Trung Quốc: Phục chế tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay 800 năm tuổi

Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay có niên đại hơn 800 năm tuổi ở Đại Túc, Trùng Khánh, Trung Quốc đã vừa được phục chế trở về vẻ đẹp nguyên bản sau nhiều năm xuống cấp.

Bức tượng đã ngay lập tức được đưa trở lại ngôi chùa tọa lạc trên núi Bảo Đỉnh để khách thập phương có thể sớm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tác phẩm điêu khắc Phật giáo đầy ấn tượng này. Để phục chế lại vẻ đẹp nguyên bản của pho tượng cổ, các chuyên gia đã phải mất tới 8 năm thực hiện.

Trong tuần qua, các chuyên gia văn hóa của Trung Quốc đã tập trung về Đại Túc, Trùng Khánh để được chiêm bái bức tượng Phật trong buổi lễ đưa tượng lên núi. Bức tượng này là một bảo vật của Trung Quốc và đã được UNESCO xếp hạng. Hiện tại, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay đang tọa lạc trong một ngôi chùa nằm trên núi Bảo Đỉnh.

Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay 800 năm tuổi (nguồn: internet)

Bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay này đã được thực hiện từ thời nhà Tống (1127-1279). Bức tượng đã được xếp hạng Di tích Quốc gia Loại 1 của Trung Quốc. Tượng có 1.007 cánh tay và trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt. Lớp sơn phủ ngoài bức tượng màu vàng sáng đã bị mất dần sau nhiều thế kỷ, những vết rạn nứt cũng bắt đầu xuất hiện và một ngón tay của tượng đã từng bị rời ra vào năm 2007.

Sự xuống cấp đến mức báo động của bức tượng quý đã khiến một kế hoạch phục chế được khẩn trương thực hiện bắt đầu từ năm 2008 và được đầu tư kinh phí lên tới hàng chục triệu tệ (tương đương hàng chục tỉ đồng). Quá trình phục chế kéo dài 8 năm giờ đã hoàn tất, hiện bức tượng đang được chuẩn bị cho ngày ra mắt khách thập phương vào 13/6 này.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nắng nóng và độ ẩm trong mùa hè ở Trùng Khánh đã khiến bề mặt của bức tượng bị ẩm. Chính quá trình độ ẩm tích tụ ở bề mặt tượng rồi lại bị bốc hơi vì nắng nóng diễn ra trong suốt nhiều năm đã khiến bức tượng bị xuống cấp, khiến lớp sơn bên ngoài bị bong tróc và dần xuất hiện các vết nứt.

Trước đây, bức tượng có niên đại 840 năm tuổi này đã từng trải qua 4 đợt phục chế được tiến hành vào các năm 1570, 1748, 1780 và 1889. Cả 4 cuộc phục chế trước đây đều không ghi lại chi tiết quá trình thực hiện, vì vậy đội phục chế đã không có được những tư liệu tham khảo cần thiết.

Hiện tại, nhiều người bày tỏ mối quan tâm rằng liệu kết quả từ cuộc phục chế lần này sẽ được bảo toàn trong bao lâu, nhưng ngay đối với đội phục chế, đây cũng là một câu hỏi khó trả lời chính xác.

Dù đây được coi là cuộc phục chế kỳ công và toàn diện nhất đối với bức tượng, nhưng những điều kiện về thời tiết, khí hậu, điều kiện về trưng bày, bảo quản cũng tác động rất nhiều tới độ bền đẹp của tượng. Việc ngày ngày các khách thập phương thắp hương cũng là một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng tới độ bền của lớp sơn bao phủ tượng.

Đối với vấn đề nhiệt độ và ẩm độ, đội ngũ phục chế sẽ lắp đặt hệ thống quạt gió thông hơi để giúp cải thiện điều kiện bảo quản tượng, đặc biệt về mùa hè. Đối với vấn đề khói hương từ khách thập phương hành lễ, các nhà nghiên cứu đang tính toán đến việc sử dụng thiết kế khí động học, để tạo thành một tấm màn vô hình trước bức tượng, để khách thập phương vẫn có thể chiêm bái tượng, vẫn có thể thắp hương, nhưng khói hương sẽ không bay được tới bức tượng.


  • 21/05/2015 02:00
  • Nguồn tin và ảnh: cinet.gov.vn
  • 3574


Gửi nhận xét