Biệt đội thợ lặn thủy điện “độc nhất, vô nhị”

Sau “cuộc chiến sinh tử”, nhẹ nhàng cúi người chui qua cánh cửa hẹp buồng áp suất, hai thành viên biệt đội thợ lặn thủy điện “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam đã nằm gọn trong khoang áp suất. Cửa đóng kín, họ phải ngồi trong buồng điều áp chờ cơ thể thích nghi trở lại…

Đó là một trong những lần “tác chiến sinh tử” khó quên của những người thợ lặn Công ty Thủy điện Hòa Bình. Họ có thể lặn xuống hồ, kiểm soát vùng đáy đập sâu tới 60m, bảo dưỡng, sửa chữa, giải quyết các sự cố gây mất an toàn cho các công trình thủy điện.
 
Tiếp xúc với họ, nghe họ kể về công việc trong một ngày cuối năm lạnh giá, PV Tạp chí Điện lực mới thấu hiểu vì sao họ được xem là đội thợ lặn “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
 

Thợ lặn Thái Bá Sỹ và Nguyễn Xuân Vương đang kiểm tra các thiết bị lặn trước khi xuống nước

 
Nghề “kén” người
 
Được coi là một nghề nguy hiểm hàng đầu và có tuổi hành nghề ngắn, nghề thợ lặn đòi hỏi tiêu chuẩn ngặt nghèo về sức khỏe.
 
“Trong những người đạt sức khỏe loại 1, chúng tôi chỉ chọn những người có sức khỏe tương đương phi công - tức là tiền đình cực tốt, chịu được sức quay, thể lực cũng phải tốt, chịu được sức ép lớn của nước. Bên cạnh đó, người thợ lặn thủy điện cũng phải có sự hiểu biết nhất định về máy móc, thiết bị cơ khí của ngành Điện” – ông Đinh Hồng Quân, hơn 50 tuổi, là Chỉ huy lặn, đội thợ lặn Công ty Thủy điện Hòa Bình chia sẻ.
 
Ngoài ra, mỗi “người nhái” còn phải trải qua quá trình huấn luyện hết sức nặng nhọc, khắc nghiệt. Mùa hè phải vùi mình trong cát nóng, mùa đông giá lạnh phải ngâm mình dưới nước, đặc biệt là bài khổ luyện trong buồng tăng áp.Hàng tuần, đội sẽ tập “lặn” trong buồng áp suất để cơ thể làm quen với áp suất của nước tăng dần khi lặn xuống lòng hồ.
 
Đưa tay chỉ về phía chiếc đồng hồ đo áp suất trong khoang, ông Đinh Hồng Quân nói: “Áp suất trong khoang sẽ tăng dần để cơ thể người lặn thích nghi dần với với áp suất tăng lên khi càng xuống sâu lòng hồ. Sau mỗi lần lặn, thợ lặn phải xả áp bằng cách “nằm chơi” ít nhất là 30 phút trong buồng áp suất”.
 
Chính vì đặc thù của nghề lặn thủy điện vất vả, phức tạp như vậy, nên hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới chỉ có duy nhất một đội “người nhái” tại Thủy điện Hòa Bình.
 
Hàng ngày, những thợ lặn âm thầm làm việc dưới lòng hồ thủy điện với không gian và môi trường khác hẳn trên mặt đất. Trong lúc nghỉ ngơi, họ vẫn nói vui rằng, "Đánh Đông, dẹp Bắc với rất nhiều hồ thủy điện khác nhau, nhưng muốn tìm hồ sâu hơn Thủy điện Hòa Bình để phá kỷ lục lặn… cũng thật khó".
 
