Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường làm việc với EVN về công tác bảo vệ môi trường

Ngày 9/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Bộ đã làm việc về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Nhiều giải pháp đảm bảo môi trường

Những năm qua, trong các hoạt động đầu tư - xây dựng, sản xuất - kinh doanh, EVN luôn chú trọng thực hiện những giải pháp đảm bảo môi trường.

Cụ thể, EVN đã không ngừng kiện toàn cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý môi trường. Tập đoàn thường xuyên cập nhật, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và hướng dẫn thực hiện cho các đơn vị, cũng như tổ chức đào tạo cho CBNV.

Trong công tác đầu tư - xây dựng, hiện nay, EVN đều lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư, trình các cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt.

Trong sản xuất, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN được đầu tư, nâng cấp công nghệ hiện đại như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, cải tiến các bộ lọc khử bụi, khử khí SOx, NOx, nghiên cứu và chuyển đổi sử dụng dầu DO (ít phát thải hơn) thay cho dầu FO, HFO trong giai đoạn khởi động lò,...

Lượng tro, xỉ của các NMNĐ đã được nhiều đối tác thu mua, đặc biệt là ở miền Bắc, để làm phụ gia xi măng, sản xuất gạch không nung. Tại miền Nam, các NMNĐ đang tích cực tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh tiêu thụ tro, xỉ.

Hàng năm, các NMNĐ và thủy điện do EVN quản lý đều thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác giám sát, đo đạc chất lượng môi trường. Kết quả đo đạc, giám sát đều được báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) địa phương, cũng như báo cáo về EVN để trình Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước.

Các kết quả đo đạc cho thấy, nhìn chung các đơn vị của EVN đều có mức độ phát thải, nồng độ các chất ô nhiễm nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn môi trường Việt Nam (QCVN).

Tại buổi làm việc, EVN đã kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường tháo gỡ 1 số vướng mắc trong thực thi Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước và các nghị định liên quan. Trong đó, Tập đoàn kiến nghị Bộ công nhận tro, xỉ không phải chất thải nguy hại sau khi được phân tích đúng quy trình, quy định; kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP theo hướng loại bỏ yêu cầu về chức năng đối với các đơn vị tiếp nhận, vận chuyển, xử lý và tiêu thụ tro xỉ nhiệt điện.

EVN đề xuất Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm có quy hoạch vùng nhận chìm vật chất nạo vét cảng, luồng tàu phục vụ cho công tác vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện; đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy như thiết kế.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến

Ghi nhận những nỗ lực của EVN, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo điện cho đất nước, EVN đã quan tâm thích đáng đến công tác môi trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh về việc cần duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi chuyên môn giữa EVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiết lập cơ chế giám sát công việc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo, EVN cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ hiện đại như nhiệt điện siêu siêu tới hạn, lựa chọn công nghệ tối ưu để lọc bụi, khử Sox bằng đá vôi, tiếp tục cải thiện chất lượng các thiết bị quan trắc môi trường,…

Để làm tốt công tác môi trường tại các NMNĐ, EVN cần chủ động tìm kiếm đối tác để thu mua, tiêu thụ tro, xỉ; tập trung xử lý chất thải rắn. Trong đó, xỉ có chất lượng tốt được xem là nguồn nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp. Với xỉ còn hàm lượng than chưa cháy kiệt, cần có thêm quy trình xử lý trước khi sử dụng.

Đối với quy trình vận hành liên hồ chứa, để tối ưu sử dụng nước cho thủy điện và cho các mục đích khác, đảm bảo điều tiết hiệu quả, an toàn trong mùa lũ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng ý với kiến nghị của EVN về việc xem xét phương án điều tiết hồ mùa lũ theo thời gian thực... 


  • 09/05/2019 08:01
  • M.Hạnh
  • 13628