Do tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ dự án OPEC2, nên Công ty Điện lực Quảng Nam cũng phải tiếp nhận một khối lượng công tơ với khoảng 7.000 hộp nhựa còn dư thừa của dự án này.
Vừa qua, Công ty đã phân bổ số công tơ và hộp nhựa để các điện lực tận dụng thay thế cho khách hàng. Muốn sử dụng được hộp nhựa, cần phải gia công xà sắt theo bản vẽ hướng dẫn của phòng Kỹ thuật Công ty. Ước tính, giá thành gia công xà để lắp được 1 công tơ/1 cột khoảng 75.000 đồng/cái; còn nếu để lắp được 2 công tơ/1 cột khoảng 91.500 đồng/cái. Nếu trong số 7.000 hộp nhựa thực tế tiếp nhận từ dự án OPEC2, có khoảng 10% khối lượng lắp 1 công tơ/trụ, 10% khối lượng lắp 2 công tơ/trụ thì chi phí gia công xà cho 20% số hộp công tơ này (tương ứng 1.400 hộp) chiếm khoảng 116 triệu đồng.
Từ thực tế cho thấy, việc gia công xà phát sinh nhiều chi tiết không cần thiết và lãng phí, vừa tốn tiền, vừa mất công chờ đợi thời gian gia công. Việc vận chuyển xà đến hiện trường lắp đặt cũng hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận. Vì vậy, kỹ sư điện Hoàng Ngọc Chung, Trưởng Phòng Kế hoạch kỹ thuật cùng công nhân bậc 5/7 Phạm Hùng Cường của Tổ điện kế, Điện lực Thăng Bình đã phối hợp cải tiến một số các chi tiết vật tư phù hợp với việc gia công lắp đặt hộp công tơ này. Thay vì hợp đồng gia công sử dụng xà để lắp hộp công tơ tiếp nhận từ dự án OPEC2, đơn vị đã gia công điều chỉnh cách lắp đai thép của thùng composite để lắp đặt cho thùng nhựa hộp công tơ OPEC.
Chi tiết được cải tiến
|
Cải tiến này đã được lãnh đạo Điện lực Thăng Bình ủng hộ và đăng ký sáng kiến trước Hội đồng xét duyệt sáng kiến Công ty Điện lực Quảng Nam. Như vậy, chỉ cần khoan thêm 2 lỗ để lắp thùng công tơ lên trụ, không cần sử dụng xà đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chi phí của một bộ đai thép trên thực tế khoảng 9.000 đồng, và với 1.400 thùng công tơ này chỉ cần khoảng 12 triệu đồng, lại không chiếm chỗ trong kho, vận chuyển dễ dàng, không mất thời gian gia công. Giá trị làm lợi của sáng kiến này lên đến hơn 100 triệu đồng.
Vừa qua, Hội đồng xét duyệt sáng kiến Công ty Điện lực Quảng Nam đã công nhận và khen thưởng cho sáng kiến này. Trước đó, khi việc cải tiến này được đưa ra áp dụng có hiệu quả, Điện lực Thăng Bình đã báo cáo Công ty và đã được Công ty xem xét thống nhất cho triển khai áp dụng tại các điện lực trực thuộc theo văn bản hướng dẫn số 3200/QNAPC-KT ngày 05/08/2011.
Chỉ với một chi tiết nhỏ được cải tiến, sáng kiến của Điện lực Thăng Bình đã mang lại hiệu quả lớn, tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian thi công. Sáng kiến nhỏ này có thể được vận dụng để lắp đặt cho công tơ cùng loại ở các đơn vị khác trong ngành Điện.