Sản phẩm chất lượng: Phải tốt cả "gỗ" lẫn "nước sơn"

Ông bà ta thường nói: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" nhưng trong điều kiện hiện nay, một sản phẩm chất lượng tốt thôi chưa đủ mà cả "gỗ" lẫn "nước sơn" đều phải tốt.

Quan trọng "nước sơn"

Đối với nhiều khách hàng, mua sắm còn là sự trải nghiệm về cảm xúc chứ không chỉ là việc tìm mua những thứ họ cần. Các nghiên cứu cho thấy, 80% các quyết định mua hàng của người tiêu dùng được thực hiện khi họ nhìn thấy sản phẩm được trưng bày ở cửa hàng, vì vậy, bao bì sản phẩm càng hấp dẫn, càng bắt mắt thì càng thu hút khách hàng.

Trong buổi nói chuyện với các hội viên Câu lạc bộ Marketing mới đây, chuyên gia thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông - người được Tạp chí Graphic Design USA trao tặng giải thưởng "American Graphic Design Award 2014" cho rằng, thiết kế có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông điệp của doanh nghiệp (DN).

Bộ nhận diện thương hiệu có nhiều thành phần, trong đó có bao bì, các dấu hiệu nhận biết qua catalogue, poster, brochure, đồng phục... và logo là thành phần chính, quan trọng nhất, nhưng điều đáng buồn là đa số các DN trong nước vẫn chưa quan tâm đầu tư cho thành phần này. "Logo của nhiều DN Việt Nam hiện nay như một nồi lẩu có quá nhiều món và không theo đặc trưng nào", ông Nguyễn Tri Phương Đông nói.

Ảnh minh họa

Có cùng nhận xét, bà Phạm Thị Mai Lan - Quản lý cấp cao của Nielsen Việt Nam khẳng định, sản phẩm của DN trong nước có chất lượng không thua kém hàng của các công ty đa quốc gia nhưng do bao bì không đẹp, không bắt mắt nên giá trị thương hiệu thấp hơn. Đó là một bất lợi của DN nội trong cuộc cạnh tranh với DN ngoại, các tập đoàn đa quốc gia ngay trên sân nhà.

"Hiện nay, nhiều DN Việt chưa nghĩ đến việc sản phẩm của mình sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ các quốc gia khác ngay tại thị trường nội địa, trong khi DN các nước rất quan tâm vấn đề này. Vì vậy, họ chú trọng đầu tư vào bao bì sản phẩm và chăm chút đến từng chi tiết, chỉ số ghi trên bao bì”, bà Lan nói.

Do chưa được đầu tư đúng mức nên sản phẩm của DN Việt rất khó thành công. Một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam thực hiện năm 2013 cho thấy, có đến 95% sản phẩm tung ra thị trường thất bại vì bao bì không đẹp và không tiện dụng.

Hầu hết khách hàng không có thời gian so sánh ưu, khuyết điểm của sản phẩm trong khi mua sắm và phần lớn quyết định của họ căn cứ vào bao bì sản phẩm.

Bao bì quan trọng như vậy nhưng nhiều DN Việt Nam lại ít quan tâm vấn đề này. Họ cho rằng bao bì chỉ là cái vỏ bề ngoài để che đậy sản phẩm bên trong, và nếu thế thì bao bì chỉ thể hiện được chức năng của chiếc vỏ bọc mà chưa tạo được lợi thế cạnh tranh.

Người xưa cho rằng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, DN phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng rằng chất lượng sản phẩm bên trong tương đồng với hình thức đẹp đẽ bên ngoài.

"Sơn" như thế nào?

Theo các chuyên gia, bao bì là một vũ khí bí mật trong chiến lược marketing. Vì bao bì giúp tác động đến người mua, khích lệ hành vi của người tiêu dùng và ngày càng trở nên quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu mạnh và nhất quán.

Thiết kế bao bì chuyên nghiệp, ấn tượng sẽ giúp bán hàng hiệu quả, tăng doanh số cho DN, đồng thời giảm chi phí cho các hoạt động quảng bá sản phẩm.

Đặc biệt, khi hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị và các cửa hàng tiện lợi) đang dần thay thế các tiệm tạp hóa và chợ truyền thống thì bao bì lại càng đóng vai trò quan trọng đối với quyết định chọn lựa sản phẩm của người tiêu dùng trước hàng trăm món hàng cùng loại.

Nhưng để đạt được điều này, bao bì phải thể hiện rõ nhãn hiệu, tạo cảm xúc nhiều nhất cho người tiêu dùng và truyền thông thông điệp về nhãn hiệu.

Quan trọng hơn là làm sao để bao bì có thể giúp khách hàng trả lời được câu hỏi: Nhãn hiệu này có gì khác biệt và tại sao tôi nên mua nó? Giải quyết được khâu bao bì, DN đã tạo nên sự đột phá trong việc chinh phục khách hàng.

Các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Coca-Cola, Nike, Apple... gặt hái thành công nhờ có chung một đặc điểm là logo, bao bì sản phẩm của họ truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng một cách rõ ràng, dễ hiểu, cụ thể. Và đi kèm với những thông điệp dễ hiểu ấy là chất lượng sản phẩm không chê vào đâu được. Với những thương hiệu quốc tế này thì "nước sơn" tốt và "chất lượng gỗ" cũng tốt không kém.

Các chuyên gia thương hiệu cho rằng, một thiết kế kiểu dáng bao bì sản phẩm đạt yêu cầu phải bắt nguồn từ chiến lược thương hiệu, chiến lược sản phẩm cũng như chiến lược phát triển của công ty.

Việc tìm hiểu thị trường, nhu cầu, mong đợi của khách hàng cũng như các phương tiện mà thông qua đó thương hiệu hay sản phẩm có thể tiếp cận người sử dụng sẽ giúp nhà thiết kế tìm ra sự khác biệt trong sáng tạo, từ đó giúp chuyển tải những giá trị của DN.

Thực tế hiện nay, đa phần DN Việt Nam chưa biết "khoe" sản phẩm của mình hoặc "khoe" chưa đúng chỗ trên bao bì nên chưa gây được sự tò mò, chưa tạo được cảm xúc cho người tiêu dùng. Vì thế, "cần lắng nghe cả người đang sử dụng sản phẩm của mình và người tiêu dùng sản phẩm của đối thủ để phát triển bao bì tối ưu", bà Lan khuyên.


  • 27/09/2015 04:43
  • Theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 1131


Gửi nhận xét