Theo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), địa bàn xảy ra các vụ vi phạm nhiều nhất tập trung ở miền Bắc và miền Nam. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa Ban quản lý dự án và các đơn vị truyền tải với chính quyền địa phương nhưng việc xử lý một số vi phạm vẫn chưa rốt ráo do còn nhiều bất cập trong chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tại địa bàn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, cũng đã xảy ra 15 lượt sự cố đường dây lưới điện 110 kV ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp điện tại một số quận, huyện. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết, hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân đã dẫn tới nhiều sự cố nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Trưởng Ban An toàn EVNNPT cho biết, trên thực tế, nhiều hộ dân và chủ công trình đã nhận tiền đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng theo quyết định của UBND tỉnh, huyện quy định nhưng vẫn chưa di dời hoặc chưa thực hiện các cam kết di dời.
Nhiều công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh, đường đi, sân phơi quần áo, lán trại tạm… vẫn được người dân xây dựng tại những điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Các huyện Bình Chánh và Củ Chi (TPHCM), Bình Dương, Vũng Tàu là những địa phương còn tồn tại nhà ở, công trình vi phạm trong hành lang an toàn.
Số liệu của Ban An toàn - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng cho thấy, số vụ sự cố và tai nạn điện ngoài dân trong 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, liên quan đến lưới điện 110 kV, đã xảy ra 12 sự cố, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Đối với lưới điện 22 kV xảy ra 37 sự cố, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2015 và gây ra 10 vụ tai nạn điện làm 3 người chết và 10 người bị thương.
Người dân làm nhà và sinh sống ngay dưới đường dây 220 kV, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế nghiêm trọng
|
Đủ hình thức vi phạm
Không chỉ vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp, những người vi phạm còn tìm mọi cách chống đối, thậm chí tấn công cả lực lượng chức năng. Sự việc lực lượng chức năng ở Bình Dương bị nhóm người dùng gạch đá tấn công khiến 4 cán bộ bị thương ngày 12/10 khi tiến hành cưỡng chế giải tỏa khu chợ tự phát dưới hai đường điện 500 kV là trường hợp điển hình.
Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên (Bình Dương), chợ tự phát nằm ngay dưới 2 đường điện cao thế 500 kV tại phường Tân Hiệp. Lực lượng chức năng đã nhiều lần yêu cầu chủ đất không được tổ chức họp chợ do gây nguy hiểm an toàn điện, nhất là vào mùa mưa, nhưng không được chấp hành. Khi UBND thị xã Tân Uyên tiếp tục giải tỏa khu chợ liền bị một số người dùng gạch, đá ném khiến 4 người là dân quân, dân phòng phường Tân Hiệp phải nhập viện.
Theo đại diện Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4), công ty hiện quản lý vận hành hơn 6.383 km đường dây, 45 trạm biến áp với tổng công suất 28.665 MVA, lưới điện truyền tải từ 220 KV đến 500 KV trên phạm vi 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Theo PTC4, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp dẫn đến nguy cơ sự cố lưới điện trên toàn hệ thống đang là vấn đề rất đáng lo ngại.
Cụ thể, các tuyến đường dây thuộc khu vực ĐBSCL đi qua nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cùng với mật độ lưu thông của các phương tiện tàu, bè, sà lan, xáng cạp dày đặc nhưng người điều khiển phương tiện thường chủ quan, không thực hiện theo bảng cảnh báo an toàn điện dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn, gây sự cố cho lưới điện quốc gia.
Trong khi đó, một số khu vực tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai thường xảy ra tình trạng một số người dân đốt ong trong vườn tràm, đốt nương rẫy hoa màu sau mỗi vụ thu hoạch, nhất là những rẫy mía trồng gần và trong hành lang lưới điện cao áp. Thêm vào đó, một số hộ dân trồng cây cao su, cây ăn trái do không chặt tỉa, các cành cây phát triển cao có nguy cơ ngã đổ vướng vào đường dây cao thế trong mùa mưa bão…
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang quản lý vận hành 7.419,62 km đường dây 500 kV, 15.763,44 km đường dây 220 kV, 126 trạm biến áp 500 kV và 220 kV.
Do đặc điểm tuyến đường dây đi qua nhiều khu vực đô thị, khu dân cư, rừng núi, sông ngòi... nên tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.
|