Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng SHB, Ngân hàng Viettinbank, Ngân hàng HD bank, cùng một số tổ chức tài chính tham gia Dự án.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam đã sớm hoàn thiện các khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dưới Luật, các Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành kịp thời và tương đối đầy đủ.
“Song song với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong từng thời kỳ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thu hút sự hỗ trợ của quốc tế cũng như sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Nhiều giải pháp thúc đẩy triển khai Dự án VSUEE đã được chia sẻ tại toạ đàm
|
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, Chính phủ Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Điển hình trong đó có Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank)”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết.
Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; tháo gỡ rào cản về tiếp cận vốn vay thương mại; tạo động lực huy động các nguồn tài chính; thúc đẩy triển khai các dự án; phát triển thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Theo ông Chu Bá Thi – chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới nhận định, mặc dù tiết kiệm năng lượng đã được coi là một trong các giải pháp hiệu quả và thiết thực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp công nghiệp, tổ chức tài chính chưa tham gia vào các dự án đầu tư. Do đó, buổi tọa đàm sẽ tập trung thảo luận các cơ hội, thách thức và giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), đơn vị quản lý Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) của Dự án, đã giới thiệu những thông tin chi tiết về Quỹ RSF và những lợi ích của tổ chức tín dụng (PFIs) khi tham gia Dự án. Theo đó, các PFIs khi tham gia sẽ được Quỹ Chia sẻ rủi ro bảo lãnh tối đa 50% khoản vay cho các dự án đầu tư TKNL do các PFIs cấp khoản vay. Đồng thời, các ngân hàng được được đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về thẩm định hiệu quả, phân tích tài chính các dự án TKNL; gia tăng cơ hội tiếp cận với các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế theo xu hướng phát triển bền vững và giảm phát thải.
Đặc biệt, việc tham gia Dự án sẽ giúp các ngân hàng đa dạng hóa danh mục đầu tư thông qua việc mở rộng danh mục đầu tư vào lĩnh vực mới, tạo ra lợi nhuận dài hạn từ các dự án xanh. Hướng tới mục tiêu xây dựng ngân hàng bền vững, đáp ứng xu hướng chung của toàn thế giới. Các ngân hàng khi tài trợ cho các dự án TKNL cũng sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của ngân hàng, tạo bước đà xây dựng ngân hàng bền vững.
Chia sẻ về quá trình triển khai việc cho vay đầu tư thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bà Ngô Thu Hà – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, SHB sẵn sàng cùng với các ngân hàng, các doanh nghiệp thực hiện việc thẩm định và trao đổi thông tin kịp thời, nhanh chóng để đẩy nhanh tiến độ Dự án, để việc thực hiện Dự án diễn ra một cách thuận lợi nhất.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng dành phần lớn thời gian để chia sẻ, thảo luận những khó khăn, vướng mắc khi tham gia Dự án. Theo đó, một số vướng mắc điển hình đối với các ngân hàng hiện nay là việc các ngân hàng đã tham gia Dự án nhưng chưa ký thỏa thuận khung với các đơn vị thực hiện (MGA); một số khó khăn liên quan đến chi phí bảo lãnh (phí cam kết và phí bảo lãnh), thời gian chi trả bảo lãnh, thời gian chuẩn bị dự án của doanh nghiệp, thẩm định và cấp tín dụng cho các tiểu dự án TKNL của ngân hàng,...
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, nhiều ý kiến tại toạ đàm cho rằng cần đề xuất các tổ chức tín dụng tham gia ký kết MGA. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật nhận diện các dự án, phát triển dự án, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tín dụng; đề xuất GCF xem xét giảm phí bảo lãnh cho phù hợp; gia hạn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ dự án, gia hạn thời gian phát hành bảo lãnh phù hợp.
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) được triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 01/2026 trên phạm vi cả nước. Bộ Công Thương – Cơ quan chủ quản dự án là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chung kết quả thực hiện dự án.
Dự án bao gồm 02 hợp phần: Hợp phần 1 - Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (Risk Sharing Facility - RSF), với kinh phí là 03 triệu USD viện trợ không hoàn lại, dùng để triển khai các hoạt động của Quỹ chia sẻ rủi ro; Hợp phần 2 - Hỗ trợ kỹ thuật, với tổng kinh phí 8,3 triệu USD, dùng để Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các bên tham gia Dự án, xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ các hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.
|