạo, cống hiến cho đơn vị. Qua đó, khẳng định mạnh mẽ hơn nét đẹp cùng vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng và phát triển Công ty Truyền tải điện 1 Anh hùng.


  • 25/08/2010 09:26
  • TCĐL (tháng 8/2010)
  • 2202