"Bình tâm công đạo" trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Danh nhân Lương Văn Can - người được tôn vinh là người thầy của doanh giới Việt Nam, từ hơn một thế kỷ trước đã nói rằng người kinh doanh phải giữ "bình tâm công đạo", nghĩa là phải cân bằng giữa lợi nhuận, lợi ích cá nhân với lợi ích của cộng đồng, xã hội, của đất nước. Triết lý kinh doanh ấy đang được nhiều doanh nhân học hỏi để xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa.

Muốn thành công phải trung thực và có trách nhiệm đối với xã hội

Là một trong những doanh nhân đầu tiên đồng hành với Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can của Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là tạp chí), bà Phan Thị Tuyết Mai - Chủ thương hiệu Mori, Tổng giám đốc Công ty TMTM cho biết, bà rất tâm đắc khi đọc quyển Kim cổ cách ngôn của danh nhân Lương Văn Can, trong đó cụ nói rất rõ, kinh doanh muốn thành công thì phải trung thực và có trách nhiệm đối với xã hội.

Bà Tuyết Mai chia sẻ: "Chúng tôi kinh doanh hơn 30 năm và luôn đi theo triết lý kinh doanh của cụ Lương Văn Can là luôn trung thực. Trung thực là trung thực đối với người tiêu dùng, trung thực với nhân viên, trung thực với chính mình, trung thực trong chính sản phẩm mà mình tạo ra và dĩ nhiên sẽ có một phần đóng góp cho xã hội. Đó có thể là những chuyến đi từ thiện được trích ra từ những sản phẩm đã tạo nên. Đặc biệt là việc lan tỏa văn hóa DN giúp nhân viên trong công ty có cơ hội đi theo triết lý mà mình đang theo đuổi. Tôi nghĩ rằng những công ty có chút giá trị truyền thống thì đều có chung một ý niệm, một triết lý kinh doanh giống như cụ Lương Văn Can".

Cùng quan điểm, ông Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST (TST Tourist) khẳng định, khi nghiên cứu về danh nhân Lương Văn Can thì triết lý mà ông thấm nhuần nhất là trung thực và hiếu nghĩa.

"Khi nghiên cứu và nghiệm trong 4 từ này thì tôi lại có thông điệp để dẫn dắt DN. Nghĩa là làm ra lợi ích kinh tế, chăm lo đời sống cán bộ - công nhân viên, sau đó đóng góp cho xã hội. Trung thực là rất cần thiết với mỗi người. Đầu tiên, phải trung thực với chính mình, bởi vì khi mình đủ trung thực mới nhận ra bản thân thật sự giỏi hay chưa giỏi để khắc phục và phấn đấu. Tức trung thực với chính mình để giúp được mình. Và khi trưởng thành rồi, có được những giá trị, lợi ích trong công việc, cuộc sống thì phải hiếu nghĩa. Hiếu nghĩa đầu tiên là với những thành viên trong gia đình và với chúng tôi là những chủ doanh nghiệp thì phải chăm lo đời sống cho cán bộ - công nhân viên, những người thân cận bên cạnh mình trước, rồi tiếp tục mang giá trị hiếu nghĩa lan tỏa đến cộng đồng". 

Ông Minh Duy cho biết thêm, không chỉ bản thân phải trung thực, hiếu nghĩa mà còn phải lan tỏa đến nhiều thế hệ nhân viên, kể cả những bạn trẻ mới tiếp nhận. "Tất nhiên là chúng tôi không rao giảng bằng việc kêu gọi hãy trung thực, hãy hiếu nghĩa mà bằng những hành động cụ thể. Có một điều rất may, khi tôi và chị Tuyết Mai được phân công nhiệm vụ đồng hành với Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can thì có cả một cộng đồng doanh nhân ở TP.HCM cùng tham gia và ai cũng muốn lan tỏa triết lý này đến thế hệ trẻ”.

Văn hóa DN là văn hóa của người lãnh đạo

Nhận định về văn hóa DN, bà Phan Thị Tuyết Mai cho biết, việc đầu tiên của một tổ chức DN là phải đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài chính sách lương bổng, nghỉ mát, bà còn tạo không gian chung cho nhân viên ăn trưa để tăng sự gắn kết và xây dựng một thư viện tại DN để nhân viên trau dồi kiến thức.

"Văn hóa DN có len lỏi vào cấu trúc DN, len lỏi vào sản phẩm, vào nhân sự thì mọi người mới đồng lòng xây dựng mái nhà chung, xây dựng chiến lược, tầm nhìn xa trong sản xuất, kinh doanh. Về mặt đạo đức đối với sản phẩm, chủ DN phải là người rất trung thực thì bộ phận R&D và bộ phận làm sản phẩm mới gắn kết được với nhau. Và rõ ràng, cả công ty phải là những khách hàng nội bộ vì nếu như mình tạo ra sản phẩm mà không yêu quý, không sử dụng chúng thì không thể nào bán được cho người tiêu dùng", bà Tuyết Mai chia sẻ thêm về thực tế xây dựng văn hóa DN.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lại Minh Duy khẳng định: "Đối với chúng tôi thì hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội là yếu tố tiên quyết để đảm bảo "chúng ta là của nhau", là những người chung một tổ chức và có trách nhiệm với nhau. Mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ - công nhân viên, giúp họ yên tâm đóng góp cho công việc chung. Chúng tôi còn có chính sách nghỉ mát năm và chương trình đào tạo định kỳ cho các phòng ban, mời các chuyên gia trong nội bộ hoặc ở bên ngoài về giảng dạy. Tiếp theo là chúng tôi xây dựng quy chế liên quan đến đăng ký thi đua, khen thưởng theo chính sách, chủ trương từ quận lên đến Trung ương, làm sao người lao động hiểu được đâu là điều kiện để họ phát huy và trưởng thành. Rất nhiều anh em lãnh đạo làm việc lâu năm, có được chính sách khen thưởng này cảm thấy phấn khích và đây cũng là một trong những yếu tố để họ gắn bó với DN lâu dài. Tại DN chúng tôi, nhiều nhân sự quản lý có thời gian cống hiến đến 20 năm. Văn hóa ứng xử là rất quan trọng, ứng xử với khách hàng, ứng xử nội bộ, với đồng nghiệp và ứng xử với người thân trong gia đình, với xã hội. Văn hóa DN ảnh hưởng rất sâu tới từng người lao động trong một tổ chức và nếu như  được xây dựng chuẩn mực và đúng định hướng thì việc phát triển thương hiệu, phát triển kinh doanh trở nên dễ dàng". 

