Xây dựng Văn hóa 5S trong EVN

Tư duy và cách làm theo 5S sẽ giúp cho các doanh nghiệp (DN) của EVN xây dựng và duy trì được môi trường và điều kiện làm việc an toàn, sạch sẽ, ngăn nắp, thân thiện với con người, giảm các rủi ro mất an toàn lao động.

World Cup 2018 đã kết thúc. Song đối với nhiều người hâm mộ trên thế giới, nếu FIFA có thêm một giải về văn hoá ứng xử, về hành vi bảo vệ môi trường của các đội tuyển và người hâm mộ họ, chắc chắn chức vô địch sẽ thuộc về các “Samurai xanh” Nhật Bản. Thế giới khâm phục trước hình ảnh những cổ động viên Nhật Bản sau mỗi trận đấu của đội nhà đều cùng nhau tự nguyện nhặt rác, kể cả khi trái tim họ tan nát sau trận thua 2-3 trước đội tuyển Bỉ. Phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản cũng luôn được các cầu thủ làm vệ sinh sạch sẽ trước khi ra về, dù họ thắng hay thua.

Ảnh minh họa.

Giữ cho nơi làm việc, ăn ở, sinh hoạt luôn sạch sẽ, ngăn ngắp, gọn gàng đã trở thành thói quen, tính cách và văn hóa của người Nhật. Nét văn hóa này có nguồn gốc từ truyền thống giáo dục, đào tạo của nước Nhật, trong đó có phương pháp 5S được Tập đoàn TOYOTA phát triển và chuyển giao cho thế giới đã gần nửa thế kỷ.

Phương pháp và Quy trình quản trị 5S

5S trước hết là một phương pháp hay công nghệ thực hành quản trị chất lượng gồm 5 công việc chính hay 5 khâu – 5 bước, cần làm theo thứ tự và đồng bộ, được tóm tắt bằng 5 chữ S từ cách phát âm của người Nhật: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng. Mọi người trong đơn vị đều phải thực hiện 5S một cách tự giác và dần dần thành thói quen ở nơi làm việc.

Không chỉ dừng lại ở 5S, công nghệ và văn hóa quản trị chất lượng của Nhật Bản còn đi đến một khái niệm tổng quát hơn là sản xuất và quản trị tinh gọn (LEAN), bao gồm các phương pháp như Kaizen, Quản lý trực quan (Mieruka)… Trong đó, Kaizen là một triết lý và phương pháp quản trị thực hiện các cải tiến liên tục, từ nhỏ đến lớn, nhằm tạo ra chất lượng và hiệu quả công việc cao hơn. Mục tiêu chính của Kaizen là cải tiến không ngừng nhằm loại bỏ các lãng phí (hữu hình và vô hình) để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Với Kaizen, người Nhật luôn có một tâm thế thực hiện 5S ở mọi nơi, mọi lúc.

Xây dựng 5S trở thành nét văn hóa của EVN

Việc áp dụng và phát triển 5S vào EVN có thể mang lại những tác động tích cực và lợi ích lớn cho ngành Điện. Phương thức cải tiến không ngừng, đổi mới sáng tạo này phù hợp với các giá trị cốt lõi của Văn hóa EVN, nhất là cặp giá trị “Sáng tạo – Hiệu quả”. Muốn  thực hiện tốt 5S và để 5S trở thành văn hóa nơi làm việc, EVN cần thực hiện 4 bước sau:

Một là, phát động phong trào thực hiện 5S và Kaizen tại các đơn vị thuộc Tập đoàn EVN gắn liền với quản trị VHDN. Lãnh đạo Tập đoàn cần có cam kết và truyền thông mạnh mẽ về nhiệm vụ, nội dung công việc và có kế hoạch thực hiện theo các mục tiêu đã đề ra, kèm theo các giải pháp cụ thể.

Hai là, tăng cường đào tạo, hướng dẫn và thực hành 5S từ trên xuống dưới. Các cấp lãnh đạo, quản lý phải là các tấm gương thực hiện 5S và Kaizen cho CBCNV của đơn vị mình và tổ chức phong trào thi đua thực hiện tốt 5S giữa các đơn vị, DN khác; cần sớm phát hiện, tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện 5S từ các đơn vị cơ sở làm tốt nhất, có khả năng truyền cảm hứng cho các đơn khác vị trong Tập đoàn. Trong các chương trình đào tạo của EVN, cần có mục tiêu xây dựng và duy trì tâm thế, thói quen thực hành 5S và Kaizen trong công việc và sinh hoạt cộng đồng.

Ba là, thực hiện nghiêm các hình thức kỷ luật kết hợp với khen thưởng, tôn vinh một cách xứng đáng, công bằng, dân chủ trong quá trình thực hiện 5S, Kaizen… Các tổ chức như, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các đơn vị thành viên của EVN cần có những cải tiến, sáng tạo trong xây dựng và quản trị 5S sao cho 5S nhanh chóng đi vào cuộc sống của DN một các nhẹ nhàng, tự nhiên, rộng khắp thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, chia sẻ tâm tư về 5S trên mạng nội bộ và mạng xã hội… Nét văn hóa 5S, Kaizen của EVN sẽ là nguồn bổ sung cho công tác truyền thông và xây dựng thương hiệu của Tập đoàn nhiều câu chuyện hay và những cách làm rất hiệu quả trong quá trình thực thi 5S.

Bốn là, hàng năm hoặc hai năm một lần, EVN cần thực hiện tổng kết, đánh giá quá trình quản trị VHDN để bổ sung các giá trị cốt lõi vào VHDN.


  • 22/08/2018 02:35
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6297