Đêm “kẹt” trên tuyến
Cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 60 km về phía Tây Nam, qua phố thị ồn ào náo nhiệt, con đường dẫn chúng tôi đến Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt cắt ngang qua những ngôi làng nhỏ của đồng bào người Thái và người Mường. Tờ mờ sáng đã xuất phát, nhưng phải mất một giờ ngồi ô tô và hơn hai giờ nữa xuôi thuyền theo lòng hồ thủy điện, chúng tôi mới tới được Đội Truyền tải điện Mục Sơn. Ở nơi hoang vu, bốn mặt là một màu xanh bát ngát của núi rừng và hồ nước mênh mông, “đại bản doanh” của họ như một hoang đảo, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Anh Lê Việt Anh - Phó Đội trưởng chia sẻ: “Hầu hết anh em trong Đội đều “có nghề” bởi trước đó đã tham gia quản lý vận hành đường dây 500 kV mạch 1 đoạn Nho quan – Hà Tĩnh 1. Năm 2013, đường dây 220 kV mạch kép Hủa Na – rẽ Thanh Hóa – Bỉm Sơn đưa vào vận hành và Đội Truyền tải điện Mục Sơn được giao nhiệm vụ quản lý tuyến đường dây này”.
Để đến được tuyến phải vượt qua lòng hồ Thủy điện Cửa Đạt, nên “nếu gặp thời tiết xấu, anh em luôn xác định sẽ bị mắc kẹt trên tuyến mấy đêm liền” – Anh Trịnh Khắc Sơn - một công nhân chia sẻ. Vì vậy, trước giờ lên thuyền ngoài ăn sáng cho thật no, thì anh em trong đội ai cũng “đùm” theo nắm xôi, mỳ gói đề phòng thời tiết xấu, phà không sang đón được, còn có cái để “cầm hơi”.
Kỷ niệm ăn ngủ trên tuyến của các anh nhiều lắm. Từ việc phải đối mặt với vắt, thú rừng, muỗi đốt, đến điều kiện ăn ngủ thiếu thốn, phải chia nhau từng gói mỳ, nắm xôi hay chặt nứa làm nồi nấu nước... Trong “hoàn cảnh” ấy, hai biệt danh “Tuấn Tài” và “Trung 1080” ra đời. Với tiếng cười giòn tan, Đội phó Việt Anh giải thích: “Nếu chẳng may mắc kẹt trên tuyến, Tuấn Tài (anh Lê Anh Tuấn) sẽ nấu cơm, vót đũa từ tre, nứa rất “cừ”, nên cả đội sẽ không lo đói. Còn Trung 1080 (anh Trần Duy Trung) như một “tổng đài biết tuốt” giữa rừng già, cứ hỏi anh chỗ nào ít vắt, ít rắn có thể ngủ được qua đêm hay chỗ nào nhiều rau tầm bốp, lạc tiên để gia tăng thêm khẩu vị cho bữa ăn là anh chỉ được liền.
Những bữa ăn trưa trên tuyến là câu chuyện thường nhật của lính Truyền tải điện Mục Sơn
|
Vắt, rắn, ong...
Thuyền vừa cập bờ, chúng tôi nghe Đội phó Lê Việt Anh cho biết: “Hôm nay chúng ta lên cột số 42”. Vị trí cột số 42 của đường dây 220 kV Hủa Na – rẽ Thanh Hóa – Bỉm Sơn theo các anh giới thiệu là cột “nhẹ nhàng nhất” trong số các cột Đội Truyền tải điện Mục Sơn quản lý bởi thời gian đi bộ lên chân cột không xa, cung đường hiểm trở vừa phải và ít vắt, ít rắn hơn. Để đảm bảo an toàn cho đoàn, các anh vừa đi vừa cầm dao phát quang bụi rậm. Thỉnh thoảng, một con rắn lục vô tình bị phát trúng, đứt đầu rơi xuống ngay trước mặt, anh Trịnh Khắc Sơn lại quay sang trấn an chúng tôi: “Vào rừng là phải đối mặt với hiểm nguy bất thình lình, nhưng đi nhiều sẽ quen và phản xạ nhanh!”.