Khi ngàn cân treo sợi tóc
 
Gần 30 năm gắn bó với nghề, đã có không biết bao tình huống bất ngờ xảy ra, mà Chỉ huy lặn Đinh Hồng Quân và đồng đội phải đối mặt, tìm mọi cách vượt qua. Vụ “tấn công” hiểm ác của “lực hút lòng hồ” năm 1988 còn hằn nguyên trong ký ức “người nhái” Đinh Hồng Quân và Cấn Văn Toản.
Khi ấy, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành tích nước lòng hồ, nhiệm vụ của đội thợ lặn là phải xuống kiểm tra van đóng cống dẫn dòng. Đây là thời khắc quan trọng, quyết định thời gian phát điện lên lưới quốc gia - sự kiện nhận được sự quan tâm của nhân dân cả nước lúc bấy giờ. Và đây cũng là lần đầu tiên 2 thợ lặn Đinh Hồng Quân và Cấn Văn Toàn chinh phục độ sâu 60 m. 
 
Yên chí với “bộ áo giáp” kiên cố, hai thợ lặn đầy kinh nghiệm nhảy xuống nước. Lòng hồ dưới độ sâu hàng chục mét tối đen như mực. Đèn pha 1.000 W chuyên dụng của “người nhái” cũng chỉ đủ sáng để máy camera hoạt động ở gần.
 
Các anh cố gắng xoay xở và mở rộng phạm vi lặn để quan sát thật kỹ... Sau một hồi, những hình ảnh đầu tiên được gửi lên bờ ở độ sâu 60m cho thấy chiếc van sắt khổng lồ ngăn giữa hồ nước 9 tỉ m3 với bên ngoài chưa được đóng khít chặt, nước vẫn xối liên tục. 
 

"Kình ngư" Đinh Hồng Quân (áo trắng) dù đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn luôn theo sát để hướng dẫn, chỉ bảo cho những thợ lặn trẻ trong "biệt đội" 

 
Đột nhập từ phía thượng lưu, nơi có lực hút mạnh nhất, ông Quân và ông Toản mò mẫm trong bóng tối đen hun hút, thực hiện nhiệm vụ đưa các bao giẻ lớn đến lấp kín kẽ hở tại cửa van. Theo phân công, ông Toản nhanh chóng tiếp xúc miệng van, còn ông Quân chống sào cố định, đưa bao giẻ vào cho ông Toản lấp kín kẽ hở van.
 
Mọi việc đang phối hợp rất nhịp nhàng thì bỗng, cây sào trên tay ông Quân gãy đôi, dòng nước xối mạnh khiến ông bật nhào, lộn liền mấy vòng, theo lực hút ập vào miệng van. 
 
“Lúc đó, do bất ngờ, tôi thở rất mạnh, tai ù đi, không nhìn thấy gì. Tôi chỉ thoáng nghĩ, nếu như không tìm được điểm tựa nào thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Dây lặn có thể bị rối, nước sẽ ào vào trong mũ lặn. Áp suất sẽ ép máu trong mũi loang ra, và mình có thể… chết ngay dưới nước.” – Ông Đinh Hồng Quân bồi hồi kể lại. 
 
Trong lúc tính mạng nghìn cân treo sợi tóc, ông bỗng chạm vào một vật gì đó và cố bám thật chắc vào đó. May thay, “vật gì đó” anh tóm được lúc ấy, đã cứu sống anh trước cửa van, chỉ cách dòng nước xoáy hun hút chừng nửa mét, chính là đồng đội Cấn Văn Toản. 
 
Chật vật chống chọi với dòng nước xoáy, đưa từng bao giẻ lớn vào bên trong, cuối cùng, cửa van cũng được bịt kín. Nhẹ nhàng cúi người chui qua cánh cửa hẹp của buồng áp suất, ông Cấn Văn Toàn và Đinh Hồng Quân đã nằm gọn trong khoang áp suất. Cửa đóng, khí được bơm vào bên trong bằng những vòi dẫn.
 
Sau một thời gian ngồi trong buồng điều áp chờ cơ thể thích nghi trở lại với áp suất trên bờ, tay ông Quân vẫn còn nắm chặt cục xỉ than lấy được từ lòng hồ, cảm giác “cuộc chiến sinh tử” như vừa mới diễn ra!
 
