Australia đang nỗ lực trở thành một “siêu cường" năng lượng tái tạo toàn cầu
|
Australia đang khởi động một dự án trị giá 10 tỷ USD, làm dấy lên kỳ vọng có thể giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính bằng hydro xanh. Nằm cách Alice Springs ở miền Trung Australia khoảng 400km, dự án Green Springs giai đoạn một được dự kiến hoàn thành vào năm 2030, sẽ có các tấm pin mặt trời 10 gigawatt (GW), đủ để đáp ứng nhu cầu của hơn 3 triệu hộ gia đình.
Nếu dự án này được đưa vào sử dụng, các trang trại năng lượng mặt trời sẽ cung cấp năng lượng cho 2.150 mô-đun “máy điện phân”, mỗi mô-đun có công suất 5 megawatt (MW). Họ sẽ sử dụng nguồn năng lượng dồi dào này để phân tách các phân tử nước thành hydro và oxy. Theo James Leong, đồng sáng lập của Climate Impact Corporation, chủ dự án Green Springs cho biết khoảng 3.000 km2 đất bổ sung đang được thu hồi ở khu vực khô cằn để mở rộng dự án và các ngành công nghiệp hạ nguồn.
“Australia có nhiều khu vực địa hình bằng phẳng và chúng tôi có cơ sở hạ tầng vận chuyển tốt nhất”, ông James Long cho biết thêm và nhấn mạnh ưu điểm của năng lượng hydro là nó có thể được chuyển hóa thành các sản phẩm hạ nguồn cần thiết cho các ngành công nghiệp khác nhau.
Green Springs có kế hoạch sử dụng các thiết bị của châu Âu và Mỹ để hút ẩm từ không khí nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nước trong khu vực; đồng thời sử dụng các thiết bị của Trung Quốc để sản xuất năng lượng mặt trời và hydro. Phải mất chín tấn nước để sản xuất một tấn hydro.
Hiện Climate Impact đang đàm phán với một công ty lớn của Nhật Bản muốn mua khí mê-tan xanh để thay thế khí tự nhiên hóa lỏng cho các nhà máy điện của mình. Ông James Long nói: “Các công ty vận tải, điện và thép của Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm kiếm nhiên liệu và hóa chất có hàm lượng carbon thấp. Một số công ty muốn mua amoniac xanh, một số khác muốn mua metanol xanh hoặc mêtan xanh.”
Trước mắt, Climate Impact cũng đang đàm phán với các ngân hàng tại Nhật Bản, châu Âu và châu Á về các khoản vay nhằm trang trải 70% chi phí của dự án Green Springs. Doanh nghiệp này không phải là công ty khởi nghiệp duy nhất gọi vốn để thực hiện dự án sản xuất hydro xanh có quy mô lớn.
Vào tháng 3/2024, gã khổng lồ năng lượng toàn cầu BP đã đặt cược vào Trung tâm Năng lượng Tái tạo Australia, một trong những dự án hydro xanh tham vọng nhất thế giới, được lên kế hoạch từ năm 2014 trị giá 36 tỷ USD, trải rộng trên 6.500 km2 ở Tây Australia, nhằm mục đích xây dựng trang trại năng lượng mặt trời và gió để cung cấp năng lượng cho 14GW máy điện phân nhằm sản xuất 1,6 triệu tấn hydro mỗi năm.
Nhiều quốc gia đang nỗ lực nắm bắt những cơ hội hydro xanh mang lại để đẩy nhanh quá trình giảm phát thải khí các-bon
|
Kể từ năm 2019, khi chính phủ Australia công bố chiến lược biến quốc gia này thành một siêu cường năng lượng tái tạo, hơn 100 dự án sản xuất hydro và các dự án liên quan trị giá 127 tỷ USD đã được công bố. Trong số 80 dự án thuộc lĩnh vực hydro xanh, có 15 dự án đã được thông qua quyết định đầu tư để bắt đầu đưa vào thực hiện.
Vào tháng 2, chính phủ liên bang và Tây Australia đã đồng ý đầu tư 140 triệu đô la Australia (khoảng 93,4 triệu đô la Mỹ) vào một viện nghiên cứu và đào tạo cũng như nâng cấp cảng để xử lý các thiết bị năng lượng tái tạo lớn. Trong khi đó, gói ngân sách của chính phủ liên bang cho năm tài chính 2023-2024 đã cam kết đầu tư 2 tỷ AUD để biến nước này thành một nhà sản xuất hydro hàng đầu thế giới.
Theo Jen Carson, người đứng đầu ngành tại tổ chức phi lợi nhuận Climate Group, cho biết: “Việc cung cấp gói tài chính là yếu tố quan trọng để cho phép hydro xanh đạt được khả năng cạnh tranh về giá so với nhiên liệu hóa thạch”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, để trở thành siêu cường hydro xanh, Australia vẫn còn gặp nhiều rào cản vì những thách thức trong khâu hậu cần và những bất ổn trong chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu. Theo ông Grant Hauber, Cố vấn tài chính năng lượng chiến lược cho châu Á tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng, trong khi hầu hết các quốc gia đều có chính sách khuyến khích sản xuất hydro, các kế hoạch về cơ sở hạ tầng giao thông và thị trường cho sản phẩm cũng cần được phát triển.
Đồng quan điểm, Alex Lua, kỹ sư tư vấn rủi ro tài nguyên thiên nhiên khu vực châu Á tại WTW, nhận định do chuỗi cung ứng còn non nớt, nhiều công ty phải hỗ trợ các nhà cung cấp và khách hàng bán sản phẩm của họ. Chuyên gia này cho biết thêm: "Cần tính đến việc giảm thiểu những rủi ro vốn có của công nghệ mới bao gồm tính dễ cháy của hydro, nhiệt độ bảo quản cực thấp, và hiện tượng giòn kim loại do hấp thụ hydro".
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, hydro và các sản phẩm của nó, metanol và amoniac phải chiếm 12% mức sử dụng năng lượng vào năm 2050. Trong khi đó, Irena dự đoán, chi phí máy điện phân có thể giảm 80% xuống còn 130 USD/kWh vào năm 2050. Để đáp ứng nhu cầu hydro xanh toàn cầu, công suất máy điện phân cần phải tăng lên 350GW vào năm 2030 từ 0,5GW vào năm 2021.
Ông Lin Boqiang, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc của Đại học Hạ Môn đánh giá, hydro chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu trong tương lai, nhưng vẫn còn phải chờ xem khi nào nó sẽ được cung cấp trên diện rộng với giá thành rẻ. “Nhưng điều đó không có nghĩa là không cần phát triển hydro xanh. Việc thiết lập kế hoạch hiện tại và tăng cường hỗ trợ từ phía chính phủ vẫn rất quan trọng, bởi vì cần xây dựng chuỗi cung ứng để khi đến điểm bùng phát ứng dụng hydro, các quốc gia có thể phản ứng đủ nhanh”, ông Lin Boqiang nhấn mạnh.
Link gốc