Theo Hiệp hội ngành Điện Nhật Bản, từ năm 1961 khi bắt đầu xây dựng và phát triển điện hạt nhân, các công ty điện nguyên tử của Nhật Bản đã nghiên cứu phương án xử lý chất thải phóng xạ theo hướng thải ra biển. Tuy nhiên, phương án này không được Chính phủ chấp thuận do “vấp” phải các phong trào phản đối của các nước khu vực Nam Thái Bình Dương đầu năm 1970.
Năm 1980, Hiệp định Luân Đôn được ban hành nghiêm cấm toàn bộ các hành vi thải bỏ chất thải phóng xạ ra biển. Vì vậy, Nhật Bản đã chuyển sang nghiên cứu hướng xử lý chất thải phóng xạ trên đất liền.
Đến năm 1984, Hiệp hội ngành Điện Nhật Bản đã đề xuất xây dựng cơ sở xử lý chất thải phóng xạ nồng độ thấp đầu tiên tại Rokasho và được Chính phủ chấp thuận. Sau đó, hàng loạt các quy định có liên quan phục vụ cho việc thực hiện dự án này được ban hành. Đến năm 1992, cơ sở xử lý chất thải phóng xạ điện hạt nhân đầu tiên của Nhật Bản đã đi vào hoạt động.
Ông Takahashi – Giám đốc JINED cho biết: “Để xử lý chất thải phóng xạ trong nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi phải có thời gian dài và cơ sở hạ tầng hiện đại. Với những kinh nghiệm đúc kết được sau hơn 50 năm phát triển điện hạt nhân, Nhật Bản đã và đang tích cực hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này”.
Từ năm 2013 đến nay, EVN và JINED đã liên tục tổ chức 7 hội thảo xung quanh vấn đề quản lý chất thải phóng xạ điện hạt nhân. Tại hội thảo lần thứ 8, hai bên sẽ tiếp tục tìm hiểu về quy trình xử lý chất thải phóng xạ nồng độ thấp của Nhật Bản; năng lực kỹ thuật để quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân dành cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận – Việt Nam; tiêu chuẩn kỹ thuật của gói chất thải và nộp đơn để thiết kế cơ sở xử lý chất thải phóng xạ tại Nhật Bản; đánh giá an toàn cho các kịch bản tai nạn trong cơ sở xử lý chất thải phóng xạ.
Bên cạnh đó, JINED còn cung cấp thêm cho EVN và các cơ quan liên quan của Việt Nam bộ tài liệu “5 tiêu chuẩn kỹ thật về chất thải phóng xạ điện hạt nhân”. Đây là tài liệu quan trọng, hữu ích đối với Việt Nam - quốc gia đang trong quá trình triển khai 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Nguyễn Mộng Hùng – Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVN hy vọng trong thời gian tới, EVN và JINED sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải phóng xạ nói riêng và phát triển điện hạt nhân nói chung.