Ông Đức cho biết, nguồn vốn đầu tư sẽ được EVNSPC thu xếp từ vốn ngân sách nhà nước, vay ODA, vay thương mại trong nước, vay ưu đãi trong nước, vốn ứng của tỉnh, vốn tự có...
Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, EVNSPC sẽ triển khai các dự án: Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang – giai đoạn 2. Dự án này sẽ đầu tư cấp điện cho 6.131 hộ dân chưa có điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Dự án “Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW2)” xây dựng 152 km đường dây 110 kV, 12 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 572 MVA; Dự án “Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 vay vốn WB”, lắp đặt 695 km đường dây trung thế, 609 km đường dây hạ thế, trạm phân phối tổng dung lượng 115,8 MVA; Dự án “Tín dụng ngành điện 3 vay vốn JICA”, bao gồm 2 tiểu dự án 220 kV, 13 tiểu dự án 110 kV và 3 tiểu dự án lưới điện trung hạ thế.
EVNSPC cần nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng lưới điện cho các tỉnh/thành phía Nam trong thời gian tới - Ảnh Minh Nguyên
|
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng triển khai các Dự án: “Cải tạo lưới điện phân phối tại các thành phố vừa và nhỏ” trên địa bàn 21 tỉnh, thành khu vực miền Nam; cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện cao, trung và hạ áp. Dự án “Đầu tư phát triển lưới điện 110 kV đảm bảo tiêu chuẩn N-1 (nâng cao độ tin cậy cung cấp điện)” đầu tư xây dựng 1.066 km đường dây và 944 MVA dung lượng trạm biến áp 110 kV. Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020” đầu tư 12/17 dự án thành phần Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Dự án này có quy mô xây dựng 5.818km đường dây trung thế, 9.072 km đường dây hạ thế và dung lượng trạm biến áp 510,996 MVA. Dự án “Cấp điện lưới quốc gia cho các đảo tỉnh Kiên Giang” với dự án cung cấp điện cho xã đảo Hòn Thơm và xã đảo Sơn Hải và dự án Mạch 2 đường dây cao áp cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc.
Ngoài ra, Tổng công ty còn thực hiện 2 nhiệm vụ chỉ tiêu điện khí hoá nông thôn gồm: Nhiệm vụ, chỉ tiêu điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2016-2020, đầu tư cho lưới điện phân phối để đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi, để đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện và nhiệm vụ đầu tư đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn để thực hiện đầu tư để 141 xã đạt chỉ tiêu số 4 về điện.
Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Tổng công ty quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện phát triển kinh tế - xã hội của 21 tỉnh, thành phía Nam, đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng với mức tăng trưởng điện bình quân từ 10,5 đến 12%/năm, giảm thấp sự cố lưới điện hàng năm với mục tiêu giảm thời gian mất điện đến năm 2020 chỉ còn 306 phút.
Báo cáo của EVNSPC cho thấy, tính đến hết tháng 5/2016, có 2.510/2.510 xã, phường, thị trấn ở 21 tỉnh, thành phía Nam có điện, đạt tỷ lệ 100%; số hộ dân có điện sử dụng là 7,44 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,25%; trong đó, số hộ dân nông thôn có điện là 4,98 triệu hộ, đạt tỷ lệ 98,9%. Tổng công ty đang bán điện trực tiếp đến 6,94 triệu hộ dân, chiếm tỉ lệ 93,2% trên tổng số hộ có điện; 6,8% số hộ dân còn lại (khoảng 505 ngàn hộ) do các tổ chức điện nông thôn mua buôn điện và bán lẻ đến các hộ dân phía sau công tơ tổng, tập trung hầu hết tại tỉnh An Giang và Trà Vinh.
Để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong khu vực phía Nam, từ đầu năm đến nay Tổng công ty Điện lực miền Nam đã hoàn tất đóng điện 12 công trình lưới điện 110 kV với khối lượng 66,3 km đường dây và tổng công suất trạm là 269 MVA ở khu vực Cà Mau, Hậu Giang, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Ninh Thuận.