Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Còn vướng mắc

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hết năm 2015  là kết thúc việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. Về vấn đề này, PV TCĐL  đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Chuyển – Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Lê Văn Chuyển – Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phóng viên (PV):Thưa ông, cơ sở pháp lý nào cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trong cả nước? 
 
Ông Lê Văn Chuyển: Trước tiên phải khẳng định chủ trương bàn giao lưới điện phân phối, đặc biệt là LĐHANT cho ngành Điện quản lý là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước giúp người dân sử dụng điện an toàn, ổn định, được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ và không phải chịu thêm chi phí qua các cấp trung gian.
 
Cụ thể, ngay từ năm 1998, theo đề nghị của UBND một số tỉnh, thành phố, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa X (năm 1998) đã có Nghị quyết “Ban hành Quy chế ngành Điện lực trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn”.
 
Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ và các bộ ngành đã có các văn bản hướng dẫn, EVN tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn từ năm 2000 đến nay, bao gồm: Tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn; lưới điện của các nông lâm trường; lưới điện thuộc lĩnh vực Thủy nông quốc doanh; lưới điện của các đơn vị quân đội ;… Khối lượng tài sản lưới điện rất lớn: Gần 35.000 km đường dây trung áp 6-35 kV, khoảng 100.000 km đường dây hạ áp 0,4 kV, trên 47.000 TBA phân phối; tiếp nhận dần dần lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) theo nhu cầu và tự nguyện giữa các bên liên quan;… Theo đó, EVN đã hoàn trả vốn (cho các HTX, huy động của dân, vốn vay ngân hàng) lưới điện trung áp nông thôn trước ngày 28/02/1999 với số tiền gần 800 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Đến năm 2015, EVN bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện”. Cùng với đó ngày 04/12/2013, Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư Liên tịch số 32/TTLT/BCT-BTC   hướng dẫn việc giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản LĐHANT để các bên tổ chức thực hiện.
 
PV: Vậy kết quả công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn được EVN thực hiện như thế nào thưa ông?
 
Ông Lê Văn Chuyển: Căn cứ văn bản chỉ đạo 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVN có Nghị quyết số 397/NQ-HĐTV ngày 05/6/2013 phê duyệt kế hoạch và chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn giai đoạn 2013-2015 của các Tổng công ty Điện lực. Tính đến hết tháng 6/2015 các Tổng công ty Điện lực đã tiếp nhận LĐHANT tại 1.151 xã (đạt tỷ lệ 61,8% kế hoạch 2013-2015) và bán điện trực tiếp đến 1,3 triệu hộ nông thôn (đạt 37,4% kế hoạch 2013-2015). 
 
Như vậy, đến hết tháng 6/2015, các tổng công ty Điện lực/công ty Điện lực đã tiếp nhận quản lý lưới điện tại 7.881 xã (đạt tỷ lệ 87,4% số xã có điện) và bán điện trực tiếp trên 15,3 triệu hộ dân nông thôn (đạt 84,7% số hộ có điện). Hiện vẫn còn gần 900 xã do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn địa phương quản lý bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn, trong đó có gần 600 xã thuộc Dự án Năng lượng nông thôn 2 (REII),  tập trung tại 21 tỉnh, thành phố, như: TP.Hà Nội (83 xã), Hải Phòng (67 xã), Thái Nguyên (31 xã),  Bắc Giang (42 xã), Vĩnh Phúc (63 xã), Hải Dương (44 xã), Quảng Ngãi (66 xã), Bình Định (40 xã), Trà Vinh (77 xã).
 
PV: Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu làm chậm quá trình bàn giao LĐHANT cho ngành Điện và EVN có những kiến nghị gì khi thời hạn bàn giao theo chỉ đạo của Chính phủ sắp kết thúc?
 
Ông Lê Văn Chuyển: Hiện nay, ngoài việc một số tổ chức quản lý điện nông thôn ở các địa phương chưa muốn bàn giao, còn có nguyên nhân về những bất cập trong giá bán buôn điện tại khu vực nông thôn. Theo đó, cơ cấu giá mua và bán điện của các tổ chức điện nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ vẫn tăng ổn định khoảng 5%, nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối thì mức chênh lệch này ngày càng lớn, dẫn đến lợi nhuận của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn ngày càng tăng. Vì vậy, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không muốn bàn giao cho ngành Điện. EVN sẽ tiếp tục có kiến nghị Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) xây dựng khung giá bán điện cho các tổ chức kinh doanh điện nông thôn, đảm bảo chênh lệch giữa giá mua buôn và bán lẻ ở mức hợp lý trên cơ sở điều chỉnh giá điện.
 
Để tránh việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn kéo dài vô thời hạn và tập trung cải tạo lưới điện nông thôn sau tiếp nhận, ngày 10/6/2015, EVN đã có Công văn số 2224/EVN-KD ấn  định thời hạn tiếp nhận tài sản LĐHANT để EVN bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn gửi 21 tỉnh, thành phố đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức quản lý điện nông thôn của tỉnh có kế hoạch bàn giao LĐHANT trong năm 2015 (nếu có nhu cầu). Kể từ năm 2016 trở đi nếu các bên có nhu cầu bàn giao thì tự thỏa thuận giữa các tổ chức quản lý điện nông thôn với các đơn vị điện lực theo quy định của pháp luật.
 
Nhiều tỉnh có văn bản gửi về EVN xác định sẽ phấn đấu bàn giao cho EVN trước ngày 31/12/2015, tạo thuận lợi cho ngành Điện tập trung cải tạo LĐHANT mới tiếp nhận, chuẩn bị mọi điều kiện bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn. 
 
PV: Để hoàn thành tiếp nhận LĐHANT, EVN đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông? 
 
Ông Lê Văn Chuyển: Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các tổng công ty Điện lực chỉ đạo các công ty Điện lực trực thuộc căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của EVN đã gửi UBND các tỉnh, thành phố, chuẩn bị nội dung, đăng ký làm việc với UBND tỉnh, thành phố báo cáo rõ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch tiếp nhận LĐHANT và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn giai đoạn 2013-2015 của Tổng công ty Điện lực. Đối với các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đủ năng lực, đề nghị UBND tỉnh, Sở Công Thương khẩn trương chỉ đạo để các tổ chức này bàn giao LĐHANT cho các Công ty Điện lực hoàn thành trước ngày 31/12/2015.
 
Hàng tháng, Giám đốc các công ty Điện lực có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh và Tổng công ty Điện lực về những khó khăn, vướng mắc, chưa thống nhất giữa các bên và kịp thời đề xuất giải pháp. Với những xã đã tiếp nhận xong, các công ty Điện lực cùng khách hàng thực hiện tốt việc chốt chỉ số công tơ, xác định rõ trách nhiệm thanh toán tiền điện giữa khách hàng với các tổ chức bán điện cũ, không để xảy ra tình trạng tranh chấp về tài chính, công nợ... Đồng thời, các công ty Điện lực thực hiện ngay việc ký hợp đồng mới về mua bán điện cho khách hàng, đảm bảo cơ sở pháp lý về mua bán điện năng; khẩn trương xây dựng  phương án thay công tơ, cải tạo sửa chữa LĐHANT mới tiếp nhận, đảm bảo an toàn và giảm tổn thất điện năng. 
 
PV: Xin cảm ơn ông!         


  • 10/11/2015 09:29
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10729


Gửi nhận xét