Băng cháy - nguồn năng lượng lý tưởng trong tương lai

Trong khi nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu khí ngày càng cạn kiệt, nhưng nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng trở nên cấp bách hơn. Vì vậy, với trữ lượng lớn gấp 3 lần trữ lượng năng lượng hóa thạch đã biết, nên băng cháy (gas hydrate, methane hydrate, clathrate hydrate...) hiện được xem là nguồn năng lượng tương lai của nhân loại.

Băng cháy sẽ là nguồn năng lượng lý tưởng trong tương lai. Ảnh minh họa

Theo TS. Vũ Trường Sơn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khí hydrate thường tồn tại ổn định trong điều kiện thềm biển sâu và các vùng băng vĩnh cửu. Ở độ sâu 500m, áp suất khoảng 50atm, nhiệt độ 4-5 độ C là điều kiện lý tưởng hình thành khí hydrate. Do đó, các khu vực tích tụ băng cháy (GH) thường ở độ sâu dưới nước biển từ 500-3.000m. GH được hình thành và tồn tại trong trầm tích gần đáy biển, đáy sườn lục địa và các đảo ngầm đại dương.

Trong tự nhiên, 1m3 GH có tỷ trọng 913kg, khi bị phá hủy sẽ giải phóng 164m3 khí methane và 0,87m3 nước. Đây là nguồn năng lượng khí lớn nhất trên thế giới nếu được khai thác hợp lý. Đặc biệt, khí từ GH là sản phẩm thân thiện với môi trường và là giải pháp hiệu quả cho vấn đề an ninh năng lượng. Do đó, GH đang được hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có biển đầu tư nghiên cứu, trong đó dẫn đầu là Canada, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan...

Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo và Tổng hội Địa chất Việt Nam, vùng biển Việt Nam có triển vọng rất lớn về GH. Kể từ năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo khoa học về GH. Ngày 24/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1270 về việc bổ sung “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng GH ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” vào nhiệm vụ của “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.”

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban xây dựng dự án để tiến hành xây dựng Thuyết minh “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” và đã hoàn thành vào năm 2009, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình nghiên cứu, điều tra GH ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 3/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 796 phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.”

Ngay sau khi có Quyết định 796, các đơn vị được giao đã triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Cụ thể như thu thập, phân tích tổng hợp các tài liệu về GH để xác lập các dấu hiệu, tiền đề về tiềm năng GH ở các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam; nghiên cứu, điều tra đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng GH; khoan biển sâu, thu thập mẫu khí hydrate; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, điều tra khí hydrate...

Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo chủ trì thực hiện 2 dự án, trong đó có dự án “Nghiên cứu, điều tra đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam.”

Nhận thức rõ đây là dự án hoàn toàn mới mẻ, rất cần đội ngũ cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm về địa chất-khoáng sản, nên Tổng cục Biển và Hải đảo đã giao nhiệm vụ thực hiện dự án cho Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển tiến hành thành 2 giai đoạn. Kết quả của dự án sẽ khoanh định được các cấu trúc có tiềm năng GH, sẽ làm cơ sở cho dự án khoan và các dự án tìm kiếm, thăm dò chi tiết ở các bước tiếp theo trong những năm tới.


  • 07/12/2011 02:48
  • Theo TTXVN/Vietnam+
  • 27393


Gửi nhận xét