Ứng phó với mưa bão và thời tiết bất thường năm 2015: Giải pháp nào cho lưới điện truyền tải?

Trong điều kiện mưa bão và thời tiết bất thường năm 2015, Giải pháp nào để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải trong mùa mưa bão? Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia và lãnh đạo đơn vị ngành Điện.

Bà Đặng Thanh Mai – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương:  “Thường xuyên theo dõi và cập nhật diễn biến của thời tiết để chuẩn bị kế hoạch ứng phó”

Theo đánh giá của hầu hết các Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới, El Nino bắt đầu từ cuối năm 2014 và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 2/2016, đạt cường độ mạnh kỷ lục tương đương với El Nino năm 1997/1998. Trong năm El Nino mạnh kỷ lục, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam thường ít hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng có thể xuất hiện những cơn bão mạnh và hoạt động trái quy luật. Dự báo từ tháng 9 đến tháng 12/2015, có khả năng xảy ra khoảng 6 – 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 2 – 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bên cạnh đó, các hiện tượng như lũ quét, sạt lở đất, gió giật, giông lốc, sét cũng thường xuyên xảy ra trong năm El Nino, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống lưới điện truyền tải.
 
Để kịp thời ứng phó với mùa mưa bão và diễn biến bất thường của thời tiết, trong thời gian tới, trước hết các đơn vị quản lý lưới điện truyền tải phải thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin cảnh báo, dự báo, đặc biệt là các bản tin bão khẩn cấp, cường độ và phạm vi ảnh hưởng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai phù hợp với từng khu vực, bộ phận; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và thiết bị ứng phó với mưa bão, kịp thời khắc phục nếu xảy ra sự cố; truyền tải thông tin kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. 
 

Ông Nguyễn Hà Đông – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2: “Khai thác hiệu quả  cột KEMA xử lý sự cố nhanh trong mùa mưa bão”

Hiện nay, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đang quản lý vận hành hơn 2.000  km đường dây 220 - 500 kV; 12 TBA 220 - 500 kV với tổng dung lượng 3.803 MVA. Các tuyến đường dây không chỉ đi qua nhiều khu vực rừng núi, mà còn chạy dọc theo các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ, ấp thấp nhiệt đới. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải của PTC2.
 
Vì vậy, PTC2 đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống lụt bão với những phương án ứng phó cụ thể. Năm 2015, PTC2 đã hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống lưới điện cũng như công tác diễn tập PCLB. Với phương châm chủ động phòng ngừa, PTC2 đã thành lập Ban chỉ đạo PCLB các cấp, chỉ đạo cho các đơn vị lập phương án PCLB phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, đồng thời kiểm tra, tổ chức diễn tập xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, Công ty Truyền tải điện 2 đã lập các phương án sử dụng hiệu quả cột KEMA (bộ cột xử lý sự cố nhanh để hạn chế tối đa việc gián đoạn cung cấp điện). Trong trường hợp xử lý sự cố, sẽ thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ). Bên cạnh đó, PTC2 còn phối hợp với các đơn vị trong, ngoài ngành Điện nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của Ban PCLB các địa phương nhanh chóng khắc phục sự cố xảy ra do bão lũ, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục.
 

Ông Đinh Văn Cường – Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai, Công ty Truyền tải điện 3:  “Tăng cường kiểm tra, khắc phục sự cố tại các điểm tiếp địa”

Sau hơn 20 năm vận hành, nhiều tuyến đường dây nằm trên địa bàn do Truyền tải điện Gia Lai quản lý đã bị võng, tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra sự cố làm gián đoạn quá trình truyền tải điện, đặc biệt vào mùa mưa. Bên cạnh đó, do vận hành trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của khu vực Tây Nguyên, một số điểm tiếp địa bị gỉ sét không đạt tiêu chuẩn vận hành, có khả năng bị ảnh hưởng bởi giông sét rất lớn. Để giải quyết vấn đề này trước mỗi mùa mưa, Truyền tải điện Gia Lai đã tăng cường kiểm tra, cải tạo, bổ sung cũng như khắc phục các điểm tiếp xúc nối đất để đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải được vận hành an toàn, hạn chế tối đa các thiệt hại do giông sét gây ra. 
 
Bên cạnh đó, Truyền tải điện Gia Lai còn quản lý vận hành TBA 500 kV Pleiku. Với chức năng truyền tải công suất lớn từ các nhà máy thủy điện trên dòng sông Sê San lên hệ thống điện quốc gia 500 kV và là cầu nối giữa hai miền Nam – Bắc, Truyền tải điện Gia Lai đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng chống sự cố, đồng thời có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị để đáp ứng được các yêu cầu cung cấp điện an toàn cho hệ thống truyền tải điện quốc gia. 


  • 05/11/2015 09:58
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3940


Gửi nhận xét