Theo đó, tỉnh Bạc Liêu nghiêm cấm tuyệt đối tình trạng xây nhà, công trình, các hành vi làm ảnh hưởng đến đường điện cao áp; theo dõi, kiểm tra, thay thế, gia cố đường dây, vị trí cột có nguy cơ gây ra sự cố. Các đường dây vượt sông, vượt đường giao thông được kiểm tra và nâng cao độ võng đảm bảo tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn; cải tạo, nâng cấp hệ thống chống sét của lưới điện...
Trong sản xuất, kinh doanh người dân đấu nối, mắc điện sử dụng đúng kỹ thuật, an toàn, tiết kiệm, đặc biệt lưu ý đấu nối, kéo điện trong nuôi trồng thủy sản phải hết sức thận trọng, bởi tai nạn điện trong nuôi tôm công nghiệp luôn tìm ẩn nguy cơ cao.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến, những năm qua trên địa bàn liên tiếp xảy ra tai nạn chết người do điện, không chỉ thiệt hại về người, tài sản, làm gián đoạn việc vận hành lưới điện. Điều đó ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, mà nguyên nhân chính là do một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, vi phạm an toàn hành lang lưới điện…
Cụ thể, hàng năm trên địa bàn có người chết do tai nạn điện, và số vụ số người chết đang có chiều hướng tăng. Riêng trường họp vi phạm, trừ các trường hợp vi phạm hiện hữu từ trước, thì chỉ tính từ năm 2014 đến hết tháng 6/2017, ngành Điện đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản khoảng 30 trường hợp vi phạm, trong đó nhiều nhất là địa bàn thành phố Bạc Liêu và thị xã Giá Rai.
Theo các địa phương, thời gian qua công tác bảo vệ hành lang an toàn cho các công trình lưới điện nói chung và lưới điện cao áp nói riêng trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là ngành điện thiếu nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa đường dây để vận hành an toàn; một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, xem thường tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn có hơn 10.780 nhà dân xây dựng nằm trong hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp, trong đó có 2.800 trường hợp thuộc tình trạng nguy hiểm. Tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, thời gian qua đều có trường hợp xây dựng các công trình, nhà ở, trồng cây xây vi phạm hành lang an toàn bảo vệ các công trình lưới điện cao áp.
Qua kiểm tra, các trường hợp vi phạm đã được ngành điện chuyển đến ngành chức năng xử phạt hành chính theo thẩm quyền phân cấp.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp vi phạm đều chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, còn các công trình xây dựng thì hộ dân vẫn lén lút tiến hành, chỉ đến khi có tai nạn phóng điện gây thương tích hoặc chết người thì mới chịu dừng thi công.