Đi tìm đội ngũ kế cận…
 
Đội thợ lặn được thành lập từ 1986 với 10 thành viên. Lúc cao điểm nhất, biên chế của đội có 15 người. Tuy nhiên, do tuổi tác và sự nghiệt ngã của nghề sông nước đã dẫn đến số lượng thợ lặn ngày càng giảm đi. Có lúc, đội chỉ còn ông Đinh Hồng Quân và Cấn Văn Toản trụ lại…
 
Ngày 1/4/2011, hai chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi - lính đặc công Hải quân vừa xuất ngũ là Thái Bá Sỹ và Nguyễn Xuân Vương chính thức trở thành thành viên của “biệt đội”. Mấy tháng gần đây, đội được bổ sung thêm một phụ lặn, nâng tổng số thành viên lên 5 người, trong đó chỉ có 3 người trong độ tuổi được phép lặn sâu. 
 
Ông Quân và ông Toản đã dành nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho những người mới.
 
Trò chuyện với chúng tôi về những người thầy của mình, anh Thái Bá Sỹ xúc động kể lại: “Thầy Quân đã đan kết các sợi dây lớn, thả xuống đáy hồ, từng đoạn dây lại có nút buộc đánh dấu độ sâu. Các thầy ngồi trên bờ, cầm máy bộ đàm, máy nghe nhịp thở học trò và máy tiếp nhận hình ảnh từ camera mà chúng tôi cầm theo xuống đáy hồ. Chúng tôi chuẩn bị rất kỹ, nai nịt gọn gàng, nhảy xuống nước rồi lặn sâu dần. Thầy Quân trên bờ liên tục nhắc: “Tiếng thở của cháu đã khò khè rồi đấy, từ từ thôi cháu ơi…”
 
“Cháu đã thấy lâng lâng như say rượu chưa? Đấy là vì bị say nitơ đấy…”. “Lúc ở dưới nước, nghe giọng thầy Quân gào lên câu được câu chăng qua bộ đàm, mình chỉ chực muốn khóc”- anh Sỹ tâm sự. Chưa đầy hai năm sau ngày về đội, hai “người nhái” trẻ đã xác lập kỷ lục lặn sâu 57m, độ sâu mà nhiều thợ lặn kỳ cựu mới đạt được.
 
Có được những chàng ''Yết Kiêu thời hiện đại,'' của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình rất ổn định, ít xảy ra sự cố. Đó cũng là điều kiện tốt để biệt đội thợ lặn Công ty Thủy điện Hòa Bình “đánh Đông, dẹp Bắc” ở khắp các thủy điện lớn nhỏ trên cả nước, “giải cứu” nhiều công trình khỏi những sự cố đáng tiếc.
 
Từ năm 2010 đến nay, bước chân của thợ lặn Hòa Bình đã đến Sơn La, đến Bản Chát, Huổi Na, Huội Quảng, Cốc Ly, Bắc Hà… và sang cả các nước bạn như Lào, Campuchia.
 
Họ cứ đi, cứ lặn, làm việc với một niềm tự hào được đầm mình dưới lòng nước sâu, dưới đáy của những hồ thủy điện để theo dõi hoạt động của máy móc dưới nước và kiểm tra biến động của địa hình lòng hồ, sửa chữa, đấu nối, kiểm tra, vệ sinh thiết bị đảm bảo sự an toàn cho các công trình thủy điện. 
 
Biệt đội thợ lặn Công ty Thủy điện Hòa Bình
 
- Thành lập năm 1986, cùng với sự ra đời của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (giờ là Công ty Thuỷ điện Hoà Bình)
- Được đào tạo từ Trường lặn của ngành Dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu, do các chuyên gia lặn Na Uy, Nga... hướng dẫn.
 
Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình: “Đây là lực lượng đặc biệt của Nhà máy, cũng là đội thợ lặn thủy điện chuyên nghiệp duy nhất tại Việt Nam. Thực tế hoạt động của đội đã khẳng định sự cấp thiết của lực lượng này trong việc bảo vệ vững những công trình thủy điện - thành quả kinh tế lớn lao mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã dày công xây dựng”.
 
 


  • 07/02/2016 02:32
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6918


Gửi nhận xét