Sáng kiến “triệu đô”

Gia nhập “Ngôi nhà chung” Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng từ năm 2006, Huỳnh Thảo Nguyên là “cha đẻ” của nhiều sáng kiến. Những sáng kiến của anh không chỉ mang lại hiệu quả cho đơn vị mà còn có giá trị làm lợi cho ngành Điện Việt Nam cả triệu “đô”.

Đam mê xác suất thống kê

Sau gần 15 năm làm việc trong ngành Điện, Thạc sĩ Huỳnh Thảo Nguyên đã có “bộ sưu tập” với 18 sáng kiến được công nhận và đánh giá cao. Sau cuộc trò chuyện với Nguyên, tôi tin rằng số sáng kiến sẽ không ngừng tăng lên khi Nguyên đang bước vào “độ chín” của nghề và “ngọn lửa” sáng kiến vẫn luôn bùng cháy trong người thanh niên có dáng dấp thư sinh ấy.

“Từ lúc đi học, tôi đã đam mê môn Toán, khi học đến phần xác suất thống kê thì tôi đặc biệt yêu thích và say sưa tìm hiểu, nghiên cứu sâu. Khi được tiếp xúc với môn Tin học ở THPT, tôi đã kết hợp Toán - Tin, tập viết các chương trình phần mềm trên công cụ lập trình Pascal” - Nguyên chia sẻ về cơ duyên đến với ngôn ngữ lập trình trên máy vi tính.

Huỳnh Thảo Nguyên (đứng giữa) được Liên đoàn các tổ chức kỹ sư các nước Đông Nam Á trao chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN.

Vào làm việc tại PC Đà Nẵng, Nguyên được tham gia các lớp tập huấn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, qua đó biết được EVN đang có phần mềm mua của nước ngoài nhưng chưa thể sử dụng được vì không tương thích với các dữ liệu hiện có của Việt Nam. Từ đó, “máu” nghiên cứu trong Nguyên trỗi dậy và không lâu sau đó, đề tài “Ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa trong xây dựng biểu đồ phụ tải tại Công ty Điện lực Đà Nẵng” được thực hiện.

Nguyên cho biết, đề tài này đã đưa ra kết quả nghiên cứu về sự biến động của phụ tải điện, tức là biểu đồ diễn biến công suất của các phụ tải (nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, sinh hoạt…), nhóm phụ tải (sắt thép, xi măng, khách sạn, sinh hoạt thành thị, sinh hoạt nông thôn, chiếu sáng công cộng...) được phân bố trong hệ thống điện theo thời gian 24 giờ /ngày. Đề tài đã được thực thi và thành công vang dội. Năm 2015, đề tài đã giành giải Nhì - Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam VIFOTEC được ghi danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo và được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen Tuổi trẻ sáng tạo.

Viết phần mềm trị giá “triệu đô”

Trong các sáng kiến của Nguyên, phần mềm “Nghiên cứu phụ tải bằng Microsoft Access” là sáng kiến Nguyên tâm đắc nhất. Sáng kiến này đã giúp ngành Điện quản lý được nhu cầu tiêu thụ điện (gọi là DSM - Demand Side Management) theo thời gian thực và là một trong những giải pháp quản lý mức tăng trưởng nhu cầu điện năng. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp giảm sức ép về vốn đầu tư phát triển nguồn lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để ngành Điện dự báo phụ tải, quy hoạch, thiết kế, vận hành hệ thống điện, giải quyết vấn đề kinh tế - kỹ thuật, giảm tổn thất điện và đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện. Đặc biệt, sử dụng phần mềm nghiên cứu phụ tải bằng Microsoft Access đã tiết kiệm được nguồn kinh phí vì không phải mua phần mềm tương tự từ nước ngoài.

Trước đây, khi chưa có phần mềm nghiên cứu phụ tải do Nguyên nghiên cứu thành công, EVN phải mua phần mềm Load Research của hãng Itron với chức năng tương tự, giá khoảng 1 triệu USD. Sáng kiến của Nguyên còn giúp cho Tập đoàn EVN khai thác được tối đa hệ thống thu thập số liệu từ xa, không phải trả chi phí vận hành hàng năm gần 2 tỷ đồng cho nhà cung cấp từ nước ngoài.

Riêng với PC Đà Nẵng, việc ứng dụng kết quả của đề tài vào thực tế đã mang lại hiệu quả cao như, dự báo phụ tải, quy hoạch, thiết kế, vận hành hệ thống điện được thuận lợi, nhanh chóng, góp phần giảm tổn thất điện năng. Trong năm 2015 là năm đầu tiên ứng dụng kết quả nghiên cứu, PC Đà Nẵng đã giảm tổn thất điện năng được 0,17% so với năm 2014, tương đương tiết kiệm được sản lượng điện hơn 4 triệu kWh, với giá trị làm lợi khoảng 7 tỷ đồng.

Đề tài cũng mang lại hiệu quả trong lĩnh vực tiết kiệm điện. Thông qua việc đánh giá công suất đỉnh của từng phụ tải trong hệ thống điện, EVN đã tư vấn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng điện hợp lý, chuyển dịch sử dụng điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Qua đó, mang lại lợi ích kép, vừa giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí sử dụng điện, vừa giúp cân bằng biểu đồ phụ tải. Chỉ tính riêng năm 2015 là năm đầu tiên ứng dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Đà Nẵng, đã tiết kiệm được 58,35 triệu kWh, chiếm 2,59% so với tổng sản lượng điện thương phẩm của PC Đà Nẵng, tương đương với số tiền tiết kiệm được gần 98 tỷ đồng.

“Các đề tài, sáng kiến của tôi đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của ngành Điện, chủ yếu phục vụ cho lĩnh vực kinh doanh và quản lý kỹ thuật. Đặc biệt, tôi rất tâm đắc với sáng kiến “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” đã giành giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam - VIFOTEC năm 2020. Đây là công cụ hỗ trợ ngành Điện khoanh vùng tìm kiếm, phát hiện nhanh chạm chập, góp phần ngăn ngừa tai nạn điện và giảm tiền điện do chạm chập gây ra. Với việc áp dụng sáng kiến này, kể từ tháng 8/2020 đến nay, PC Đà Nẵng đã phát hiện gần 50 vụ chạm chập nguy hiểm. Hiện tại, sáng kiến này đã được Tổng công ty Điện lực miền Trung và EVN áp dụng thống nhất trên toàn quốc” - Nguyên thổ lộ.

Năm 2021, Huỳnh Thảo Nguyên tiếp tục đăng ký 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp EVN, đó là “Quản lý điện mặt trời mái nhà” và “Ứng dụng lý thuyết thống kê trong phân tích sử dụng điện thời gian thực từ đo xa”.


  • 19/10/2021 04:02
  • Theo Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập.
  • 886