Tới dự Hội nghị có ông Trần Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực Bộ Công Thương, bà Nguyễn Tuệ Khanh – Giám đốc Nhân sự Tập đoàn General Electric (GE- Mỹ) tại Việt Nam và Campuchia. Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An và Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh chủ trì hội nghị.
Ông Lê Quang Long- Trưởng Ban Tổ chức- Nhân sự EVN cho biết, giai đoạn 2013 - 2015, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh (SXKD), đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân với chất lượng ngày càng cao, hệ thống điện đã có dự phòng. Gắn liền với hoạt động SXKD của Tập đoàn, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đã đạt mục tiêu đề ra, bám sát định hướng xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do Tập đoàn đề ra.
EVN đã từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Việc lập kế hoạch đào tạo dần đi vào nề nếp với số lượng đào tạo hàng năm đạt 2 lần/người/năm; vượt gấp đôi so với mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm. Đặc biệt, các chương trình đào tạo cán bộ quản lý bắt đầu được thực hiện có hệ thống nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với Chiến lược phát triển của Tập đoàn, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Đồng thời, trong giai đoạn 2013 - 2015, đội ngũ kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài đã tốt nghiệp về nước, bắt đầu làm việc và đóng góp hiệu quả vào hoạt động của các đơn vị trong EVN. EVN cũng triển khai chương trình đào tạo sau đại học tại nước ngoài, xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, hướng tới tự chủ về công nghệ, tăng cường nghiên cứu ứng dụng thực tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào tư vấn/chuyên gia nước ngoài.
Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực EVN năm 2015. Ảnh: MH
|
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chuẩn bị sản xuất đã được tổ chức kịp thời, chuẩn bị nguồn nhân lực vận hành đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn cho các công trình điện trọng điểm của EVN. Các trường đại học, cao đẳng thuộc EVN cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong tuyển sinh dài hạn, tăng cường đào tạo cho các đơn vị thành viên của EVN.
Cũng theo ông Lê Quang Long, tổng số lao động của EVN tính đến cuối năm 2014 là 106.011 người, trong đó lao động SXKD điện là 92.163 người, chiếm 87%. Trình độ lao động đã tăng lên so với giai đoạn trước, gần 95% lực lượng lao động qua đào tạo, trong đó, đại học và trên đại học chiếm 33,72%, cao đẳng và trung cấp chiếm 24,33%, công nhân kỹ thuật chiếm 36,87%, trình độ khác 5,08%.
Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: M.H
|
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vẫn còn một số hạn chế. Người lao động EVN tuy được đào tạo cơ bản nhưng nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm vẫn còn hạn chế... Nhiều công việc hiện nay vẫn phải thuê tư vấn nước ngoài thực hiện, như giám sát tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện, thiết kế đập RCC cho dự án thủy điện..., năng suất lao động (kWh/người) vẫn còn thấp, chỉ cao hơn các nước kém phát triển trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar...
Trong thời gian tới, EVN sẽ tập trung xây dựng đội ngũ CBCNV có đủ năng lực: Tâm, đức và tài, hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD giai đoạn 2016 - 2020. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, là giải pháp đột phá đưa Tập đoàn phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Theo đó, EVN sẽ tạo cơ hội học tập, phát triển công bằng, rộng rãi cho người lao động. Mỗi CBCNV sẽ được đào tạo trung bình 40 giờ/năm, trong đó tập trung đào tạo đáp ứng các nhiệm vụ trọng tâm xác định từng năm...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An nhấn mạnh, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm để EVN phát triển theo chiều sâu. Tổng giám đốc yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tới năm 2020, gắn liền với kế hoạch sản xuất – kinh doanh tại đơn vị. Hiện nay, mặc dù tỷ lệ lao động được đào tạo cơ bản tại EVN cao hơn mức trung bình của ngành công thương, tuy nhiên, số lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia còn rất thiếu.
Tổng giám đốc Đặng Hoàng An nhấn mạnh, bên cạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các đơn vị cũng cần lưu ý, tránh xảy ra tình trạng chảy máu chất xám đối với nhóm lao động chất lượng cao...
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn GE - Mỹ và đại diện các đơn vị trực thuộc EVN cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, trao đổi các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả SXKD ngành Điện...
Ông Trần Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực Bộ Công Thương đã chúc mừng thành tích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo. Đồng thời, Phó Vụ trưởng cũng bày tỏ sự ủng hộ với các mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 của EVN.
Nguồn nhân lực của EVN có hàm lượng chất xám tương đối cao so với các doanh nghiệp công nghiệp trong cả nước, vượt mục tiêu “tăng nhanh tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo các cấp trình độ trong lĩnh vực công nghiệp từ 78% (năm 2010) lên 83% (năm 2015)” theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Trích Báo cáo của EVN tại Hội nghị) |