Ông Thái Phụng Nê, Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng: “Chúng tôi tự hào về những điều ngành Điện đã làm được”

Đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng: Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ), nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, nguyên Phó Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu, ông Thái Phụng Nê là một người gắn bó nhiều năm với ngành Điện Việt Nam. Ông đã có cuộc trao đổi về nội dung EVN vừa được đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ông Thái Phụng Nê

Theo ông, những thành quả lớn nhất mà EVN đã đóng góp được cho nền kinh tế là gì?
 
Tôi cho là cái lớn nhất mà EVN đạt được là đã hoàn thành một cách toàn diện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao là cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Trong nhiệm vụ này, đến năm 2014, EVN đã chính thức công bố là hệ thống điện đã đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Điều đáng nói là có dự phòng 20%. Trước đó, vẫn thường xuyên nơi này, nơi kia thiếu điện. Đến năm 2014, tổng công suất khả dụng, tức là công suất sẵn sàng phát điện đã đạt được 26.000-28.000 MW. Trong khi phụ tải, công suất yêu cầu cao nhất là chỉ 24.000-25.000 MW. Nếu xét về mặt lịch sử như vậy, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Chúng tôi là những người làm điện rất tự hào về thành quả này.
 
Nếu nhìn một cách hệ thống hơn nữa, ông thấy EVN đáng ghi nhận ở những điểm nào?
 
Tôi cho là, EVN đã xây dựng được một hệ thống điện thống nhất toàn quốc, được liên kết bằng mạng lưới cao áp 500 kV và đột phá năm 1994, đã tự lực xây dựng trong 2 năm hoàn thành đường dây 500 kV Bắc Nam để kịp thời đưa điện ở vùng thừa phía Bắc về phía Nam, và điện thừa từ phía Nam vào miền Trung đang rất thiếu điện lúc đó. Cũng có khi điện phía Bắc thiếu, như khoảng năm 2000 - 2005, nhờ phía Nam có nguồn điện khí trong khi phía Bắc chưa có nguồn mới, điện phía Nam lại đưa ra. Ta rất tự hào có hệ thống điện thống nhất để đưa hệ thống điện Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á, chỉ sau hệ thống điện của Indonesia và Thái Lan. Về thành quả này, tôi nghĩ, toàn thể cán bộ, công nhân ngành Điện cũng lấy làm tự hào.
 
Một điểm lớn đáng ghi nhận nữa là việc ngành Điện đã đưa điện về nông thôn. Cho đến nay hơn 98% hộ nông thôn có điện, ngành Điện cũng đã tích cực đưa điện về miền núi, hải đảo, để năm 2020, có khả năng tất cả sẽ có điện. Việc đột phá nữa là ngành Điện đã đưa lưới điện quốc gia ra hải đảo như Phú Quốc, Cô Tô, Kiên Hải… chuẩn bị đưa điện ra Lại Sơn (Kiên Giang), Cù Lao Chàm… Cái này, tôi tin là không có mấy nước trên thế giới đạt được tỷ lệ đưa điện về nông thôn như Việt Nam.
 
Theo ông, đạt được những sự phát triển có tính nền tảng, hệ thống như vậy, EVN dựa vào những điều gì?
 
Tôi cho rằng, cả về nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ, EVN là một trong số ít tập đoàn kinh tế của Nhà nước đã dựa trên 2 yếu tố cơ bản đó để phát triển. Đội ngũ cán bộ kỹ sư vận hành hệ thống điện, vận hành nhà máy… của EVN chuyên nghiệp, tiếp cận được trình độ thế giới. Tôi ghi nhận rằng, ở nhiều thời điểm quan trọng, EVN đều biết ứng dụng khoa học, công nghệ rất kịp thời. Với nhiều công trình, dự án, EVN đã tự lực thiết kế, xây dựng với một trình độ hiện đại, có thể cạnh tranh được cả với Trung Quốc và Thái Lan. Nhiều thiết bị điện ta đã tự sản xuất, chế tạo được không chỉ phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước mà còn xuất khẩu.
 
Theo ông, để EVN phát triển mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới thì EVN cần phải chú ý đến những vấn đề gì?
 
Phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành. Bây giờ điện đã đủ, có dự phòng rồi thì hệ thống phải nhanh chóng tái cơ cấu lại để đạt năng suất, trình độ cao hơn, phải giảm số lượng lao động, tăng năng suất lao động. Việc thứ hai là phải hoàn thiện lại tổ chức phục vụ khách hàng, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm. Chú ý đến thực hiện những điều khách hàng yêu cầu, cấp điện nhanh. Cấp điện cho đủ, không bị mất điện nhiều. Để làm thế nào thời gian mất điện, tần suất mất điện trong năm theo kịp khu vực, chất lượng điện đáp ứng sản xuất, công nghệ cao, tần số rất hạn chế thay đổi, điện áp hạn chế thay đổi. Để làm được việc đó cần hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống mạch vòng, giảm cho được tổn thất điện năng.
 
Nhìn chung lại, tôi nghĩ rằng, việc EVN mạnh dạn báo cáo Đảng, Chính phủ và Nhà nước về danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tập đoàn thì đó là nguyện vọng của toàn thể cán bộ, công nhân của toàn ngành Điện Việt Nam, trong đó EVN đóng vai trò chủ đạo. 


  • 29/09/2015 07:01
  • Theo thanhnien.com.vn
  • 4335


Gửi nhận xét