Quả thật là vậy, có một điểm chung của những người lính truyền tải mà chúng tôi được tiếp xúc là họ đi rừng rất giỏi. Giữa điệp trùng núi, vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét, những con đường mòn len lỏi giữa ngút ngàn rừng già luôn có dấu chân của họ. Dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, những người lính truyền tải vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, bảo vệ từng vị trí cột điện và đảm bảo cho đường dây truyền tải điện vận hành an toàn, thông suốt.
Nói về mối hiểm nguy của rừng già thì nhiều, nhưng nguy hiểm nhất có lẽ là ong. Anh Trịnh Khắc Hiếu, chuyên gia bắt ong của Đội nói vui: “Ong ở đây được chia làm 5 loại, con vừa đen vừa to là ong đất cũng chỉ được xếp hạng “ong 3 sao”, còn “ong 5 sao” chính là ong vò vẽ. Loại ong này thường làm tổ trên các cột điện nên khi leo mà lỡ đụng trúng tổ ong vò vẽ thì....” – Bỏ lửng câu nói, anh Hiếu chỉ nhăn mặt biểu cảm.
Sợ chúng tôi chưa hiểu, anh minh họa thêm bằng câu chuyện gắn liền với biệt danh của đội phó Lê Việt Anh: “Năm ngoái, tôi cùng anh Chương và anh Việt Anh nhận nhiệm vụ lên vị trí cột số 31 để vệ sinh sứ. Cột số 31 được anh em gọi là “cột tử thần”, vì từ bờ phải đi bộ khoảng 45 phút không nghỉ mới tới được chân cột. Cột này nổi tiếng là nhiều vắt, chỉ ngừng đi là vắt bám ngay. Đi tay không đã mệt, những hôm vừa vác bát sứ vừa đi, cảm giác chỉ muốn đứt hơi. Lúc leo đến đỉnh cột, có một tổ ong vò vẽ lẩn trong thanh xà bắt ngang. Tôi nhỏ người nên chui qua không chạm vào, còn cao to như anh Việt Anh thì không may mắn như vậy. Ong vỡ tổ lao ra tấn công bất ngờ, anh Việt Anh chới với, rơi mất mũ bảo hộ và bị tụt xuống chừng hai mét. May thay, anh kịp thắt dây bảo hộ vào thanh cột gần nhất. Thế nhưng lũ ong vẫn điên cuồng bám riết “con mồi”. Không còn mũ, anh phải kéo áo trùm đầu và khép tay che kín mặt, “án binh bất động” cho tới khi chúng tôi mặc áo mưa, trùm kín tay chân vội leo qua đưa anh xuống dưới”. Kết quả hôm ấy, anh Việt Anh phải nhập viện cấp cứu với 21 vết ong chích khắp đầu, mặt, 2 tay và cái tên “Việt Anh 21 nhát” cũng từ đó gắn liền với người đội phó này.
Trong Đội truyền tải điện Mục Sơn còn nhiều cái tên hay và rất đời như “anh Chương sau lũy tre làng” – người anh biết quan tâm nhất đến đời sống, tâm tư tình cảm của anh em, hay “Sơn Bờm” – người can trường, lì lợm, chịu đau giỏi nhất khi bị vắt cắn... Mỗi cái tên đều gắn liền với một câu chuyện nghề, chuyện đời của các anh. Khi tôi cùng các anh xuống thuyền sau một ngày đi tuyến vất vả, trong đội ai cũng thu được “chiến lợi phẩm” là hai vết vắt cắn, nhưng miệng vẫn cười tươi: “Hôm nay thời tiết đẹp, công việc thuận lợi, và chúng ta đã về đây rồi!”...
Đội Truyền tải điện Mục Sơn (thuộc Truyền tải điện Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện 1):
- Gồm 24 công nhân, chia làm 2 tổ;
- Năm 1994 – 2013: Quản lý vận hành đường dây 500 kV mạch 1 đoạn Nho Quan – Hà Tĩnh 1, từ vị trí cột số 76 đến vị trí cột số 167.
- Năm 2013 – nay: Quản lý vận hành 52 km đường dây 220 kV mạch kép Hủa Na – rẽ Thanh Hóa – Bỉm Sơn, từ vị trí cột số 01 đến vị trí cột số 134.
- Đi qua địa bàn huyện Thường Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
|