Ông Lại Minh Duy tự hào cho biết: "Những cái mình xây dựng được trước kia thì khi đến một giai đoạn khó khăn nào đó, mình sẽ thấy được giá trị của nó. Trong việc xây dựng văn hóa DN thì chúng tôi khuyến khích nhau là phải trung thực với bản thân mình trước. Khả năng có được thu nhập bao nhiêu, chi tiêu thế nào để khi gặp khó khăn thì sử dụng phần để dành. Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chính văn hóa DN đã giúp cán bộ - công nhân viên của công ty, đặc biệt  là đội ngũ lãnh đạo không khó vượt qua thử thách bởi vì họ đã xây dựng tinh thần làm việc và chi tiêu đúng mực".

Cũng chú trọng xây dựng văn hóa DN để giữ chân nhân sự, ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC chia sẻ: "Trong xây dựng văn hóa DN, tôi đề cao ba yếu tố. Thứ nhất là phải có chiến lược đúng đắn để người lao động hiểu rõ, biết rõ vị trí công việc của mình và giá trị của công ty, từ đó mỗi người có định hướng rõ ràng trong công việc. Thứ hai, mang lại lợi ích cho khách hàng, cho cổ đông, cho người lao động. Thứ ba là công bằng trong chính sách về quyền lợi đối với người lao động. Giá trị cốt lõi của chúng tôi là đào tạo kỹ năng làm việc cho người lao động và không đòi hỏi phải có sự gắn kết. Tôi quan niệm rất khó yêu cầu người lao động cam kết gắn bó lâu dài với công ty, có nơi giữ người bằng lương bổng, nhưng chúng tôi sẵn sàng để họ ra đi, không đòi hỏi, mong muốn họ sử dụng kiến thức khi ở trong DN của chúng tôi để đưa vào công việc mới. Khi người lao động cảm nhận được văn hóa DN, cảm nhận được giá trị của công ty, từ đó họ sẽ gắn kết với công ty lâu dài một cách tự nguyện, đó là sự "gắn kết bằng trái tim" chứ không có bất kỳ văn bản hay chế tài nào làm được".

Ý thức được văn hóa DN chính là văn hóa của người lãnh đạo DN, ông Lại Minh Duy chia sẻ, từ những ngày đầu thành lập công ty, ông đã định hướng xây dựng văn hóa DN trên nền tảng giá trị truyền thống. "Khi đưa giá trị truyền thống của Việt Nam vào trong văn hóa DN và ứng xử của một doanh nhân theo văn hóa truyền thống giúp chúng tôi tự tin trên thương trường và bản thân khi dẫn dắt DN, tôi có một sự ảnh hưởng nhất định đến các thế hệ nhân viên. Đối với DN, cứ mỗi chu kỳ 5 năm có một đội ngũ nhân sự mới và khách hàng cũng có xu hướng thay đổi, do đó với vai trò người lãnh đạo cao nhất ở DN, tôi ý thức được mình phải đổi mới, tiếp nhận những xu hướng mới sau đó sàng lọc và lên định hướng. Những định hướng đó trước tiên sẽ lan tỏa đến cấp quản lý trực tiếp là những giám đốc chuyên môn từng đơn vị, từ đó sẽ lan tỏa cả DN".

Văn hóa DN là giá trị vô hình

Nhìn nhận việc xây dựng văn hóa DN là rất quan trọng, bà Tuyết Mai khẳng định: "Lợi nhuận và văn hóa DN luôn đi đôi với nhau. Những DN xây dựng được văn hóa tốt thì chắc chắn lợi nhuận sẽ song hành".

Ông Minh Duy quan niệm: "Theo tôi, sự trưởng thành của DN trên nền tảng văn hóa mình xây dựng cũng là giá trị lợi nhuận. Có thể đó là giá trị vô hình nhưng không có nó thì việc sản xuất, kinh doanh không mang lại hiệu quả cao. Lợi nhuận trong kinh doanh và văn hóa DN phải song hành chứ không nên xem trọng cái nào nhiều hơn". Ông Minh Duy cũng cho rằng, không riêng gì DN ngành thực phẩm mà tất cả lĩnh vực đều đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải cao, vì xu hướng hiện nay là xu hướng mở, Việt Nam và thế giới đến gần nhau hơn, mục tiêu cuối cùng trong giao thương là mang sản phẩm tốt đến khách hàng. Bây giờ công nghệ phát triển quá nhanh, khách hàng thông minh, do đó DN phải càng chú trọng đến việc xây dựng văn hóa DN.

Nói thêm về điều này, bà Tuyết Mai nhắn nhủ doanh nhân "hãy đi theo tôn chỉ của cụ Lương Văn Can, vì nó vẫn luôn có giá trị. Chỉ cần hình thành được hai yếu tố trung thực và hiếu nghĩa trong DN thì chắc chắn chúng ta sẽ kinh doanh thành công và thành công một cách bền vững".

Link gốc


  • 03/03/2023 09:32
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 4013