Tổ chức cơ sở Đảng ngành Điện sau ngày Thủ đô giải phóng

Hơn 2 năm sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) tổ chức cơ sở Đảng ngành Điện mới ra hoạt động công khai. Khó khăn, thách thức nhiều... nhưng  tổ chức cơ sở Đảng ngành Điện vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện cho nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế sau 9 năm kháng chiến.

Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ đất nước

Ông Trần Nguyên Hợi - Nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Điện Yên Phụ cho biết, khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, tổ chức cơ sở Đảng của ngành Điện lúc đó đang hoạt động theo hình thức liên chi, gồm cơ sở Đảng của Nhà máy Đèn Bờ Hồ và Xưởng phát điện Yên Phụ. Lúc này, tuy chưa ra hoạt động công khai, nhưng các tổ chức cơ sở Đảng ngành Điện vẫn lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền và các đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, khi mới tiếp quản, một số người trước đây làm việc cho chế độ cũ vẫn còn e dè, mặc cảm, chưa thực sự tin tưởng vào chế độ mới; chưa hòa đồng với thế hệ cán bộ, công nhân mới. Vì vậy, nhiều cuộc vận động quần chúng trong ngành Điện còn gặp khó khăn. Nắm bắt được vấn đề này, Tổ chức cơ sở Đảng ngành Điện đã chỉ đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc vận động, tổ chức nói chuyện nhằm củng cố niềm tin, khơi dậy trách nhiệm, vai trò và ý thức làm chủ xí nghiệp của đội ngũ công nhân... Từ đó xóa bỏ sự cách biệt giữa thế hệ cán bộ, công nhân cũ và mới; xây dựng tinh thần đoàn kết, quyết tâm thi đua sản xuất, đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn.

Năm 1956, Thành ủy Hà Nội đã ra Nghị quyết số 01/VF/DB giải tán Liên chi và thành lập Đảng bộ Nhà máy Điện Hà Nội gồm 2 chi bộ, 44 Đảng viên. Đến ngày 29/1/1957, Tổ chức cơ sở Đảng của ngành Điện tại Hà Nội chính thức được hoạt động công khai, với trọng trách cung cấp điện cho khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc. Lúc này, ngành Điện ở Hà Nội có 5 chi bộ Đảng gồm: Chi bộ Xưởng phát điện Yên Phụ; Chi bộ Mắc dây – Đặt điện; Chi bộ Xưởng máy (cơ điện); Chi bộ Đồng hồ và Chi bộ các Phòng ban.

Các đại biểu nghe trình bày các văn kiện của TW tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nhà máy Điện Hà Nội lần thứ III - Ảnh: Trần Nguyên Hợi

Ngày 2/3/1957, Đảng bộ Nhà máy Điện Hà Nội đã tổ chức Đại hội lần thứ I và ra nghị quyết về việc đẩy mạnh tốc độ xây dựng, mở rộng sản xuất, nâng công suất, cải thiện đời sống công nhân; xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng cả về số lượng và chất lượng. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng  bộ, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Nhà máy Điện Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, cho các nhà máy, xí nghiệp như: Xe lửa Gia Lâm, Xe Điện Hà Nội, Giày da Thụy Khuê, Cơ khí Trần Hưng đạo, In Tiến Bộ, Ô tô Hòa Bình, Diêm Thống Nhất, Gỗ Cầu Đuống... Không chỉ phục vụ nhu cầu điện của Thủ đô, ngành Điện Hà Nội còn cung cấp điện cho Nam Định, thị xã Sơn Tây.

Bên cạnh đó, Nhà máy Điện Hà Nội còn đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đã thu được nhiều thành công. Trong đó có nhiều sáng kiến về nâng công suất, hạ giá thành sản xuất điện, làm lợi cho Ngân sách Nhà nước Việt Nam non trẻ.

Bước sang giai đoạn 1959 - 1960, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ III của Đảng về sứ mệnh “Điện phải đi trước một bước”, Nhà máy Điện Hà Nội đã nỗ lực xây dựng đường dây điện về đến các tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng như: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hà Đông, Sơn Tây. Tại Hà Nội, một số xã thuộc các huyện ngoại thành như Đông Anh, Thanh Trì cũng đã có điện. Ngoài ra, Nhà máy còn hoàn thành xây dựng 2 công trình quan trọng: Xây mới hai lò hơi tại Xưởng phát điện Yên Phụ; khôi phục toàn bộ đường dây 35 kV - Xương sống của hệ thống điện miền Bắc lúc bấy giờ (gồm: Đường dây 35 kV Hà Nội - Hải Phòng, đường dây 35 kV Hà Nội - Nam Định, đường dây 35 kV Hà Nội - Sơn Tây và đường dây 35 kV Hà Nội - Bắc Ninh). Việc hoàn thành thắng lợi các công trình trọng điểm này cho thấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân, tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên của Nhà máy Điện Hà Nội có sự trưởng thành vượt bậc. Kết quả là sản lượng điện của Nhà máy Điện Hà Nội năm 1960 đạt 89 triệu kWh, tăng 91% so với năm 1957 và bằng tổng sản lượng  của cả 3 năm trước đó.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng

Sau giải phóng Thủ đô, phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên của Nhà máy Điện Hà Nội đã được thử thách, tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, bước vào thời kì mới, thực hiện nhiệm vụ mới của cách mạng, đòi hỏi chất lượng đảng viên phải tiếp tục được nâng cao. Chính vì vậy, Đảng bộ Nhà máy Điện Hà Nội đã liên tiếp mở các đợt học tập lý luận chính trị và cập nhật tình hình thời sự cho cán bộ, đảng viên; tổ chức bồi dưỡng và kết nạp đảng viên lớp “6-1”.

Đoàn chủ tịch Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nhà máy Điện Hà Nội lần thứ III - Ảnh: Trần Nguyên Hợi

Năm 1958, Đảng ủy Nhà máy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đợt học tập về tình hình và nhiệm vụ cách mạng cho Đảng viên. Đây là đợt giáo giục đảng viên lớn nhất từ sau khi hòa bình lập lại. Đảng ủy coi trọng việc củng cố và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, phát huy tính chiến đấu, tính sáng tạo của đảng viên; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, tuy gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ Nhà máy Điện Hà Nội, ngành Điện đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục kinh tế và xây dựng CNXH ở miền Bắc.


  • 05/10/2015 10:30
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3852


Gửi nhận xét