Bổ sung cho phần trả lời này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Cá nhân tôi khẳng định đập đã an toàn vì 3 lý do. Thứ nhất, thiết kế an toàn (thiết kế đã được nhà tư vấn độc lập Nhật Bản Nippon and Gpower khẳng định); thứ hai, nền của đập là đá granít. Một trong 3 yếu tố gây ra vỡ đập thì 2 yếu tố này đã phủ định rồi. Yếu tố thứ ba là thi công (thi công chỉ gây vỡ đập khi không đảm bảo chất lượng bê tông). Yếu tố này được đảm bảo vì đập đã an toàn và tích nước an toàn theo cốt 175 vào tháng 11/2011.
Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn tuyệt đối an toàn
|
Sau 4 tháng tích nước có hiện tượng rò rỉ, đây không phải là sự cố (theo đúng qui định của Luật Xây dựng, sự cố phải là đổ vỡ công trình) mà đây chỉ là hiện tượng thấm nước. Vấn đề khắc phục hiện tượng thấm nước đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, cùng với Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt tập trung chỉ đạo chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang tích cực xử lý chống thấm; mời các chuyên gia chống thấm có kinh nghiệm của nước ngoài; cố gắng khắc phục trước mùa lũ và chỉ được tích nước khi đã xử lý xong hiện tượng thấm.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn giải: Thế giới hiện có khoảng 600 đập bê tông đầm lăn. Hiện tượng thấm ở loại đập này nhiều, nhưng đều khắc phục được và chưa có sự cố của đập bê tông đầm lăn do thấm nước gây ra. Ở Mỹ có 2 đập lớn bị thấm gấp 3 lần Thủy điện Sông Tranh 2. Khi xử lý, các đập này đều đã an toàn. Đây là những đập đã gây tranh cãi nhiều trong những thập kỷ 80.
Đánh giá về những phần trả lời của 2 Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Trịnh Đình Dũng đã khá rõ ràng. “Tôi thấy các đồng chí trả lời rõ ràng, rành mạch, tôi thấy yên tâm lắm. Tuy nhiên, các đồng chí cũng cần củng cố lại kết quả kiểm tra để dư luận yên tâm”.