Những bước tiến quan trọng
Từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia khoảng gần 35.000 MW, đứng thứ 31 thế giới. Sản lượng điện sản xuất và mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính đến hết tháng 11-2014 đạt 129,98 tỷ kWh. Từ các cụm nhà máy - đường dây truyền tải hoạt động riêng lẻ theo từng khu vực, hệ thống điện quốc gia đã được kết nối thống nhất, các đường dây truyền tải và phân phối điện trải khắp mọi miền đất nước, với trục xương sống là hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam ba mạch, tổng chiều dài hơn 3.600 km.
Đặc biệt, đến nay cả nước đã có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ, 99,8% số xã và 98,76% số hộ dân nông thôn có điện (vượt chỉ tiêu 0,76% về số hộ dân nông thôn có điện được giao đến cuối năm 2015 là 98%). Nếu như năm 1965, chỉ số điện năng tính trên đầu người của nước ta mới chỉ ở mức 30 kWh /người/năm, hiện nay là đạt hơn 1,54 triệu kWh /người/năm. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của nước ta luôn ở mức cao trong khu vực và trên thế giới.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - Ảnh Minh Nguyên
|
Những bước tiến của ngành điện còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gần đây nhất là Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông - Nam Á... Những công trình trọng điểm cấp quốc gia này đã góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả của ngành điện là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội. Và để có được thành công này, ngành điện nói chung, EVN nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2011 - 2015) Tập đoàn đã đầu tư 481.561 tỷ đồng, bằng 2,36 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Giai đoạn 5 năm gần đây là giai đoạn khối lượng đầu tư và tốc độ đầu tư lớn nhất trong quá trình phát triển của EVN và ngành điện vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.
Các thế hệ những người làm điện đã nỗ lực "giữ dòng điện như dòng máu của mình", đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại năm 1975. Sức mạnh ấy vẫn tiếp tục được phát huy sau giai đoạn đất nước thống nhất, bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, mở ra giai đoạn mới - Giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành điện là một trong những ngành kinh tế ổn định, sớm thống nhất được mô hình hoạt động, cũng là ngành kinh tế năng lượng đầu tiên lập các quy hoạch tổng thể, mang tầm chiến lược (từ Quy hoạch điện I giai đoạn 1981- 1985 đến Quy hoạch điện VII giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030).
Nỗ lực, sáng tạo, lập những kỳ tích mới
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với tầm vóc của một Tập đoàn kinh tế - kỹ thuật hàng đầu, EVN không chỉ thực hiện tốt sứ mệnh là một trong những trụ cột lớn của nền kinh tế, mà còn thực hiện tốt vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô, thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thông qua các dự án, chương trình hoạt động vì cộng đồng và chính sách linh hoạt về giá điện. Không chỉ đưa điện lưới quốc gia đến các bản làng xa xôi, vùng sâu, vùng xa, giúp người dân có cơ hội tiếp cận với ánh sáng văn minh và vươn lên làm giàu, ngành diện còn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tri ân các gia đình có công với cách mạng, hỗ trợ các hộ nghèo… thông qua các chính sách giá điện hợp lý. Đây là những hành động có giá trị nhân văn cao cả.
Mặc dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành điện do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, khủng hoảng kinh tế thế giới... nhưng các thế hệ những người làm điện vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó. Đó là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân với chất lượng ngày càng ổn định, dịch vụ kinh doanh bán điện ngày càng chuyên nghiệp.
Để có được những thành tựu to lớn như hôm nay, trước hết, ngành điện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự đồng thuận và ủng hộ hiệu quả của các ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Một trong những nguyên nhân quan trọng có tính quyết định chính là truyền thống vẻ vang anh dũng trong chiến đấu và lao động sản xuất của người làm điện, truyền lửa cho lớp lớp các thế hệ kế tiếp; là ý chí kiên cường, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu ngành điện nói chung, EVN và các đơn vị nói riêng qua từng giai đoạn phát triển.
Trong những lúc khó khăn nhất, chính là lúc thử thách bản lĩnh những người làm điện. Kết quả cuối cùng là, từ trong gian khó, hàng loạt công trình điện mang tính lịch sử đã được ra đời, thể hiện ý chí và bản lĩnh kiên cường của người làm điện. Đó là công trình đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc- Nam mạch 1 vừa thiết kế vừa thi công với thời gian kỷ lục: 2 năm. Đó là Nhà máy Thủy điện Sơn La công suất lớn nhất Đông - Nam Á 2.400 MW, mang tầm quốc tế, hoàn thành tháng 12-2012, vượt trước thời gian 3 năm. Đó là đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh năm 2012, là các dự án kéo cáp ngầm xuyên biển cấp điện cho các huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc...
Vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - Ảnh Minh Nguyên
|
Khắc phục yếu kém, vượt qua thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn đó, EVN cũng còn những tồn tại, yếu kém cần sớm khắc phục. Mặc dù chúng ta đã kéo điện đến 100% số huyện, hơn 99% số xã, EVN đã tiếp nhận và cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, nhưng chất lượng điện nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa cao, tổn thất điện năng vẫn lớn, hệ số đàn hồi điện trên GDP còn cao so với nhiều nước trong khu vực. Người lao động ngành điện đã lớn mạnh và trưởng thành qua nhiều thế hệ, có sức mạnh cả về ý chí và trí tuệ, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chất lượng nguồn lao động vẫn chưa thực sự đồng đều, năng suất, hiệu quả lao động chưa được như kỳ vọng...
Nhất là trong một thời gian dài, do chúng ta tập trung mọi nguồn lực vào đầu tư nguồn và lưới điện để đáp ứng nhu cầu cấp bách của nền kinh tế, nên chất lượng dịch vụ khách hàng chưa được chú trọng, chưa nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta “làm được nhưng chưa nói được”, công tác truyền thông chưa được đầu tư đúng hướng, hiệu quả chưa cao. Tất cả những tồn tại, yếu kém đó đòi hỏi những người làm điện hôm nay phải thẳng thắn, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và mạnh dạn tìm giải pháp khắc phục.
Trong giai đoạn phát triển mới, EVN xác định nhiệm vụ trọng tâm là, ngoài việc bảo đảm nhu cầu về điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, ngoài trọng trách thực hiện tốt việc tái cơ cấu doanh nghiệp và đổi mới cơ chế hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN sẽ tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu, hình ảnh một tập đoàn kinh tế phát triển bền vững và thân thiện, là một doanh nghiệp tận tâm, có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ khách hàng, lấy lợi ích và sự hài lòng của khách hàng làm thước đo cho mọi hoạt động của mình.
Tập đoàn cũng hoàn thành Đề án mô hình tổ chức EVN trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Phương án tách bạch khâu phân phối và bán lẻ điện của các tổng công ty điện lực; báo cáo Bộ Công thương trong tháng 5-2015. Ngày 10-8-2015, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam…
Công tác thoái, giảm vốn cũng đã được triển khai quyết liệt. Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 7 Công ty cổ phần (CTCP) đến hết năm 2015. Tính đến hết tháng 8-2015, tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN đạt 958,318 tỷ đồng. Tập đoàn đang triển khai các thủ tục thoái giảm vốn đối với các đơn vị còn lại để bảo đảm cuối năm 2015 hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Các tổng công ty đang triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2012-2015 theo chỉ đạo của tập đoàn. Theo đó, trong năm 2015 phải hoàn thành toàn bộ việc thoái vốn của năm tổng công ty điện lực tại 35 doanh nghiệp với tổng số vốn cần thoái là 1.043 tỷ đồng. Lũy kế đến hết quý II-2015, năm tổng công ty điện lực đã thoái vốn thành công tại 23 đầu mối doanh nghiệp. Tổng số vốn thu về là 648,4 tỷ đồng, thặng dư 38,1 tỷ đồng so với giá trị vốn đầu tư ban đầu. Hiện nay, năm tổng công ty điện lực còn 12 đầu mối doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn, với tổng số vốn còn phải thoái là 484 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng số vốn cần phải thoái theo Phương án tái cơ cấu các tổng công ty điện lực đã được Hội đồng thành viên EVN phê duyệt.
Với chủ đề trọng tâm năm 2015 là “Năng suất - Hiệu quả”, tập đoàn và các đơn vị đã sắp xếp, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới quản trị doanh nghiệp, tăng cường quản lý giám sát hoạt động của công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang cùng với các tổ chức tài chính quốc tế hợp tác nghiên cứu xây dựng các chương trình dài hạn, như: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với Tập đoàn và các đơn vị thành viên; Tối ưu hóa chi phí, nghiên cứu Chiến lược nâng cao năng lực tài chính của EVN và các đơn vị thành viên. Đặc biệt, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực xây dựng thành công hệ thống chăm sóc khách hàng đa dạng và hiện đại, các dịch vụ khách hàng tiện ích và nhanh chóng, nâng cao hơn nữa chỉ số hài lòng của khách hàng.
Sứ mệnh được giao đang đặt lên vai những người thợ điện nhiệm vụ nặng nề hơn, khó khăn hơn, đòi hỏi mỗi người phải nhanh chóng đổi mới tư duy, sẵn sàng đối diện với khó khăn, chinh phục mọi thử thách. Với ý thức, niềm tự hào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa ngành điện phát triển vững mạnh toàn diện, ngang tầm với khu vực, giữ vững vai trò bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước.