Những dấu ấn ngành điện: Đảm bảo điện đi trước một bước

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, có thực tế không thể phủ nhận, thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện, đảm bảo điện đi trước một bước trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cung ứng đủ điện cho ngành kinh tế quốc dân và các nhu cầu xã hội.

Những dấu ấn đậm nét

Điện góp phần xây dựng đất nước, giúp thay đổi đời sống người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, là người nhiều năm gắn bó với ngành Điện, ông đánh giá thế nào về việc phát triển của ngành điện thời gian qua?

Có thực tế không thể phủ nhận là ngành Điện đã có sự phát triển rất mạnh trong thời gian qua. Đánh giá về sự phát triển của ngành Điện, cần nhìn nhận cả một bề dày lịch sử, từ thời điểm đất nước được giải phóng, còn đói nghèo, chịu ảnh hưởng nặng nề của hai cuộc chiến tranh đến nay. Trước hết, với ngành Điện, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc đảm bảo điện cho nền kinh tế luôn được duy trì. Đáng chú ý, trong suốt 30 năm đổi mới của đất nước, việc ra đời tuyến đường dây 500 kV hợp nhất toàn bộ hệ thống điện toàn quốc, được xây dựng thần tốc trong các năm 1992-1994, đã đánh dấu mốc son lịch sử trong phát triển ngành Điện Việt Nam.

Đường dây hoàn thành năm 1994 cũng là thời khắc quan trọng với việc ra đời của hàng loạt tổng công ty 91, trong đó có Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN). Sau khi EVN ra đời, sự đổi thay của ngành Điện thể hiện khá rõ cả về nguồn và lưới điện toàn quốc, với sự ra đời những công trình thủy điện lớn xuất hiện.

Đặc biệt, trong các năm từ 2004 - 2007, với việc Chính phủ cho đặc cách thực hiện Quyết định 797, cho phép EVN vừa thiết kế, vừa lập quản lý dự án, vừa triển khai thi công xây dựng, đấu thầu mua trang thiết bị, chỉ trong vòng 4 năm sau đó, EVN đã xây dựng được 47 dự án nhà máy thủy điện với những công trình là niềm tự hào của ngành như Sê San 3, Sê San 4, Pleikrông, Ialy, A Vương, Sông Hinh, Vĩnh Sơn... phân bổ đều trên toàn quốc. 

Những công trình trên sau này đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho hạ du vào mùa hè, chống lũ vào mùa mưa. Công suất đặt của các nhà máy thủy điện cũng được nâng lên hàng chục nghìn MW. Đây là bước ngoặt rất lớn đối với việc cấp điện cho nền kinh tế.

Tiếp đó là việc triển khai xây dựng thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW. Dự án hoàn thành chỉ trong 6 năm, rút ngắn 3 năm so với bình thường, giúp tiết kiệm cho nhà nước cả chục nghìn tỷ đồng. Đây là bước đột phá cần ghi nhận.

Tiếp đó là EVN đầu tư xây dựng một loạt đường dây 500 kV mạch 2, cùng các đường dây 500 kV từ Sơn La về Hà Nội, đường dây 500 kV Mỹ Phước-Cầu Bông dài 444 km. Sự kiện hoàn thành nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2, nâng công suất từ 400 MW lên 1.100 MW và xây dựng mở rộng nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng lên thành 600 MW rồi Hải Phòng 1, Hải Phòng 2 thêm 1.200 MW rồi đến Nhiệt điện Quảng Ninh. Những công trình nối tiếp công trình, EVN còn đầu tư xây dựng cụm Trung tâm Điện lực Phú Mỹ và Nhà máy điện Bà Rịa với công suất lên tới 4.600 MW, rồi đến Trung tâm Điện lực Ô Môn. Những công trình này đã giúp nâng công suất ngành điện thêm tới 24.000 MW chỉ trong vài năm thi công.

Đến nay, EVN đã tập trung xây dựng thêm một loạt Trung tâm Điện lực như: Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, 3, 4 với công suất hơn 3.000 MW; Duyên Hải 1, 2 và 3...Trong các dự án điện trọng điểm mà Chính phủ giao cho 3 tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam và Dầu khí, các dự án do ngành Điện thực hiện luôn về đích sớm nhất, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, làm lợi nhiều nghìn tỷ đồng.

Đi đôi với đó, sự phát triển của hệ thống lưới điện phủ khắp toàn quốc cũng được đầu tư xây dựng rất mạnh. Chỉ sau vài năm, từ chỗ hệ thống điện thiếu vài chục phần trăm mỗi năm (trước năm 2010), từ 2013 đến nay, Việt Nam không còn thiếu điện, mà có dự phòng từ 15%- 20%. Điều này cho thấy hệ thống điện đã phát triển nhanh. Ngành điện đã đảm bảo yêu cầu ngành điện phải đi trước các ngành kinh tế khác một bước.

