Trao đổi giải pháp số hóa và tham quan ảo Nhà truyền thống EVN

Buổi trao đổi giải pháp số hóa và tham quan ảo Nhà truyền thống EVN đã diễn ra chiều ngày 9/7 dưới hình thức trực tuyến tại Hà Nội cùng hơn 10 điểm cầu tại các tổng công ty trực thuộc EVN. Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và tiếp đó trở thành doanh nghiệp số.

Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa EVN nói chung, các hiện vật trong Nhà truyền thống của EVN và các đơn vị nói riêng sẽ tạo ra cơ hội mở rộng đối tượng tham quan mà không phụ thuộc vào yếu tố địa lý, đồng thời nâng cao hiệu quả trong quá trình quản lý hồ sơ hiện vật.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ về giải pháp số hóa và tham quan ảo Nhà truyền thống EVN, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và giải pháp công nghệ 3DART - đơn vị tư vấn xây dựng phương pháp tham quan ảo Nhà truyền thống EVN đã đưa ra những gợi ý thiết kế và các bước tiến hành số hóa, xây dựng Nhà truyền thống EVN “ảo” dựa trên nền tảng phát triển của công nghệ. Từ đó sẽ đề xuất các hướng khai thác phù hợp với thực tế hoạt động.

Cụ thể, bên cạnh việc tư vấn xây dựng nhà truyền thống ảo một cách đồng bộ giữa EVN và các đơn vị trực thuộc, 3DART cũng giới thiệu về phần mềm quản lý hiện vật với mục đích cung cấp một giải pháp tốt nhất, phục vụ hiệu quả trong quá trình quản lý hồ sơ hiện vật cho Nhà truyền thống EVN.

Phần mềm có thể quản lý đầy đủ thông tin về hiện vật bao gồm: nguồn gốc xuất xứ, địa điểm sưu tầm, thời gian sưu tầm, hoàn cảnh lịch sử của hiện vật, tình trạng bảo quản… Tất cả thông tin dữ hiệu của hiện vật hoàn toàn có thể truy xuất tại chỗ hoặc từ xa một cách thuận tiện. Với phần mềm quản lý hiện vật, công tác quản lý và tra cứu thông tin hiện vật của đội ngũ  bảo tồn sẽ được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.

Đặc biệt, sau khi số hóa xong, người xem chỉ cần truy cập vào trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại di động là có thể tiếp cận được với gần như toàn bộ các hiện vật được trưng bày tại Nhà truyền thống cố định.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Truyền thông các tổng công ty trực thuộc EVN cũng đã báo cáo về thực trạng Nhà truyền thống của Tổng công ty và lộ trình số hóa hiện vật, Nhà truyền thống của từng đơn vị.

Tại một số đơn vị chưa có đủ điều kiện xây dựng nhà truyền thống do hạn chế về diện tích, mặt bằng thì việc số hóa hiện vật và xây dựng nhà truyền thống "ảo" là một giải pháp hữu ích, giúp các đơn vị giữ gìn, bảo quản được văn hóa, lịch sử của mình, đồng thời tăng thêm sự hấp dẫn với người tham quan.


  • 12/07/2021 03:53
  • Thanh Huyền
  • 1205