Bố tôi tuổi Rồng, năm nay tròn 60. Ông là cựu chiến binh, một người lính đã từng đi qua chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Vì vậy, ông luôn mang trong mình tinh thần "anh bộ đội cụ Hồ" nên dù trải qua khó khăn gì bố vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, tích cực để lan tỏa tình yêu rừng xanh.
Tuổi trẻ của bố tôi gắn liền với tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sống và chiến đấu cùng đồng đội dưới sự chở che của núi rừng. Vì thế, tình yêu sâu đậm với rừng và đặc biệt là tán cây xanh cứ thường trực. Đó không chỉ là tình yêu, hoài niệm mà còn là lòng tri ân và tôn vinh cho mảnh đất đã chứng kiến những kỷ niệm khó quên của ông.
Gia đình tôi hiện đang ở thị trấn Thanh Bình, một góc nhỏ của vùng đất bình yên Bù Đốp (Bình Phước). Nơi đây không chỉ là nhà, là quê hương mà còn là nguồn cảm hứng đầy tự hào về miền bụi đỏ gió rừng bao la cao su, bát ngát hạt điều, hồ tiêu... nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ ngày thơ dại cho đến khi lớn khôn.
Trong tâm trí bố, cây xanh là một phần cảnh quan, nguồn tài nguyên quý giá có thể giúp gia đình tiết kiệm điện hiệu quả. Những tán cây lớn được trồng ở vị trí phù hợp có thể tạo ra bóng mát cho ngôi nhà vào mùa hè, giúp giảm nhiệt độ bên trong, giảm nhu cầu sử dụng máy lạnh hay quạt điện. Đồng thời, cây xanh còn hấp thụ và làm mát không khí, làm cho không gian sống trở nên thoải mái và dễ chịu hơn mà không cần phải tăng cường sử dụng các thiết bị tiêu tốn năng lượng.
Bài học ấy là lời dạy dỗ mang theo lòng thấu hiểu sâu sắc về mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên. Bố đã cho chúng tôi thấy rằng việc giữ gìn cây xanh không chỉ thiết thực mà còn là một phần quan trọng của lối sống tiết kiệm hợp lý và bền vững.
Xung quanh nhà, không gian xanh mát luôn được chú ý giữ gìn. Những hàng cây cành lá rợp bóng giữa cái nắng chói chang, đều nhờ bố tôi, người đã dành nhiều thời gian và công sức để trồng và chăm sóc. Từ cây hoa nhỏ nhắn tôi thích, cho đến những cây lớn cao vút, mỗi cây đều chứa đựng một mảnh kỷ niệm, mang theo câu chuyện riêng. Yêu thương và tâm huyết của ông đã dệt tạo không gian sống trong lành cho gia đình, nơi mà mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều là tinh thần biết ơn bình an đối với cuộc sống.
Năm nay, trong chuỗi ngày nắng nóng cao kỷ lục, thiếu điện thiếu nước khắp nơi, gia đình tôi còn đối diện thêm nỗi vất vả khi đang xây dựng lại nhà mới. Dưới áp lực của thời tiết khắc nghiệt, mọi việc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, không phòng riêng máy lạnh, bụi bặm công trình. Tuy nhiên, may mắn thay, những tán cây xanh xung quanh nhà đã trở thành điểm tựa nương náu, mang lại sự thoải mái, niềm an ủi giữa cái nắng chói chang.
Nhìn lại những ngày tháng trước đây, khi bố dành rất nhiều thời gian để chăm sóc, trồng cây, bây giờ tôi mới thấu hiểu được ý nghĩa sâu sắc của việc đó. Những tán cây trở thành một phần không thể thiếu của ngôi nhà. Ngày đầu hè oi ả, nhà đang xây, phải ở trong lán làm tạm dưới những tán lá, gia đình tôi vẫn thấy ổn. Không chỉ yêu cây xanh, bố luôn khuyến khích chúng tôi nhiều hành động nhỏ nhưng cho ý nghĩa lớn, như: tắt đèn khi không sử dụng, sử dụng thiết bị điện ít tiêu tốn năng lượng hơn để không lãng phí tài nguyên.
Giờ đây những lời dạy dỗ ấy trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Trong chuỗi ngày nắng gắt như thế này, tán cây xanh mát lại trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, giúp gia đình tôi vượt qua mọi khó khăn. Tôi luôn tự hào về bố - "anh bộ đội cụ Hồ" mang rừng xanh trở về nhà.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn. |
Link gốc