Lợi thế ngôi trường trực thuộc EVNSPC
Là một ngôi trường thuộc doanh nghiệp, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) trong công tác đầu tư trang thiết bị hiện đại, sát với thực tế.
Cụ thể, EVNSPC đã đầu tư gần 4 tỷ đồng cho các thiết bị trạm biến áp 110kV phục vụ công tác đào tạo. Một số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đã tài trợ nhà trường các vật tư phục vụ Đề án Đào tạo giáo viên lắp đặt điện mặt trời (gọi tắt là Đề án GIZ_EVN) tổng trị giá hơn 200 triệu đồng; Công ty Vinashino tài trợ vật tư, thiết bị lưới điện trung thế phục vụ giảng dạy trị giá 45 triệu đồng; Tập đoàn 3M tài trợ đầu tư phòng học chuyên đề (và sửa chữa 01 công trình liên quan) trị giá hơn 400 triệu đồng…
Đào tạo sửa chữa điện nóng 22kV
|
Các chương trình đào tạo của nhà trường luôn bám sát thực tiễn sản xuất kinh doanh của ngành Điện; thời lượng thực hành chiếm tỷ lệ từ 60 -70%, lý thuyết chiếm từ 30-40%. Học sinh sinh viên được thực tập trên các trang thiết bị hiện đại như các trang thiết bị đang lắp đặt, vận hành trên lưới điện thực tế. Các xưởng thực hành trong nhà, ngoài trời, mô hình trạm biến áp,.. đều được thiết lập, bố trí như thực tế. Các xe hotline tại các Công ty Điện lực trực thuộc đã được điều động hỗ trợ nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo 02 lớp sửa chữa hotline 22kV năm 2022.
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị để phục vụ giảng dạy, EVNSPC còn tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường tham gia nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu giúp nâng cao năng lực chuyên môn; xây dựng các cơ chế, chính sách để nhà trường tham gia nhiều hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Tổng công ty…
Những điểm mới trong năm học 2021-2022
Ông Lê Trí Thiện, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022 số lượng học sinh sinh viên chính quy tuyển mới của nhà trường là 342 sinh viên (cao hơn so với năm 2021). Nhà trường đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiêp cấp phép đào tạo thêm 01 ngành mới là ngành Vận hành Nhà máy nhiệt điện bậc cao đẳng. Hiện tại, nhà trường đang tổ chức đào tạo 01 lớp Vận hành nhà máy nhiệt điện cho Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2. Đây là nền tảng mở ra một hướng đi chuyên sâu hơn trong hoạt động đào tạo theo hướng ngày càng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.
Đào tạo thực hành lắp đặt điện mặt trời
|
Hoạt động đào tạo ngắn hạn được nhà trường tổ chức ngày càng mang tính chuyên nghiệp, được sự đánh giá hài lòng từ khách hàng. Trường Cao đẳng ĐL TPHCM đã nhận được sự hợp tác của các khách hàng lớn ngoài EVNSPC như EVN GENCO2, EVN GENCO3, EVN HCM; các khách hàng ngoài ngành Điện trong đó có nhiều đơn vị lớn như Công ty liên doanh TNHH KCN VIỆT NAM – SINGAPORE, Công ty Intel, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), Tổng Cty Đầu tư & phát triển công nghiệp – CTCP, Công ty CP điện KCN Vĩnh Lộc, Nhà máy First Solar Việt Nam, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken, Công ty Bosch Việt Nam, Nhà máy nước Tân Hiệp, Công ty EB (Cần Thơ),…
Nhà trường đang liên kết đào tạo trình độ đại học với trường Đại học Điện lực; hiện có 05 lớp đại học liên kết năm với số lượng 250 sinh viên.
Bên cạnh đó, năm 2022, nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động tăng cường công tác đào tạo trực tuyến cho các lớp đào tạo sinh viên chính quy dài hạn cũng như các lớp đào tạo ngắn hạn; tổ chức chuyển đổi hình thức từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến nhiều lớp đào tạo; xây dựng các ngân hàng đề thi số phục vụ tổ chức học và sát hạch nghề trên máy tính…Về công tác xây dựng bài giảng E-Learning năm 2022, đã hoàn thành 15 bài giảng; xây dựng 03 bài giảng cấp trường, số lượt GVCBNV tham gia học các bài giảng EL đạt 100%.
Hiệu trưởng Lê Trí Thiện khẳng định, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, khuyến khích đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, khoa học công nghệ; tăng cường ứng dụng số trong công tác quản trị trường học; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đào tạo để phù hợp xu thế phát triển kỷ nguyên số.