Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Vai trò chính bảo đảm điện quốc gia

Ít có ngành công nghiệp hiện đại nào lại xuất hiện sớm tại Việt Nam như ngành Điện lực. Hành trình của ngành Điện gắn liền với lịch sử dân tộc từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XIX, dưới các chế độ cũ và mới, đến nay điện lực đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.

Luôn đi trước đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đất nước

Theo các tài liệu sử học, vào năm 1892, tại Hải Phòng, người Pháp đã xây dựng Nhà máy điện Cửa Cấm. Đây chính là nhà máy điện đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, ghi dấu ấn quan trọng trong việc người dân nước ta lần đầu nhìn thấy bóng đèn thắp sáng… treo ngược!

Ngành Điện lực có một sự kiện đặc biệt quan trọng. Đó là vào ngày 21-12-1954, chỉ sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô, dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ đã tới thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 21-12 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam.

Nhà máy Thủy điện Sơn La, niềm tự hào của ngành Điện lực Việt Nam. Ảnh: Vũ Thạch Lam

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, ngành Điện đã trở thành một bộ phận gắn bó hữu cơ với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong 61 năm qua (1954-2015), toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Điện lực, cụ thể hiện nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, lập được nhiều thành tích lớn lao đáng tự hào. Trong đó, giai đoạn 2003-2013, tập đoàn giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư nguồn và lưới điện, luôn đi trước một bước đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế đất nước và đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh biên giới, hải đảo.

Theo lãnh đạo EVN, hằng năm, tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện luôn tăng cao của đất nước, tạo môi trường thuận lợi về điện để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Sản lượng điện hàng hoá cung cấp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tăng từ 34,9 tỷ kWh năm 2003 lên mức 115,2 tỷ kWh năm 2013; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hằng năm là 12,69%/năm, tăng gấp hơn 1,88 lần so với tăng trưởng GDP, bảo đảm điện luôn đi trước một bước theo Nghị quyết của Đảng; điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2013 ước tính là 1.285 kWh/người/năm, tăng 2,96 lần so với năm 2003 (434 kWh/người/năm). Tính đến cuối năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có hơn 22,1 triệu khách hàng ký hợp đồng mua bán điện; đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại 708 xã và bán điện trực tiếp đến 86,68% số xã có điện trên cả nước (7.840/9.045 xã), với 84,15% số hộ nông thôn.

Cần phải nói rằng, một dấu son trong chặng đường đổi mới là Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện, cung ứng đủ điện cho các ngành kinh tế quốc dân và các nhu cầu xã hội. Những năm qua, sự suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước, do đó việc huy động đủ nhu cầu vốn cho đầu tư, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án điện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, với quyết tâm cao, EVN đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua trở ngại, thu xếp đủ vốn cho các dự án công trình điện. Nhờ đó, khối lượng đầu tư xây dựng hằng năm đạt giá trị cao, nhiều công trình điện đưa vào vận hành, cung cấp điện cho đất nước.

Về nguồn điện, chỉ trong 10 năm (2003-2013), tập đoàn đã đầu tư và đưa vào vận hành 60 tổ máy thuộc 29 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 10.416MW, chiếm 46,6% tổng công suất phát điện được đưa vào khai thác trong giai đoạn này trên toàn quốc, đưa tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2013 đạt 31.568 MW, trong đó tập đoàn chiếm gần 61% tổng công suất phát điện của Việt Nam, có năng lực bảo đảm sản xuất tới 65% sản lượng điện toàn hệ thống điện hằng năm.

Ngày 23-12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành Công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW, hoàn thành sớm 3 năm. Đây là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của tập đoàn cũng như các đơn vị thi công trên công trường.

Trong năm 2014, toàn tập đoàn có 5 tổ máy hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 1.700 MW, khởi công được 4 dự án nguồn điện. Tiếp đó, quý I năm 2015, tập đoàn đã hòa lưới điện quốc gia 2 tổ máy với tổng công suất 1.162 MW, gồm: Tổ máy 1 Nhiệt điện Mông Dương (540 MW), tổ máy 1 Nhiệt điện Duyên Hải 1 (622 MW). Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô nguồn điện.       

Định hướng chiến lược: Hoạt động hiệu quả, bền vững

Cho đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giữ vai trò duy nhất nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.

Với hiện trạng khi thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1995) chỉ có 90,6% số huyện có điện lưới quốc gia, 63,2% xã có điện và 50,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thì tới cuối năm 2010, tập đoàn đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về điện nông thôn mà Đại hội X của Đảng đề ra: Cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 98,18% số xã được nối lưới quốc gia với 96,05% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 6,05% so với chỉ tiêu Chiến lược phát triển điện lực quốc gia đề ra. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ có điện ở nông thôn đạt 99,59% về số xã và 98,22% số hộ dân. Trong đó, khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 97,55% về số xã và 85,09% số hộ dân có điện; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 100% số xã và 96,17% số hộ dân có điện; khu vực Tây Nam Bộ là 100% số xã và 97,72% số hộ có điện, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sở dĩ có được những thành tựu nêu trên, tập đoàn đã đề ra nhiều giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa có tính cơ bản lâu dài. Trong đó, tập đoàn đã mạnh dạn trong đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ. Tập trung cao độ, dám nghĩ dám làm, phát huy nội lực, trí tuệ của tập thể cán bộ, công nhân viên; đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chủ động, sáng tạo trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng; thực hiện tiết kiệm điện và giảm tổn thất điện năng đạt kết quả cao. Cùng với đó, tập đoàn luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên chức và người lao động vì mục tiêu phát triển bền vững.

Về định hướng chiến lược trong những năm tới, EVN phấn đấu trở thành tập đoàn lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững, giữ vai trò chính bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước; làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; từng bước xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp tận tâm, thân thiện, có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn. Trong đó, hết năm 2015 sẽ sản xuất và mua để cung cấp cho nền kinh tế sản lượng điện khoảng 150-155 tỷ kWh, tới năm 2020 đạt sản lượng 300-330 tỷ kWh.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu là Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên. Đến nay cơ bản hoàn thành 100% chương trình đầu tư điện với tổng giá trị 160 tỷ đồng, cấp điện cho khoảng 9.700 hộ dân; đầu tư dây sau công tơ cho hơn 5.900 hộ dân, đạt giá trị 12,4 tỷ đồng; hoàn thành 7 nhà bán trú dân nuôi ở các trường học và hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp với tổng giá trị 9,2 tỷ đồng.

 


  • 30/09/2015 07:55
  • Theo báo Quân đội nhân dân
  • 8952


Gửi nhận xét