Theo Trưởng phòng phương thức Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) Nguyễn Đức Ninh, do đặc điểm phân bố không đồng đều cũng như chế độ hoạt động khác nhau của các dạng nguồn điện, lưới điện 500 kV thường xuyên phải truyền tải một lượng công suất rất lớn. Năm 2014 sản lượng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung dự kiến đạt hơn 7 tỷ kWh, và từ miền Trung vào miền Nam là hơn 13 tỷ kWh. Mặc dù ngay từ khi đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 bắt đầu đi vào hoạt động (năm 1994), lưới điện quốc gia được trang bị hệ thống rơle bảo vệ số, nhưng đến nay chưa có công nghệ gì mới hơn. Trong khi đó, vào các thời gian cao điểm của mùa hè, lưới điện 500 kV luôn phải vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, nguy cơ sự cố rất cao. Ông Nguyễn Đức Ninh cảnh báo, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020 với dự báo nhu cầu truyền tải trên đường dây 500 kV sẽ phải tăng gấp rưỡi cho đến gấp đôi so với nhu cầu hiện tại, hệ thống điện nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức về vấn đề ổn định. Hơn nữa, trên tuyến đường này mỗi đoạn dây đều trang bị nhiều các tụ bù dọc, kháng bù ngang – là những thiết bị không dễ vận hành đóng mở khi xảy ra sự cố phụ tải. Đặc biệt, trong các ngày lễ, tết có thể đối mặt với tình trạng ổn định dao động cộng hưởng tần số thấp, khi có nhiều tổ máy điện lớn được đấu thẳng vào đường dây 500 kV có tụ bù dọc.
Ý thức của người dân trong việc bảo vệ an toàn hệ thống điện, không vi phạm các khoảng cách an toàn được nâng cao sẽ góp phần hạn chế các sự cố trên lưới điện cao áp - Ảnh: H.Hiếu
|
Bên cạnh công tác đầu tư công nghệ mới thì việc tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu các hậu quả kéo theo để có ít nhất số người bị mất điện khi có sự cố là vấn đề đặt ra. Từ thực tế một số sự cố trên lưới điện 500 kV thời gian gần đây, điển hình là sự cố cần cẩu cây vi phạm khoảng cách an toàn đổ vào đường dây 500 kV ở khu vực Bình Dương trong năm 2013 (gây nhảy đường dây Di Linh - Tân Định khi đang truyền tải cao công suất vào miền Nam dẫn đến dao dộng và gây nhảy một số tổ máy điện khu vực miền Nam và đường dây Đắk Nông - Phú Lâm, làm tách mảng và gây mất điện toàn bộ hệ thống điện miền Nam), đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, sẽ tăng cường đầu tư hệ thống lưới điện liên kết, tạo các mạch vòng để bảo đảm cung cấp điện và cải thiện điều kiện làm việc của hệ thống theo tiêu chuẩn có dự phòng. Đồng thời, giao Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) xây dựng các phương án nhằm tránh tình trạng sự cố lan truyền diện rộng.
Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long đánh giá cao những nỗ lực trong việc khắc phục nhanh nhất các sự cố trên lưới điện 500 kV xảy ra thời gian qua, cũng như việc nghiên cứu nhằm giảm thiểu các thiệt hại nhìn từ bài học của sự cố này. Với những giải pháp kỹ thuật như sa thải theo tần số; sa thải theo sự kiện (tức là đặt ra các giả thiết khi bị mất một phần tử đường dây hay một máy biến áp quan trọng) để lập lại cân bằng cho hệ thống ngay, không phải chờ điện áp tụt mới thực hiện; trang bị đồng bộ thiết bị ghi sự cố ở các trạm... ông Trần Đình Long tin tưởng, độ tin cậy của lưới điện 500 kV sẽ được nâng cao.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Long, với đặc thù của hệ thống lưới điện 500 kV trải dài và rộng như nước ta, con người mới thực sự là nhân tố đặc biệt quan trọng và quyết định cho sự bảo đảm an toàn của hệ thống. Vì vậy, cần quan tâm đầu tư tự động hóa, đồng bộ thiết bị để giảm nguồn lao động tại nhiều vị trí; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho những người trực tiếp làm công việc quản lý, vận hành hệ thống lưới điện ở cấp điện áp lớn nhất hiện nay; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo vệ an toàn hệ thống điện, không vi phạm các khoảng cách an toàn để không gây ra các sự cố trên lưới điện. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu cả những thiết bị cảnh báo an toàn cho người dân trong mọi tình huống có thể xảy ra.