Những công trình điện của EVN đã góp phần đổi thay bộ mặt của đất nước, đảm bảo cấp điện cho việc phát triển của nền kinh tế, Ảnh: Như Ý

Giúp đổi thay bộ mặt nông thôn

Các hoạt động đầu tư đưa điện về nông thôn, cấp điện cho vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được EVN thực hiện rất mạnh. Việc này có ý nghĩa thế nào cho nền kinh tế thưa ông?

Một dấu ấn không thể phủ nhận về đóng góp của EVN đối với lưới điện quốc gia chính là việc đưa điện về nông thôn, đưa điện về vùng sâu vùng xa, biên giới và các đảo như: Phú Quốc, Cô Tô, Hòn Tre, Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM)... Đến nay, chúng ta đã đạt 100% số xã trên toàn quốc đã có điện với tỷ lệ 98% người dân có điện. Đây là tỷ lệ đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Với việc đưa điện về nông thôn, đến nay, tình trạng công tơ tổng, các “cai đầu dài” ở khu vực nông thôn đã được xóa bỏ một cách cơ bản. Người dân ở nông thôn đã được lắp đặt, trả tiền điện theo đúng giá của nhà nước. Những khu vực ở vùng sâu, vùng xa như: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang,Yên Bái, Lào Cai, Đắk Lắk, Đắk Nông... nay đã có điện lưới về từng xã, thôn, bản.

Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2011-2015 đã góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, cùng Trung ương và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế-xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại các địa bàn trọng điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc. Trên tuyến biên giới quốc gia, đến nay hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.

Dư luận cũng cho rằng, bên cạnh những việc làm được, EVN cũng còn những vấn đề cần chỉnh sửa. EVN cần làm gì trong thời gian tới để xứng đáng là tập đoàn mạnh của đất nước?

Bên cạnh những việc đã làm được, EVN cũng cần tiếp tục xử lý các vấn đề tồn tại như số lượng cán bộ công nhân trong toàn ngành còn khá cao. Hiện EVN đang quản lý, vận hành tổng cộng 37.000 MW trong cả hệ thống điện. So với tiêu chuẩn thế giới, số nhân lực lên tới hơn 100 nghìn người là cao. Điều này làm giảm bớt hiệu quả của việc nâng cao năng suất lao động của ngành. Cùng đó, EVN cần tiếp tục nỗ lực trong việc giảm đầu tư ngoài ngành theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài ra, EVN cần minh bạch hơn nữa trong hoạt động, trong xây dựng giá thành của ngành điện. Đây là điều người dân rất quan tâm. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, EVN đã nỗ lực rất lớn trong việc tối ưu hóa hoạt động, giảm tổn thất điện năng. Hiện EVN đang thực hiện rất tốt chương trình mục tiêu tiết kiệm năng lượng của Chính phủ. Để tiến tới thành tập đoàn quan trọng của đất nước, EVN cần làm một số việc như tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, tiếp tục đổi mới công nghệ, kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả cao. Cùng đó, cần sớm đưa hệ thống đo đếm điện tử, các công nghệ đo đếm từ xa vào vận hành trong hệ thống cũng như tăng cường ngầm hóa hệ thống điện.

Cảm ơn ông!


Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Đánh giá một cách tổng quan, với những thành tích lớn như vậy, dù không tránh khỏi những thiếu sót, EVN xứng đáng được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Trong 10 năm (2003 – 2013), Tập đoàn đã tăng nguồn công suất phát điện đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, và đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô nguồn điện. Đặc biệt sự kiện nổi bật là ngày 23/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành Công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, hoàn thành sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội. Với công suất 2.400 MW, Công trình thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của Tập đoàn cũng như các đơn vị thi công trên công trường. Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam đảm bảo tiến độ (như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1...) góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.

So với năm 2003, trên lưới điện 110-500 kV, tổng chiều dài đạt 32.655 km, tăng 220%; tổng dung lượng Trạm biến áp 85.254 MVA, tăng 356%. Lưới điện trung, hạ áp: 406.970 km, tăng 220%; tổng dung lượng Trạm biến áp 61.897 MVA, tăng 250%.

Tới cuối năm 2014, tính chung trên cả nước đã đạt 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (vượt mục tiêu của Chính phủ là tới cuối năm 2015 đạt 98% hộ nông thôn có điện). Tỷ lệ có điện tại khu vực nông thôn các tỉnh Tây Nguyên đã đạt 99,83% về số xã và 95,8% về số hộ dân; khu vực nông thôn Tây Nam bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân; khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân. 

 


  • 29/09/2015 08:29
  • Theo tienphong.vn
  • 3712


Gửi nhận xét