Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam (SPMB) đang thực hiện quản lý đầu tư xây dựng 79 dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội 23 tỉnh thành phía Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Trong đó có 19 công trình chuyển tiếp, chuẩn bị đầu tư 27 công trình…. Ngoài ra, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng giao cho SPMB bổ sung quản lý các dự án 500 - 220 kV giai đoạn 2016 - 2020. Các dự án này hiện đang trong giai đoạn lập thủ tục lựa chọn đơn vị thực hiện công tác tư vấn.
Theo đánh giá của ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc SPMB, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ngày càng phức tạp nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình, đặc biệt là công tác thẩm định giá ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chậm ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt phương án bồi thường.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng phòng Đền bù, SPMB cho biết, thực hiện Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất, việc lập Chứng thư thẩm định rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian do các công trình truyền tải điện qua rất nhiều vị trí đất và các địa phương khác nhau. Trong khi đó, các địa phương xác định giá đất cụ thể phải tuân thủ theo Luật Đấu thầu và các Nghị định hướng dẫn....
Bên cạnh đó, khi thực hiện Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì đất nông nghiệp trồng cây hàng năm trong hành lang an toàn đường điện không được hỗ trợ. Tuy nhiên tại Điều 10, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất thì việc xác định mức bồi thường thiệt hại do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để có quy định cụ thể.
Do mâu thuẫn giữa 2 Nghị định đã gây khó khăn cho công tác hướng dẫn chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương. Cụ thể, UBND các tỉnh quy định mức hỗ trợ cho những địa phương liền kề nhau với các mức hỗ trợ khác nhau nên rất khó cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Các hộ dân có đất liền kề nhau nhưng khác địa phương phản ứng, khiếu nại và kéo dài tiến độ bàn giao mặt bằng. Hiện các địa phương đã chấp nhận tỷ lệ hỗ trợ 30% theo giá đất nông nghiệp thuần. Tuy nhiên đơn giá quá thấp, người dân không đồng thuận.
Theo ông Nguyễn Hải Đăng, nhiều địa phương sử dụng 2 hệ bản đồ nên rất khó khăn trong công tác đo vẽ địa chính. Tại một số khu vực, việc người dân sang nhượng thường xuyên bằng giấy tay hoặc công chứng không đăng ký với chính quyền địa phương do đó không cập nhật kịp biến động, gây khó trong công tác thu hồi và bồi thường đất. Chưa kể sau khi tiến hành đo vẽ địa chính, tuyến đường dây thường bị trùng với một số dự án khác nên địa phương yêu cầu phải điều chỉnh lại hướng tuyến. Việc điều chỉnh các thỏa thuận hướng tuyến dẫn đến kéo dài tiến độ thi công công trình.
“Thủ tục pháp lý về cưỡng chế rất phức tạp, địa phương phải thực hiện chặt chẽ theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật nên kéo dài tiến độ bàn giao công trình cho Ban Quản lý dự án”, ông Đăng nói.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hiện là vấn đề khó khăn phức tạp do đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách mới, tuy nhiên các hộ dân cố tình không đồng ý nhận tiền bồi thường, thắc mắc khiếu nại kéo dài và hiện tại người dân luôn có tâm lý càng gây khó, khiếu nại khiếu kiện kéo dài thì càng nhận được nhiều tiền bồi thường dẫn đến tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng công trình kéo dài.
Đơn cử như đối với các đường dây cấp điện áp 220 kV, người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng không cải tạo nhà để đảm bảo đủ điều kiện tồn tại hoặc nhiều trường hợp yêu cầu phải bồi thường di dời nhà ra khỏi hành lang vì sợ nguy hiểm, đồng thời cản trở không cho thi công.
Hay đối với các đường dây cấp điện áp 500 kV, người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng không tháo dỡ hoặc không nhận tiền bồi thường. Trong khi đó, các địa phương không có cơ sở pháp lý để cưỡng chế việc cải tạo nhà ở công trình của người dân - Trưởng phòng Đền bù Nguyễn Hải Đăng dẫn chứng.
Ông Đoàn Tấn Phong cho biết, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng không đồng ý đơn giá bồi thường của các UBND tỉnh nên cương quyết không nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Các địa phương chỉ tổ chức vận động các hộ nhận tiền, không có cơ sở pháp lý để cưỡng chế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công và đóng điện các công trình.
Theo SPMB, hiện nay, việc thẩm định giá trị quyền sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng, quốc phòng - an ninh, hoặc để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa sát với giá thị trường chuyển nhượng đất tại địa phương và còn quá chậm.
Trong khi đó, do sự chênh lệch giữa giá đất Nhà nước quy định với giá đất thực tế trên thị trường, khi thanh toán tiền bồi thường đất cho người dân, hộ dân giao đất lại sớm nhận tiền bồi thường thấp hơn hộ dân giao đất muộn, vì khi hộ dân giao đất muộn thì giá đất được đền bù đã thay đổi theo thời gian và giá mới thường cao hơn giá cũ nên đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện ngày càng khó khăn phức tạp.
Từ nay đến năm 2018, khu vực miền Nam chỉ có nguồn điện cung cấp từ hai Trung tâm Điện lực Duyên Hải và Vĩnh Tân. Việc đưa vào vận hành đúng tiến độ các tổ máy nhiệt điện khu vực miền Nam như: Vĩnh Tân 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1... sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu điện cho miền Nam giai đoạn 2017-2020.
Để đảm bảo đóng điện đúng tiến độ các dự án trên, SPMB đã thường xuyên nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành, các sở, huyện và các Trung tâm Phát triển Quỹ đất.
Cụ thể như với các dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên đi qua các tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, UBND hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và các huyện có đường dây đi qua đều thường xuyên có văn bản chỉ đạo kịp thời giải quyết các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng để dự án thực hiện đúng tiến độ.
Đường dây 220 kV Cai Lậy – Cao Lãnh và Cao Lãnh – Thốt Nốt cũng vậy, UBND các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ cũng ban hành nhiều văn bản về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với công trình để tạo thuận lợi cho các đơn vị chức năng thực thi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Các dự án truyền tải có đặc thù là đường dây đi qua nhiều tỉnh, huyện, xã khác nhau và mỗi địa phương lại có chế độ chính sách, cách giải quyết khác nhau. “Để đảm bảo tiến độ các công trình này, SPMB phải có mối quan hệ tốt và thường xuyên làm việc với chính quyền các địa phương, nhân dân có dự án đi qua”, ông Đoàn Tấn Phong khẳng định.