Thiệt hại lớn
Khoảng 6h sáng ngày 7/7, tại khu vực ấp 3, xã Xuân Phong, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) có lốc xoáy làm hư hại lưới hạ thế và trạm biến áp 37,5 kVA. Ông Phạm Thanh Trúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, ngay khi sự cố xảy ra, Điện lực Giồng Trôm đã huy động nhân lực khắc phục và đến khoảng gần 1 giờ chiều cùng ngày lưới điện mới được lập lại.
Trước đó, vào 1h30 phút ngày 27/6, tại khu vực thành phố Đà Lạt trời mưa to, gió lớn làm cây đổ vào đường dây hạ áp trên đường Hòa Văn Thụ, làm gãy và nghiêng nhiều trụ điện. Ông Nguyễn Xuân Hoàng-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, nhận được tin báo, Điện lực Đà Lạt lập tức triển khai lực lượng ngay trong đêm mưa gió tiến hành khắc phục sự cố và đến 10 giờ sáng lưới điện được tái lập và hoạt động cấp điện được trở lại bình thường.
EVN luôn chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, khắc phục sự cố lưới điện do thiên tai gây ra
|
Ông Dương Văn Vị - Trưởng Ban An, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, mưa giông, lốc xoáy đã gây ra 3 vụ sự cố trên lưới điện 110 kV và 36 vụ sự cố trên lưới điện 22 kV, làm gián đoạn cung cấp điện và gây thiệt hại nhiều cho lưới điện. Mức thiệt hại và chi phí khắc phục lưới điện ước tính trên 3,3 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Điển hình: Lúc 16h50 ngày 15/05, khu vực thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú (Bình Phước) xảy ra mưa lớn kèm gió và lốc xoáy cục bộ kéo dài trong 45 phút cuốn mái tole, cây xanh ngã đổ gây sự cố cho 6 tuyến đường dây 22kV. Chi phí khắc phục và củng cố lại lưới điện này là 470 triệu đồng.
Lúc 11h00 ngày 24/5, khu vực ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng huyện Châu Thành tỉnh An Giang xảy ra lốc xoáy làm gãy 2 trụ điện bê tông và hư hỏng 2 trạm biến áp 3x15 KVA, nhánh rẽ trạm bơm Mương Chín Sắc tuyến 481 An Châu với chí phí khắc phục 250 triệu đồng. Đặc biệt, lúc 12h35 ngày 19/6, địa bàn hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu có mưa lớn kèm lốc xoáy gây gãy đổ 12 trụ điện bê tông (từ vị trí 301 đến 312) đường dây 171 Cà Mau - Giá Rai với chi phí khắc phục khoảng 2 tỷ đổng.
Chủ động ứng phó
Theo ông Vị, các đơn vị trực thuộc EVNSPC đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, công tác phối hợp và tổ chức khắc phục với tinh thần chủ động, tích cực nên đã khắc phục nhanh sự cố, khôi phục hoạt động cung cấp điện tại những khu vực đã bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn nhất.
Ông Vị cũng cho biết, ngay từ đầu năm các đơn vị thành viên đã lập kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cụ thể, chi tiết, sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị theo phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai. Các đơn vị đã xây dựng phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, đảm bảo thông tin liên lạc trong mùa mưa bão; lập bảng tổng hợp danh mục vật tư, nhiên liệu, thiết bị dự phòng thiết yếu cho sản xuất trong mùa mưa bão và các vật tư, dụng cụ, phương tiện, thuốc, lương thực... phục vụ công tác PCTT&TKCN, sẵn sàng khôi phục cấp điện trở lại an toàn, nhanh nhất.
Song song đó, các đơn vị cũng đã thực hiện tổng kiểm tra lưới điện, xử lý, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện, đặc biệt là tại các vị trí xung yếu như các cột điện ở triền dốc, bờ sông... nhằm đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão. Từ 3/2016, EVNSPC đã cấp kinh phí để Công ty Lưới điện cao thế miền Nam củng cố vị trí xung yếu trên lưới điện 110kV với tổng dự toán trên 2,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức diễn tập theo tình huống thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho lưới điện và phải huy động nhân lực, vật lực từ các đơn vị, cơ sở thành viên.