Đừng thêm “trách nhiệm” cho điện hạt nhân

Chỉ bằng lý do hoàn toàn đi ngược cơ sở khoa học - đó là so sánh nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) với… bom nguyên tử - nhiều nhà phản biện xã hội đã đưa ra những quan điểm làm nặng gánh cho Dự án ĐHN Ninh Thuận. Nhưng cần hiểu rằng, dự án chậm trễ lúc này là vô trách nhiệm với an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước?

Không liên tục nhưng trên nhiều trang mạng ngoài lề vẫn âm ỉ câu chuyện nên hay không nên xây dựng nhà máy ĐHN. Với giọng điệu tiêu cực thậm chí cay nghiệt, các ý kiến này nói đi nói lại cơ chế hoạt động của nhà máy, xử lý chất thải phóng xạ, năng lực vận hành, lựa chọn công nghệ, năng lực tài chính… Thực tế, thiết kế cơ cấu bom nguyên tử cần có tỷ lệ làm giàu uranium trên 90%. Vậy với độ giàu dưới 5% trong lò, liệu một nhà máy ĐHN có thể tạo ra một vụ nổ hạt nhân như bom nguyên tử?

Các vụ tai nạn nghiêm trọng nhất như Chernobyl (Liên Xô cũ), Fukushima (Nhật Bản) đều do nóng chảy nhiên liệu, dẫn tới phản ứng hóa học gây nổ áp lực hơi nước và khí hydro, không phải là vụ nổ hạt nhân. Về nguồn nhân lực, Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cán bộ mạnh chuyên môn, giàu kinh nghiệm từng được cố Giáo sư Nguyễn Đình Tứ dẫn dắt từ nhiều chục năm nay. Việt Nam có kinh nghiệm 32 năm vận hành an toàn lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Chưa kể 600 kỹ sư, công nhân vận hành được gửi sang Nga và số cán bộ này chính là lực lượng nòng cốt của các nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận trong tương lai.

Việt Nam đã có kinh nghiệm trên 30 năm vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - Ảnh Minh Nguyên

Nhưng trên hết, hãy nhận thức ĐHN vẫn là sự lựa chọn số 1 của các quốc gia phát triển, bởi lý do phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Quá trình vận hành ĐHN không phát thải khí CO2 và các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Và trong bối cảnh nguồn đặt thủy điện đã cạn kiệt (thậm chí hệ thống sông Việt Nam còn phụ thuộc vào quốc gia có sông đầu nguồn), nhiệt điện bị hạn chế bởi phát thải, các nguồn năng lượng mới khó phát triển vì ít tiềm năng, thì ĐHN là sự lựa chọn không tồi. 4.000 MW của hai nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận, tương đương khoảng 10% tổng công suất nguồn điện Việt Nam hiện nay là một sự đóng góp không hề nhỏ.

Chiến lược an ninh năng lượng của mỗi quốc gia luôn được tính toán chặt chẽ trong tương quan các yếu tố trên. Chính phủ Việt Nam đang đi từng bước cực kỳ thận trọng, theo đúng lộ trình được IAEA tham vấn và Nghị quyết 41 được Quốc hội Khóa XII thông qua năm 2009 trong phát triển năng lượng hạt nhân.

Từ lúc chúng ta “nghĩ đến” ĐHN, tới khi rục rịch chuẩn bị mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, công nghệ cũng mất tới 20 năm. Đặc biệt sau sự cố ở Fukushima, Chính phủ càng cẩn trọng trong các bước khảo sát địa điểm, thẩm định dự án khả thi, trong đó nhấn mạnh điều kiện tiên quyết bảo đảm an toàn hạt nhân.

Quan tâm, lo lắng với vận mệnh đất nước là điều cần và đáng ghi nhận đối với mỗi công dân. Nhưng cố tình nâng quan điểm theo hướng tiêu cực thì đó lại là vô trách nhiệm, thậm chí là sự cản trở, phá hoại kinh tế và an ninh quốc gia. 


  • 29/06/2016 11:17
  • Theo Đại biểu Nhân dân
  • 9367